Cách làm khó hiểu
Ông Phan Duy Tiến (SN 1952, ở xóm 3, xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang) nhập ngũ ngày 15.5.1971, tham gia chiến đấu ở mặt trận B3 - Tây Nguyên, được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng thưởng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất (QĐ số 258 KT/CTN ngày 29.6.2000). Ông bị thương ở đùi, bị vùi lấp và được đồng đội cứu sống.
Chị Thảo nằm co quắp không thể tự phục vụ vẫn không được hưởng chế độ bảo trợ. |
Hiện chân trái ông bị teo, co rút, có biểu hiện thiểu năng trí tuệ. Năm 2009, ông Tiến làm hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ chất độc da cam, nhưng không được vì các giấy tờ liên quan của 6 năm chiến đấu bị thất lạc. Tuy nhiên, ông hy vọng sẽ được hưởng chế độ của người khuyết tật theo Nghị định 67 và Nghị định 13 (nay là Nghị định 28/2012/NĐ-CP) của Chính phủ nhưng một lần nữa ông thất vọng vì bị từ chối.
Cháu Trần Bảo Nam sinh ngày 13.8.2010, con trai chị Phạm Thị Thanh Huyền (thôn 7, xã Sơn Thọ) được Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Quang xác định “bại não bẩm sinh, suy dinh dưỡng độ III” từ tháng 4.2012. Thế nhưng “khi làm hồ sơ lên xã thì được xã trả lời là cháu còn nhỏ quá nên chưa có cơ sở để xác định mức độ khuyết tật”- chị Huyền buồn bã nói. Đến nay cháu Nam vẫn chưa được hưởng chế độ bảo trợ của người tàn tật.
Không chỉ ở xã Sơn Thọ (huyện Vũ Quang) mà ở xã Thạch Điền (Thạch Hà) vẫn còn nhiều đối tượng bị bỏ sót. Chị Phạm Thị Thảo (SN 1960, ở thôn Nam Lĩnh) bị tổn thương tuỷ sống, thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh và viêm đa khớp nằm liệt giường gần 3 năm qua. Gia đình đã làm hồ sơ đề nghị xét chế độ trợ cấp cho người tàn tật từ tháng 2.2012 nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ. Khi hỏi về lý do, cán bộ xã trả lời: “Chắc chắn là được nhưng không biết khi nào”.
Lắm chuyện trái ngược
Không những bị bỏ sót, nhiều người tàn tật nặng còn bị chi trả thiếu so với chế độ. Ông Nguyễn Thăng (SN 1925, ở xóm 3, xã Sơn Thọ) không thể vận động được bằng đôi chân của mình, mắt phải giảm thị lực, mắt trái mù, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ vào người khác.
Thế nhưng Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Quang chỉ kết luận: “Không có khả năng lao động… muốn có kết luận không có khả năng tự phục vụ thì phải lên bệnh viện tuyến trên”. Vì không thể “lên tuyến trên”, ông Thăng chỉ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội hệ số 1 là 180.000 đồng/tháng. Trong khi nếu được xác định là người tàn tật đặc biệt nặng và cao tuổi, ông sẽ được hưởng hệ số 2.
Cháu Phạm Cao Sang, sinh năm 2005, con anh Phạm Văn Trung (thôn Nam Lĩnh, Thạch Điền) bị teo não bên trái bẩm sinh, bị động kinh… gia đình buộc phải xích nhốt cháu vào phòng riêng. UBND xã đã hỗ trợ cháu xe lăn, nhưng tới giờ vẫn chưa được hưởng chế độ trợ cấp cho người tàn tật, vẫn phải “chờ đến tuổi trưởng thành mới có”.
Theo ước tính chung, Hà Tĩnh còn hàng trăm trường hợp người tàn tật bị sót, bị thiếu chế độ. Điều này dẫn tới cuộc sống của họ vô cùng cực khổ. Tết Quý Tỵ vừa qua, những người bị sót, bị thiếu chế độ hầu như cũng không được hưởng các trợ cấp ăn tết tương ứng. Vì vậy, với họ tết này vẫn buồn như bao tết trước, dù chính sách hỗ trợ của Nhà nước hướng tới họ vẫn đủ đầy.
Chí Thúc