TÀI NĂNG BẨM SINH
Giống như Shakespeare và Dickens, người ta có thể biết đến tên ông mà chưa bao giờ trực tiếp thưởng thức một tác phẩm nào của ông. Hình ảnh anh hề dường như đã trở thành một biểu tượng cho các nhân vật điện ảnh.
Với những thiên tài có những tác phẩm để đời đã làm kinh ngạc công chúng cứ như thể có năng lực siêu phàm trong tư duy, trong cảm xúc và trong nhận thức, khi phát hiện ra những vết gợn của họ, chúng ta có thể bị sốc. Không phải nhân cách lớn nào cũng hoàn hảo. Chúng ta vẫn nhớ tới ông với tư cách là một nhà làm phim và một diễn viên, cả hai vai trò đều khiến ông lừng danh.
Câu chuyện cuộc đời Charlie Chaplin thường được nhắc đến là một câu chuyện làm giàu từ khốn khó. Cuộc đời ông dường như là một lăng kính phản chiếu sự nghèo đói ở phía nam London, Anh đầu thế kỉ 20. Có lẽ vì thế với Charlie Chaplin, hành vi và vẻ ngoài của ông có sức thu hút ghê gớm khán giả.
Charlie Chaplin và búp bê nhân vật anh hề.
Sinh ngày 16.4.1889 ở phố East Street, Walworth, Charlie Chaplin là con trai của bà Hannah và ông Charles, cả hai đều là ca sĩ chuyên nghiệp. Cha của ông thường xa nhà để đi diễn các tour tạp kĩ, để rồi sau này họ phải sớm chấm dứt cuộc hôn nhân. Ông Charles qua đời khi chỉ mới 37 tuổi. Bà Hannah thì phải chiến đấu với bệnh tâm lý và vào viện tâm thần. Charlie Chaplin và người anh em Sydney đã phải trải qua những thời gian đói khát trên đường phố nam London. Rồi ông được đưa vào chăm sóc tại trường luật cho người nghèo Central District ở Middlesex, phía tây thành phố. Ngôi trường này ban đầu đặt tại Norwood, nam London, và nhà văn Charles Dickens cũng từng viết về nó trong tác phẩm của ông. Những kỉ niệm sống động thuở niên thiếu của Chaplin về sau đã truyền cảm hứng cho những bộ phim Hollywood của ông như phim “Đứa trẻ”.
Ngay từ đầu sự nghiệp giải trí, Chaplin đã được coi là một thần đồng. Năng lực sáng tạo, năng lượng làm việc và danh tiếng của ông vừa rõ ràng vừa khó hiểu. Năm 1913, Chaplin đã trở thành ngôi sao điện ảnh toàn cầu, đưa hình ảnh anh hề thành đại diện cho sự ngây thơ, trong trắng trong thế giới hiện đại đầy hiểm họa. Thực ra, vai diễn đó một phần được lấy cảm hứng sáng tạo từ tác phẩm Oliver Twist của Charles Dickens mà Chaplin đã đọc rất nhiều lần.
Phim ảnh không phải là chính trị, không mang tính đảng phái chính trị, nhưng lại mang tính tư tưởng. Vì thế, chúng luôn luôn thể hiện một quan điểm nào đó về thế giới. Có thể khán giả đồng ý hay không đồng ý với quan điểm đó, nhưng luôn có nhiều ý nghĩa đằng sau nó. Với phim “Kẻ độc tài vĩ đại” (1940), Chaplin đã biên kịch và đạo diễn bộ phim mang tính chính trị công khai nhất của ông. Ông đã dùng nó để chỉ trích một cách hài hước và sâu cay sự nổi lên của chủ nghĩa phát xít. Tác phẩm này có thể sánh ngang với một bộ phim khác của ông là “Thời đại tân kì” (1936), vốn chỉ trích cuộc sống lao động hiện đại trong một thế giới ngày càng cơ giới hóa nhanh chóng. Trong phim đó, tên nhân vật của ông chỉ đơn thuần là Người công nhân.
Ngoài vai trò diễn viên chính, Charlie Chaplin còn đạo diễn và biên kịch phần lớn các bộ phim của ông.
Lo lắng về sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu và đặc biệt là sự kiện chiến tranh Tây Ban Nha, Chaplin đã dành sức lực của mình để làm phim một chủ đề rất đích đáng, hợp thời và vô cùng phức tạp. Theo đó, ông cũng đã tận dụng một số bài viết về điện ảnh hồi đầu sự nghiệp của mình để làm nền tảng cho phim; chẳng hạn như bài “We have come to stay” (1922), ông nhìn lại cách phim ảnh có thể đóng vai trò là một hình thức khám phá những đề tài nghiêm túc.
Tiền đề của phim “Kẻ độc tài vĩ đại” xoay quanh một thợ cạo tầm thường từng bị thương vì Thế chiến thứ nhất từ đất nước Tomania. Vì bị mất trí nhớ, ông phải ở trong bệnh viện đến 20 năm. Khi được xuất viện, ông phát hiện ra rằng một người đàn ông tên Adenoid Hynkel đã trở thành kẻ độc tài của Tomania và sắp sửa khủng bố người Do Thái. Bộ phim châm biếm những thứ gắn với những gì Hitler sau đó sẽ làm trong Thế chiến thứ hai. Qua một loạt sự nhầm lẫn, người thợ cạo tầm thường bị tưởng là Hynkel và ông dùng danh tính này để làm những việc nhân đạo, thậm chí còn có một bài phát biểu đi ngược lại tất cả những gì Hynkel theo đuổi. Trong khi Hynkel luôn nhìn vào sự căm ghét, hoài nghi và phân biệt chủng tộc, cái nhìn của người thợ cạo luôn là về con người. Bộ phim hài này mô tả những căng thẳng luôn xảy ra trong xung đột của con người. Vì thế, bộ phim đã trở thành một tác phẩm kinh điển, một câu chuyện chưa ngừng hết ý nghĩa cho tới thời nay.
Trong “Kẻ độc tài vĩ đại”, Chaplin nhại lại Hitler đầy sống động và bộ phim kết thúc với một bài phát biểu của nhân vật thợ cạo. Trong trường đoạn này, bộ phim của Chaplin không còn là một câu chuyện hư cấu mà như một mẩu chuyện tuyên truyền, nói lên sự cần thiết phải có một nền văn hóa đồng cảm với những sự khác biệt chứ không phải lo sợ hay đối xử bạo lực với nó.
Giống “Thời đại tân kì”, “Kẻ độc tài vĩ đại” nhắc lại cho người ta thấy nhiều khi hài kịch chính là cách tốt nhất để nói lên điều gì đó “có ý nghĩa”. Bộ phim đã khiến Chaplin có thêm nhiều bạn bè nhưng cũng có thêm nhiều kẻ thù. Trong khi “Kẻ độc tài vĩ đại” vô cùng thành công ở Anh, tại Mỹ nó được đón nhận lãnh đạm hơn. Ở Đức, không bất ngờ khi bộ phim không được đón chào. Tuy thế, trong những năm 1920, nhiều trí thức Đức rất yêu thích các phim của Chaplin.