Vệ tinh được nhắc tới là Ariel-1, được phát triển dưới sự hợp tác của Mỹ và Anh. Trong đó, Anh thiết kế và xây dựng các hệ thống cơ bản của vệ tinh, còn Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng nó vào quỹ đạo bằng tên lửa Thor-Delta.
Lúc đầu, các nhà khoa học Mỹ đề xuất ý tưởng xây dựng vệ tinh Ariel-1 với NASA năm 1959 sau khi NASA đề nghị hỗ trợ đưa thiết bị khoa học của các quốc gia vào vũ trụ. Do có mối quan hệ gần gũi, chi tiết hợp tác nhanh chóng được hai bên vạch ra một cách dễ dàng.
Vệ tinh Ariel-1 được tên lửa Thor-Delta phóng vào quỹ đạo.
Vào năm sau, các nhà khoa học Anh được phép tiến hành xây dựng thiết bị đo đạc cần thiết. Trong khi đó, các kỹ sư ở Mỹ bắt đầu công việc với vệ tinh chứa thiết bị trên.
Ngày 26.4.1962, quốc tế thực hiện một nỗ lực chung đầu tiên trong vũ trụ và nước Anh đã vận hành vệ tinh đầu tiên của mình.
Theo NASA, các thiết bị trên vệ tinh Ariel-1 được sử dụng để hỗ trợ đóng góp cho kiến thức hiện nay của nhân loại về tầng điện ly và mối quan hệ của tầng điện ly với Mặt trời.
Tầng điện ly là một phần của khí quyển Trái đất có cấu tạo gồm các hạt lấy năng lượng từ bức xạ Mặt trời. Cụ thể hơn, các nhà khoa học đang muốn biết về cơ chế hoạt động của tầng điện ly.
Để thực hiện sứ mệnh, vệ tinh Ariel-1 được gắn kèm một máy ghi âm để lưu dữ liệu được thu thập. Đây là một thiết bị được thiết kế để đo bức xạ mặt trời và một số thiết bị được sử dụng để đo phản ứng và thay đổi của các hạt trong tầng điện ly khi gặp tác nhân kích thích bên ngoài từ vũ trụ, mà Mặt trời là tác nhân đáng lưu ý nhất.
Ngày 9.7.1962, chỉ vài tuần sau khi Ariel-1 được đưa vào quỹ đạo và bắt đầu truyền thành công dữ liệu về tầng điện ly về Trái Đất, các nhà khoa học Anh đã sốc khi cảm biến trên Ariel-1 được thiết kế để đo mức phóng xạ đột ngột hiển thị những số liệu cao một cách khủng khiếp. Ban đầu, họ cho rằng thiết bị trên vệ tinh bị hỏng hoặc là hoạt động trục trặc.
Hóa ra là trong khi Ariel-1 đang quay quanh Trái đất, thì quân đội Mỹ đã quyết định kích nổ một vũ khí hạt nhân thử nghiệm nặng 1,4 megaton (1megaton=1triệu tấn), có tên Starfish-Prime vào tầng thượng quyển. Đây là một phần trong Dự án Fish Bowl.
Vụ nổ xảy ra ở phía bên kia Trái đất so với Ariel-1 và đã khiến Trái đất bị bao phủ thêm một làn sóng bức xạ, gây hỏng một số hệ thống trên Ariel-1, đặc biệt là các tấm năng lượng mặt trời. Hậu quả là Ariel-1 bị khai tử cùng với 1/3 số vệ tinh đang quay quanh quỹ đạo Trái đất ở tầm thấp lúc bấy giờ. Trong số đó có cả vệ tinh Telstar - vệ tinh chuyển tiếp tín hiệu viễn thông thương mại đầu tiên được thiết kế để truyền tín hiệu xuyên Đại Tây Dương.
Vệ tinh Ariel-1 trong Bảo tàng Khoa học Anh.
Telstar thực ra không ở trong quỹ đạo vào thời điểm xảy ra vụ nổ. Nó chỉ được đưa vào quỹ đạo sau ngày xảy ra vụ nổ Starfish-Prime. Tuy nhiên, đám mây phóng xạ sau vụ nổ đó mất vài năm mới có thể tan.
Vụ nổ nằm ngoài những gì mà các nhà thiết kế vệ tinh Telstar có thể lường trước. Hậu quả tức thì là các hệ thống của Telstar bị xuống cấp, đặc biệt là máy thu thanh bán dẫn trong hệ thống điều khiển đã bị hỏng, khiến vệ tinh ngừng hoạt động chỉ vài tháng sau khi được đưa vào quỹ đạo.
Về mục đích của vụ kích nổ Starfish-Prime, theo ông James Fleming, giáo sư lịch sử đã nghiên cứu nhiều tài liệu tối mật và các bản ghi âm trước đó về vụ nổ, quân đội Mỹ đang phối hợp với nhà khoa học James Van Allen để xem các vụ nổ hạt nhân có thể ảnh hưởng ra sao tới vành đai bức xạ đang tồn tại quanh Trái đất.
Ông Van Allen bắt đầu hợp tác với quân đội Mỹ để đưa vũ khí hạt nhân vào vành đai này vào đúng ngày ông thông báo với thế giới rằng ông đã phát hiện ra vành đai đó. Hiện nay, vành đai bức xạ này được đặt theo tên của Van Allen.
Trong cùng thời gian Mỹ định đưa bom hạt nhân vào quỹ đạo, các nhà khoa học Anh cũng đang thực hiện thí nghiệm tương tự với các chất nổ. Họ gắn lựu đạn vào rocket để thử nghiệm áp lực lên bầu khí quyển.
Vụ nổ Starfish-Prime lẽ ra đã diễn ra vào 20.6 nhưng rocket mang vũ khí này đã bị hỏng ở độ cao hơn 9.000 mét. Khi xả ra vụ nổ, quá trình tự hủy ở đầu đạn hạt nhân được kích hoạt và nó vỡ ra, trút các phóng xạ bên trong xuống quần đảo Johnston và Sand cũng như đại dương quanh đó.
Tác động của vụ nổ Starfish-Prime không chỉ diễn ra ở quỹ đạo thấp. Xung điện từ do vụ nổ tạo ra lớn hơn rất nhiều so với dự đoán. Ở Hawaii, cách gần 1.500km so với nơi xảy ra vụ nổ, xung điện tử này đã khiến vài trăm đèn đường bị hỏng, cộng với làm hư hỏng hệ thống điện thoại. Nếu xảy ra vào xã hội kỹ thuật số hiện nay, hậu quả sẽ lớn hơn nhiều.