Toàn bộ mặt nước hồ Gò Miếu hiện nay đều bị phủ một lớp váng màu vàng xanh như màu mỡ cá
Từ hồ nước ngọt sạch sau hơn 1 năm thành... hồ bẩn
Ngày 19/4/2017, Sở NNPTNT Thái Nguyên ban hành Quyết định số 896/SNN-CCTS chứng nhận đăng ký bè cá với tổng số lượng 30 lồng cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật nuôi cá nước ngọt tại hồ Gò Miếu thuộc địa bàn xóm Chuối, xã Ký Phú, tỉnh Thái nguyên.
Bằng các nguồn hỗ trợ phát triển thủy sản, khuyến nông của tỉnh và huyện, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, UBND huyện Đại Từ đã hỗ trợ doanh nghiệp này gần 500 triệu đồng để đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở chăn nuôi cá lồng tại hồ Gò Miếu.
Tuy nhiên, lợi ích kinh tế đến nay của mô hình chưa thấy rõ, nhưng hoạt động nuôi cá lồng trên hồ Gò Miếu của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật đã bị người dân xã Ký Phú tố cáo gây ô nhiễm nghiêm trọng, đang có nguy cơ giết chết hệ sinh thái một trong những hồ nước ngọt đẹp nhất nằm dưới chân Vườn Quốc gia Tam Đảo?.
Những lồng cá của Công ty Cổ phần Nông nghiệp việt Nhật được cho là thủ phạm gây ô nhiễm hồ Gò Miếu
Mỡ cá nổi và dạt vào phủ kín cả một góc hồ Gò Miếu
Có mặt tại hò Gò Miếu, chúng tôi thực sự choáng váng với mức độ ô nhiễm của nước hồ. Toàn bộ mặt hồ được phủ một lớp váng giống mỡ cá nhờ nhờ không khác gì một nồi nước lẩu thập cẩm. Thậm chí, một góc hồ kéo dài hàng trăm mét bị sóng đánh nên váng mỡ tụ lại đặc quánh dầy cả gang tay, sủi bọt hôi thối, tanh nồng.
Người dân sống gần hồ Gò Miếu cho biết, đây là lần đầu tiên nước hồ bị như vậy, từ trước đến nay dù cho thời điểm cạn nhất nước hồ vẫn luôn trong xanh và người dân vẫn dùng nước hồ để tắm giặt hàng ngày, nhưng gần đây đến rửa tay chân bà con cũng không dám vì nước hồ quá ô nhiễm.
Dẫn chúng tôi thực địa, một số người dân chạy thuyền phục vụ khách du lịch cho chúng tôi xem những bức ảnh hồ Gò Miếu trong veo, xanh ngắt thời chưa có mô hình nuôi cá lồng. Quả thực, so sánh hình ảnh hồ trước và sau khi có mô hình nuôi cá lồng của Công ty Việt Nhật khiến cho bất cứ ai đều không khỏi xót xa tiếc nuối.
Dân tố thủ phạm gây ô nhiễm là do công ty Việt Nhật nuôi cá lồng bè
Người dân xã Ký Phú quả quyết nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước hồ Gò Miếu không ai khác chính là do hoạt động chăn nuôi cá lồng bè của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật do ông Lưu Văn Hạnh làm Giám đốc.
Bởi lí do rất đơn giản trong lòng hồ và phía trên thượng nguồn hồ Gò Miếu không có người sinh sống, toàn bộ nguồn nước cấp cho hồ Gò Miếu đều chảy từ rừng nguyên sinh trong Vườn Quốc gia Tam Đảo nên không thể có chuyên ô nhiễm, chỉ có duy nhất hoạt động nuôi cá lồng bè của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật nên không ai đến đây để gây ô nhiễm được.
Người dân chia sẻ, mức độ ô nhiễm của hồ gần đây ngày một nghiêm trọng hơn, nhất từ ngày Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật chuyển từ sử dụng thức ăn công nghiệp sang dùng cá tạp, cá mè, thậm chí người dân còn nghi ngờ đơn vị này dùng lợn chết do dịch tả Châu Phi để chăn cá lăng đen, cá trê nên mới khiến hồ ô nhiễm nặng như vậy?.
Sau khi phát hiện sự ô nhiễm bất thường tại hồ Gò Miếu, một số hộ dân sống dưới chân hồ Gò Miếu cho biết đã phản ánh, kiến nghị lên xã, huyện, tỉnh nhưng đến nay chưa thấy cơ quan chức xử lý khiến bức xúc của bà con đang căng như dây đàn, đặc biệt, khi phía người dân và chủ lồng bè cá có lời qua tiếng lại thách thức nhau.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ký Phú cho biết, chính quyền và người dân nơi đây rất bức xúc trước việc một hồ nước ngọt có tầm quan trọng sống còn với xã Ký Phú bị ô nhiễm do nghi ngờ liên quan đến hoạt động nuôi cá lồng bè của Công ty Việt Nhật. Tuy nhiên, do việc quản lý, khai thác, vận hành hồ Gò Miếu thuộc thẩm quyền của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên nên xã chỉ biết báo cáo, phối hợp với cấp trên chứ không tự xử lý được.
Đánh đổi ô nhiễm vì... 2,5 triệu đồng
Chúng tôi có cuôc trao đổi với ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên, đơn vị đang trực tiếp quản lý và vận hành hồ Gò Miếu thì ông thừa nhận sự việc đúng như người dân phản ánh.
Hồ Gò Miếu trước....
...Và sau khi nuôi cá lồng bè
Ông Thịnh cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin ô nhiễm tại hồ Gò Miếu, phía Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên đã cùng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Đại Từ vào cuộc kiểm tra, lấy một số mẫu nước phân tích.
Trước mắt, đơn vị yêu cầu Công ty Việt Nhật phải tiến hành vớt toàn bộ váng nổi trên mặt hồ để xử lý. Tạm dừng toàn bộ hoạt động sử dụng cá tươi, cá tạp, cá mè làm thức ăn cho cá lắng, cá trê, thay thế thức ăn bằng nguôn cám công nghiệp để theo dõi đánh giá.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng yêu cầu phía Công ty Việt Nhật rà soát, đánh giá lại mật độ nuôi cá, chủng loại xem đã phù hợp và đúng với quy định hay chưa. Tới đây, khi có kết quả phân tích mẫu nước rõ ràng, trong trường hợp cho kết quả độc hại hoặc phía doanh nghiệp cố tình vi phạm không thực hiện đúng theo cam kết, Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Thái Nguyên có thể sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu tháo dỡ lồng bè trả lại vị trí như cũ.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Công Thịnh, chúng tôi giật mình khi biết thực tế nguồn thu từ hoạt động cho Công ty Việt Nhật thầu nuôi cá lồng bè tại hồ Gò Miếu chỉ khoảng 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Với số lợi thu được cho nhà nước chỉ vọn vẹn 2 – 2,5 triệu đồng/năm mà phải đánh đổi bằng cả sự ô nhiễm của một hồ nước ngọt lớn thứ 3 tỉnh Thái Nguyên cùng sự an nguy của hàng nghìn hộ dân xã Ký Phú quả thực cái giá phải đánh đổi là quá lớn.
Hồ Gò Miếu là một trong 3 hồ lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, có chức năng chính là thủy lợi cung cấp nước tưới và nước sạch sinh hoạt cho các xã phía Nam của huyện Đại Từ, bên cạnh đó, những ngày lễ tết người dân địa phương kết hợp khai thác du lịch. Từ năm 2017 hồ Gò Miếu bắt đầu được kết hợp nuôi cá lồng bè với mô hình của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Việt Nhật và ngay lập tức phải trả giá vì sự ô nhiễm. |