Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống và tác phong làm việc, để các thế hệ cùng học tập và noi theo. Kế tục sự nghiệp vĩ đại của Người là một thế hệ các nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... mà sử sách đều đã ghi nhận.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, chúng ta nên mở rộng ra các đối tượng cần học tập khác nữa nếu thấy đáng học. 8 năm nay (2011-2019), chúng ta đã thực hiện các chỉ thị của Đảng để phát động toàn thể đảng viên và quần chúng cả nước học tập về Bác. Nhưng tôi có cảm giác hình như chúng ta đang thiếu đi sự sáng tạo trong cách học.
Ở Việt Nam, vẫn có gì đó chưa ổn khi chúng ta còn ngại ngùng khi đề cao tấm gương của một ai đó còn đương chức, còn sống. Cần hiểu, chúng ta không có mục đích tôn sùng, đề cao cá nhân, đánh bóng tên tuổi lãnh đạo, mà chỉ là tìm gương tốt ở họ để noi theo. Vì thế, nếu viết về gương những vị lãnh đạo đương chức cũng rất hay. Tuy rằng sẽ rất khó viết, bởi không khéo “khen nhau như thế bằng mười hại nhau”.
Trong bài viết này, tôi muốn đi vào một lớp lãnh đạo từng tham gia nhiều cuộc kháng chiến và nay đã đi xa. Chúng ta có thể lấy đó làm gương cho hậu thế cùng noi theo. Họ cũng chưa phải là những học trò xuất sắc nhất, gần gụi nhất với Bác mà chỉ là thế hệ lãnh đạo sau, nhưng cũng từng được gặp Bác, nguyện phấn đấu theo gương Bác.
+ Trả biệt thự ngàn cây vàng ở Thủ đô về quê xây nhà cấp 4 sống như một thường dân.
Cố Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Kiên (1920-2003) nổi tiếng là một nhà lãnh đạo liêm khiết, mẫu mực.
Ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng với 3 nhiệm kỳ tham gia Ban chấp hành Trung ương (các khoá 4,5,6). Điều đáng ghi nhận là khi ông đảm trách vai trò “người gác gôn” cho Đảng về công tác kiểm tra Đảng với vai trò Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương - Bí thư Trung ương Đảng các khoá 5 và 6. Thế nhưng, dù đang rất được uy tín, ông đã chủ động xin nghỉ rồi rời Hà Nội về Quảng Ngãi, quê ông sinh sống.
Nguyên phóng viên một tờ báo lớn, ngay từ ngày đó có kể cho tôi nghe câu chuyện về ông thật xúc động. Chị tá túc ở nhà người thân khi vừa trong Nam ra Hà Nội nhận công tác thì tình cờ lại ở khu tập thể Trung Tự, Hà Nội, ngay gần nhà ông Trần Kiên. Vốn là nhà báo nên chị cũng hay qua ông hầu chuyện, bởi tính ông rất giản dị, không quan cách.
Cái ngày ông Trần Kiên xin được trả biệt thự cho nhà nước rồi về quê, ông đã báo cáo Bộ Chính trị rằng ông không đồng ý nhận nhà được cấp ở Hà Nội vì không có nhu cầu. Ông cũng biết, nếu nhận rồi sau này xin hoá giá thì biệt thư ấy sẽ mang về cho ông cả ngàn cây vàng.
Ông cũng không nhận ngay cả nhà cửa mà tỉnh được giao nhiệm vụ sẽ đứng ra xây cho ông trong Quảng Ngãi, xem như chế độ đặc biệt với một Bí thư Trung ương Đảng nghỉ hưu. Ông xứng đáng được thế bởi cả đời ông nguyện làm bất cứ việc gì mà ông thấy có lợi cho dân, mong những người dân nghèo đỡ khổ. Đó là quãng thời gian dài ông làm Bí thư Tỉnh uỷ một số địa phương cũng như làm Bộ trưởng Lâm nghiệp.
Đêm trước khi rời biệt thự Trung Tự, ông đã thức trắng để ngồi bên bếp lửa đốt bớt cả núi giấy tờ không cần giữ... Hôm sau, một chiếc xe tải nhỏ đến chở đồ cho ông. Hàng xóm bùi ngùi chia tay ông trong nước mắt và họ rất cảm động khi thấy ông mang về quê cả những đồ gỗ đã cũ mèm, từ hũ dưa cà đến chiếc ti vi cũ cùng đống sách báo và chiếc xe đạp cà tàng vốn đã gắn bó với ông nhiều năm ra Bắc công tác.
Thế mà trên xe kia vẫn rỗng. Ông không có gì hơn để lấp cho đầy chuyến xe - chị nhà báo kể.
Về quê, ông chỉ xin địa phương một mảnh đất rất khiêm tốn trong một con đường cũng rất nhỏ, rồi tự mình bỏ tiền tiết kiệm xây một ngôi nhà cấp 4. Thật rất ít ai có thể hình dung nổi về một ông “quan lớn” từng có đầy quyền lực của đất nước ngày nào mà lại giản dị đến thế.
Ngày ngày, ông vẫn dùng chiếc xe đạp cũ mang từ Hà Nội vào đi thăm bạn, thăm dân để hiểu thêm về cuộc sống người dân. Ông Trần Kiên không chịu dùng ô tô công vụ mỗi khi có việc đi gần dù ông có chế độ bố trí xe con phục vụ theo quy định của một cựu Bí thư Trung ương đã nghỉ công tác...
+ Không đưa người thân vào bộ máy nhưng luôn có tầm nhìn để tìm đội ngũ kế tục xứng đáng
Cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Quy (1926-2006) là một nhà lãnh đạo sống thanh liêm và có nguyên tắc sống rất đặc biệt. Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khoá 5,6. Ông làm Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 1987-1992, trước đó là Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Trong kháng chiến chống Pháp, ông nguyên là Bí thư lâm thời tỉnh ủy Lào Cai từ năm 1947 khi mới 21 tuổi. Ông Hoàng Quy là 1 trong 2 người trẻ nhất được Bác Hồ và Trung ương cử về làm bí thư 2 tỉnh miền núi Tây Bắc vốn rất khó khăn. Rồi năm 1951, ông là Bí thư Tỉnh uỷ chính thức của Lào Cai...
Tôi được nghe ông Nguyễn Minh Hải - một người cháu ruột của bà Nguyễn Thị Bảo Tuệ, phu nhân của cố Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoàng Quy kể câu chuyện thật đáng để hậu thế chúng ta phải suy nghĩ. Đành rằng, cũng sẽ có người nghĩ, quan niệm và phong cách sống liêm khiết, giản dị, tiết kiệm và chí công vô tư như ông, nay chắc gì đã đúng với thời cuộc, nếu không nói là hơi có phần “cực đoan” (!).
Ông Hoàng Quy về làm Bộ trưởng Tài chính cũng là giai đoạn đất nước bị khủng hoảng tài chính do lạm phát cao đến mức phi mã (tăng 800%). Chính ông đã góp một phần không nhỏ vào việc kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, giữ ổn định tiền tệ quốc gia.
Ông Hoàng Quy với 2 nhiệm kỳ tham gia Ban Chấp hành Trung ương, từng đảm đương nhiều chức vụ quan trọng, rất có uy tín. Vì thế nên hai Bộ trưởng Tài chính của mấy nhiệm kỳ gần đây, như nguyên Bộ trưởng Vương Đình Huệ, nay là Phó Thủ tướng, hay Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng bây giờ, ngay sau ngày nhậm chức đều đến tư gia thắp hương cho bậc tiền bối bằng cả tấm lòng kính trọng.
Thật lạ một điều, cả hai vị bộ trưởng đều hỏi bà Bảo Tuệ một câu rất giống nhau: Hiện nay, con cháu ruột thịt của hai bác có ai công tác ở Bộ Tài chính không? Câu trả lời của bà quả phụ cố bộ trưởng là: “Nhà chúng tôi không hề có ai cả!"
Có lẽ cả 2 vị bộ trưởng cũng như nhiều người khác không thể hình dung ra rằng, ngoài việc ông bà Hoàng Quy sinh ra 6 người con mà không một ai trong số các con đẻ, con dâu, rể và cháu nội, ngoại làm ở Bộ Tài chính đã đành, mà ngay cả người trong đại gia đình của ông và bà cũng không hề có. Trong khi đó, nên biết rằng ông Hoàng Quy có 11 anh chị em ruột; vợ ông thì còn đông hơn, bà là chị cả của một gia đình có 14 chị em ruột.
Lúc đương chức, ông Hoàng Quy thường nhắc nhở gia đình rằng: Nếu có người trong đại gia đình mình mà có hoàn cảnh khó khăn thì chúng ta nên ngồi bàn rồi bày cho người đó cách làm ăn và nên cùng nhau góp chút vật chất ban đầu gọi là để vượt qua khó khăn. Ông Hoàng Quy dặn dứt khoát "đừng bao giờ giúp họ có vị trí và quyền lực trong cơ quan nhà nước do người thân làm lãnh đạo, bởi làm như thế sẽ làm hỏng gia đình và gây bất lợi cho xã hội"...
Cố bộ trưởng không vì người thân mà nâng đỡ, đưa vào làm việc ở những đơn vị thuộc bộ do mình phụ trách. Ngược lại, với cộng sự, ai có phẩm chất và năng lực, ông lại để ý, có con mắt phát hiện rất tinh tường rồi lưu tâm đào tạo, bồi dưỡng tận tình để đưa vào quy hoạch. Việc quy hoạch này cũng không phải chỉ 1 nhiệm kỳ kế tục ông mà còn cả cho nhiệm kỳ kế sau đó nữa. Rất đặc biệt.
+ Coi việc lắng nghe nguyện vọng của dân như một trách nhiệm của người lãnh đạo.
Cố Bộ trưởng Bộ Nội thương Lê Đức Thịnh (1927 – 2001) từng là Xứ ủy viên Bắc Kỳ từ năm 1945 và được phân công thành lập Tỉnh ủy lâm thời Hải Dương. Ông nguyên là Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng (1968-1976), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khoá 5 và làm Bộ trưởng Bộ Nội thương (1982-1986). Ông là một con người rất chân chất, bình dị trong cuộc sống và trách nhiệm cao trong công việc.
Thời kỳ ông làm Bộ trưởng Nội thương (rồi cả giai đoạn ông làm Trưởng ban Tài chính Quản trị Trung ương trước khi nghỉ công tác) là những năm nước nhà gặp khó khăn chồng chất về kinh tế. Dân thiếu ăn, thiếu mặc và cái gì cũng phải phân phối theo định lượng, tem phiếu, kể cả mớ rau, bó củi cho người dân thường. Ngay như cán bộ cấp cao cũng rất cơ cực.
Vai trò của người đứng đầu một bộ được giao nhiệm vụ rất lớn nhưng khả năng kinh tế của nước nhà lại vô cùng có hạn, khó khăn thì chồng chất. Cho nên, ở cương vị như ông Lê Đức Thịnh thì vai trò của ông quả là quan trọng vô cùng.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng Trương Tấn Sang, trong lời điếu đọc tại lễ tang ông Lê Đức Thịnh đã đánh giá ông "là một cán bộ lãnh đạo cần mẫn, đầy lòng nhiệt tình, xông xáo, sắc sảo. Một người có phong cách làm việc khẩn trương, dứt khoát".
Có một kỷ niệm nhỏ về vị cố bộ trưởng Lê Đức Thịnh, theo tôi thật đáng trân trọng, nay rất muốn được nhắc lại. Qua đó, chúng ta sẽ thấy rõ phong cách làm việc rất gần dân, không ngại lắng nghe dân ở một người lãnh đạo sâu sát và giản dị như ông.
Chị Ngọc Hải - con gái của ông có lần kể cho tôi nghe một câu chuyện rất cảm động. Số là vào đúng ngày mùng 1 Tết dương lịch năm 1984, ông nhận hung tin con trai mình bị bạo bệnh vừa qua đời ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh bây giờ). Do vướng ngày lễ là ngày nghỉ của mọi người, ông đành phải xin Văn phòng Bộ bố trí cho xe của ông được dùng cho tang lễ.
Trên đường đi lên đó, khi xe qua địa phận huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) thì xe ông bị người dân đổ xô ra đường chặn lại. Thì ra họ thấy có chiếc xe Volga đen bóng phóng qua nên đoán ngay ra người ngồi trong xe “chắc chắn phải là ông cán bộ rất to (!)”. Họ ngăn đường không cho ông đi, mong ông xuống xe để nghe họ trình bày dù lúc đầu họ không hề biết ông là ai.
Họ xúm vào thay nhau báo cáo việc người nông dân nơi này đang có nguy cơ bị Nhà nước bắt thu hẹp diện tích vùng nguyên liệu trồng thuốc lá để quay về trồng lúa. Nếu chuyện này thành sự thật thì người dân nơi đây sẽ gặp khó khăn vì đất ruộng ít, nếu buộc phải trồng lương thực thì sẽ cho giá trị thấp, dân sẽ rất khó sống.
Ông bình tĩnh đứng lắng nghe, hỏi han thêm bà con hơn một giờ đồng hồ ở ngay vệ đường, rồi hứa sẽ chuyển ý kiến bà con tới các cơ quan chức năng giải quyết. Ông khuyên bà con cần bình tĩnh, nếu kiện tụng thì cũng nên đúng trình tự, theo quy định của pháp luật, nên đưa ra những lý do để thuyết phục, giúp Nhà nước xem xét thấu đáo hơn.
Điều đáng nói là ông đã chăm chú nghe dân trình bày mà lòng như có lửa đốt. Vậy mà ông không hề hé một câu để mong mọi người hiểu, thông cảm với hoàn cảnh đau buồn của gia đình ông, từ đó họ sẽ "tha" cho ông lên xe đi sớm để lo hậu sự cho con.
Ông luôn xem việc vì sao người dân muốn gặp bằng được lãnh đạo để bày tỏ nguyện vọng như một công việc chính đáng, mà qua đó người lãnh đạo sẽ có thêm thực tiễn cuộc sống, đề ra những chính sách hợp lòng dân hơn...
Khi tôi hỏi lại chuyện này vì nghe đã lâu và muốn viết, chị vội gạt đi vì thấy ngai. Hỏi kỹ thì chị bảo rằng, nói lại chuyện đó bây giờ có khi người ta cũng có thể chê vì ông già đã dùng xe công đi việc riêng - việc mà Nhà nước đang chấn chỉnh. Tôi hiểu ra và đã động viên chị, "việc tư" đó hoàn toàn chính đáng. Cái cốt yếu là muốn chuyển tải được đến người đọc, ông là một lãnh đạo luôn muốn nghe dân và gần dân...
Trong lịch sử Đảng ta, những nhân vật đáng học tập như vậy thật sự là rất, rất nhiều và cũng rất đáng tự hào. Có thể nói, đó là một lớp lãnh đạo tiêu biểu của đất nước ở nhiều thập kỷ trước đây. Họ là một lớp cán bộ Cách Mạng được viết hoa, đích thực. Họ có lý tưởng cao cả và khát vọng dấn thân vì Tổ quốc. Họ luôn sống toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước và nguyện làm những học trò nhỏ của Bác Hồ kính yêu.
Học Bác thì đương nhiên là đúng, không bao giờ là đủ và mãi luôn cần thiết. Song, nên chăng chúng ta hãy tìm hiểu, giới thiệu và học những tấm gương khác nữa. Họ có thể là học trò của Bác và có thể là những người ngay trong cuộc sống quanh mình. Học tập họ, hoặc chỉ ở mặt này hoặc ở mặt kia mang tính tích cực trong một con người, như thế việc học cũng sẽ rất hay và sinh động hơn. Chúng ta đâu nhất thiết phải đi tìm cho kỳ được những mẫu hình hoàn hảo trong đời sống hôm nay. Như thế sẽ rất khó có được để học tập và làm theo.