Dân Việt

Ông Chi hội trưởng...mê hoa lan

Văn Long 19/05/2019 20:00 GMT+7
Không những là người có thâm niên, làm việc hiệu quả trong Chi hội Hội Nông dân (ND) thôn Xuân Sơn (xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) mà ông Lê Thanh Hùng (63 tuổi) còn là một người làm kinh tế giỏi, được mọi người đánh giá là “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

20 năm làm Chi hội trưởng

Được ông Lê Thìn - Chủ tịch Hội ND xã Xuân Trường giới thiệu, PV Báo Nông Thôn Ngày Nay đã tìm đến căn nhà gỗ đơn sơ, mát lạnh, nằm gần cánh rừng thông của ông Lê Thanh Hùng. “Ông Hùng là người có thâm niên làm Chi hội trưởng Hội ND thôn Xuân Sơn đã gần 20 năm. Trong công việc đồng chí rất nhiệt tình, tham gia đầy đủ các phong trào cũng như các đợt tập huấn của Hội ND cơ sở và các cấp hội” - ông Thìn chia sẻ.

img

Không chỉ làm Chi hội trưởng gương mẫu, ông Hùng còn là người làm kinh tế giỏi tại địa phương. Ảnh: V.L

Được biết, ông Hùng đã làm Chi hội trưởng Hội ND thôn Xuân Sơn từ năm 1999. Đến nay đã 20 năm, nhưng Chi bộ thôn vẫn muốn ông Hùng tiếp tục đóng góp, công tác tại địa phương. “Khi tôi bắt đầu làm việc tại địa phương thì mới chỉ có 35 hội viên trong chi hội. Đến nay, toàn thôn có 170 hộ nông dân thì đã có 124 hội viên, chiếm  hơn 70%. Sắp tới, chúng tôi sẽ cố gắng để nâng cao con số này cao hơn nữa” - ông Hùng nói.

Vừa dẫn phóng viên tham quan trong vườn địa lan, ông Hùng chia sẻ: “Mình vừa làm kinh tế, lại vừa làm việc xã hội để giúp cho công tác Hội đi lên. Bên cạnh đó, công việc này cũng giúp ích rất nhiều cho mình khi làm kinh tế, mình có cơ hội tham gia các lớp học, tập huấn nên việc nắm được kĩ thuật canh tác các loại cây trồng sẽ áp dụng được ngay trong vườn nhà mình”.

Ngoài ra, ông Hùng còn cho hay, khi mới bắt đầu vào làm việc thì gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là việc nhiều hộ dân vẫn chưa nhận thấy được quyền lợi và những lợi ích của mình khi gia nhập hội. Ngược lại, cũng có nhiều người dân đã tự nguyện đăng kí gia nhập Hội ND để học hỏi kinh nghiệm lao động, sản xuất.

Được biết, năm 2010, ông Lê Thanh Hùng đã vinh dự được nhận Kỷ niệm chương 10 năm của T.Ư Hội ND Việt Nam. Ngoài ra, Hội ND xã Xuân Trường cũng đang đề xuất Hội ND tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen cho ông Hùng là “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh” để biểu dương.

Ông Thìn cũng cho hay, hiện nay mô hình trồng hoa địa lan của ông Hùng có không ít hộ dân khác trong khu vực và các tỉnh bạn đến học hỏi kinh nghiệm, cách chăm sóc loại cây mang lại giá trị kinh tế cao này.

“Đảm việc nhà”

Chẳng những là một người cán bộ Chi hội trưởng gương mẫu, nhiệt tình trong công việc, mà ông Hùng còn làm kinh tế rất giỏi. Việc trồng và bán hoa địa lan cắt cành đã mang lại cho gia đình ông thu nhập trên 500 triệu đồng chỉ với 4.200m2 đất.

Đến vùng đất Xuân Sơn vào những ngày nắng nóng tháng 4, bước vào khu nhà lưới trồng hoa của ông Hùng, phóng viên cảm nhận được sự mát lạnh lạ thường. Nói về cái duyên với loại địa lan này, ông Hùng cho biết cách đây 12 năm, ông có người bạn ở Sài Gòn lên Đà Lạt thuê đất trồng hoa lan và có thu nhập cao, ổn định. Rồi một ngày ông Hùng nghĩ: “Mình có quỹ đất, có thể học kỹ thuật trồng lan, quê mình lại có khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với địa lan, tại sao mình không trồng lan?”.

Nghĩ là làm, ông Hùng quyết định tìm hiểu, mày mò những gì liên quan đến địa lan. Gần một năm sau, khi đã nắm được kỹ thuật cũng như cách làm, ông Hùng bắt tay vào đầu tư với nôn nóng “chơi một vố lớn”. Vay ngân hàng được 50 triệu đồng, cộng thêm số tiền tiết kiệm của gia đình, ông Lê Thanh Hùng bắt đầu mua giống và trồng hoa lan trên diện tích 4.200m2 đất của gia đình mình. Tuy nhiên, vì không hợp khí hậu nên giống địa lan Úc đã không có hoa, làm gia đình ông mất trắng 10.000 chậu, thiệt hại trên dưới 1 tỷ đồng.

Sau lần thất bại vì chọn sai giống hoa nên ông Hùng đã quyết định chuyển đổi toàn bộ giống hoa trong vườn. Mắt nhìn cả khu vườn địa lan xanh tốt của mình ông Hùng nói: “Sau khi dọn vườn, tôi quyết định chọn giống hoa địa lan từ Nhật Bản. Chủ yếu tôi trồng các giống Hoàng Hậu, Vàng Mít, Xanh Ngọc, Xanh Cốm. Đây là những loại có thể ưa tất cả các môi trường ánh sáng. Ánh sáng nhiều thì nhiều hoa và ngược lại, đặc biệt là ra hoa tốt trong nhà kính”.

Cũng theo ông Hùng, sau hàng chục năm đúc kết kinh nghiệm ông đã đưa ra được một quy trình canh tác riêng của mình. Theo đó, việc tưới nước cho hoa sẽ tùy vào điều kiện thời tiết, nếu nắng thì 3 ngày tưới một lần, trời âm u thì 7 ngày tưới một lần. Ngoài ra, phân bón ông Hùng tin tưởng sử dụng là phân tổng hợp NPK, một tháng bón một lần. Loại địa lan này trồng bằng giá thể cây Cù Lần (nhiều nơi gọi là cây dớn), là nguyên liệu dễ kiếm, giá rẻ nên chi phí thấp.

Hiện nay, vườn của ông có trên 7.000 chậu hoa địa lan trưởng thành, 8.000 chậu hoa địa lan nhỏ bán giống, ước tính giá trị khoảng 4 tỷ đồng. Được biết, địa lan cho hoa từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau. Những ngày thường ông Hùng cắt bán 100.000 đồng/cành, nếu bán tết có giá 500.000 đồng/đơn vị (mỗi đơn vị là 1 cành hoa có cả gốc và củ).