Dân Việt

An Giang: Làng "chạy lở" bên bờ Vàm Nao

Ngọc Hoa-Cát Tường 20/05/2019 08:30 GMT+7
Giờ đây, những người dân sống bên bờ con sông Vàm Nao chia hai bờ của huyện Chợ Mới và huyện Phú Tân (An Giang) rồi hòa vào sông Tiền và sông Hậu đang ám ảnh nỗi lo bị sông “cướp” mất nhà…

Vàm Nao – con sông được mệnh danh là “hồi oa thủy” (sông chảy cuộn). Trong thơ của Bùi Hữu Nghĩa cũng có câu “Vàm Nao nước chảy đứt đuôi xà”, với những dòng nước chảy mạnh mẽ. Giờ đây, những người dân sống bên bờ con sông có chiều dài 6,5km, rộng gần 700m chia hai bờ của huyện Chợ Mới và huyện Phú Tân (An Giang) rồi hòa vào sông Tiền và sông Hậu đang ám ảnh nỗi lo bị sông “cướp” mất nhà…

Sông "ngoạm" đất, "nuốt" nhà

Bên bờ Phú Tân, chúng tôi gặp lão ngư Trần Văn Hòa (62 tuổi). Ông Hòa là dân Vàm Nao của Chợ Mới “chạy lở” sang đây được hơn 2 năm. Nhà ông nằm trong miệng “hố tử thần” và cùng chịu chung số phận như bao ngôi nhà khác. 

img

Hố tử thần ngoạm sâu vào đất liền nuốt chửng nhiều nhà dân (ảnh chụp năm 2017).

Ngày “chạy lở”, ông kịp thu vén toàn bộ đồ đạc trong nhà chất lên con ghe cào chở sang bên kia bờ gửi nhà cô em gái. Xong việc nhà mình, ông quay trở lại giúp bà con “chạy của” nhưng chưa kịp làm gì thì “thủy thần” ập tới, quá nhanh, quá nguy hiểm. 

Sau khi định hình lại cuộc sống, ông Hòa chuyển hẳn gia đình sang Phú Tân sinh sống. Ông được cô em gái bán rẻ cho miếng đất, vay mượn thêm anh em chút tiền, ông cất căn nhà nhỏ ven dòng Vàm Nao. Nhiều người lo xa, khuyên ông nên rời xa con sông này đi, sao cứ bám lấy nó hoài, rồi một ngày nó lại “ngoạm” mất. 

Ông Hòa cười, bình thản nói: “Tôi sống ở đây cả cuộc đời rồi, đã hiểu quá rõ về con sông này. Có bên lở thì sẽ có bên bồi, nó là quy luật của tự nhiên”. Vậy nên ông Hòa yên tâm tiếp tục làm nghề săn cá trên sông Vàm Nao. 

Ngày nào ông Hòa cũng đánh một lượt ghe qua xóm lở cũ thăm hỏi mọi người, xem tình hình cuộc sống của bà con ra sao. Mỗi lần nhìn ngắm khúc sông lở, nơi có căn nhà thân thương của mình, ông Hòa không khỏi xót xa, nuối tiếc. 

Vào tháng 4-2017, mặc dù chưa vào mùa mưa nhưng chỉ sau một đêm ngủ dậy, xóm dân cư ven sông Vàm Nao (ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) bàng hoàng phát hiện sự nghiêng ngả của một số ngôi nhà. Chỉ vài tiếng sau, “hố tử thần" xuất hiện cách bờ 180m, chiều dài 380m, ngang 120m, độ sâu 42m. Trong phút chốc, nó đã “nuốt chửng” 16 căn nhà. 

Các chuyên gia quan trắc nhận định, vị trí “hố tử thần” là điểm hợp lưu giữa sông Vàm Nao và sông Hậu nên tạo các dòng chảy rất mạnh, vũng xoáy sâu có thể cuốn trôi và nhấn chìm mọi thứ. 

Bên cạnh những ngôi nhà đã sụt lún, các hộ dân cũng không dám tiếp tục ở. Không ai biết trước được khi nào thì “thủy thần” tìm tới nhà của họ nên cách tốt nhất là bỏ nhà ra đi. Những thứ có giá trị đều đã mang đi gửi hết, chỉ để lại cái xác nhà chờ ngày trôi vào bụng của sông.   

img

Xuất hiện nhiều vết nứt xung quanh.

Đêm nằm nghe… sông lở

Nhớ về cái ngày định mệnh ấy, bà Phạm Thị Hồng (65 tuổi) thất thần cho biết: “Chúng tôi sợ lắm, hố nứt như chiếc túi khổng lồ cứ cuồn cuộn xén vào bờ. Khi một số căn nhà bị chìm thì lại xuất hiện vết nứt khác, dài khoảng 200 mét, không biết sẽ sập xuống lúc nào. Nhà tôi chưa bị “hố “nuốt” nhưng cũng phải bỏ chạy, không dám ở nữa”.

Cách nhà bà Hồng một đoạn là nhà bà Nguyễn Thị Út, đã bị “hố tử thần” “ngoạm” mất. Ngồi kể lại chuyện, bà Út vẫn không tin đó là sự thật. Bà cho biết, căn nhà có từ gần trăm năm trước, bao thế hệ con cháu đã lớn lên tại đây, bây giờ bị “hà bá” cuốn đi, gia đình bà Út đau xót không thể khóc nổi. 

Chính quyền bố trí nơi tái định cư nhưng ngôi nhà mới, mảnh đất mới sẽ chẳng bao giờ khỏa lấp nổi sự trống vắng cùng ăm ắp kỷ niệm thân thương, quen thuộc trong sâu thẳm ký ức mỗi thành viên gia đình bà Út. Đến nơi ở mới, dù được con cháu động viên an ủi nhưng chưa bao giờ bà Út thôi thao thức, trăn trở về ngôi nhà ngày xưa. Đêm nào bà cũng nghe thấy tiếng nước chảy, đất lở vọng về từ con sông cách đó chừng 2km.  

Nhắc lại ngày sông “ăn” mất cả ngôi nhà, ông Trần Văn Bi (54 tuổi), kể rằng vợ chồng ông tích góp qua hơn 30 năm mới xây được căn nhà khang trang, bề thế nhưng mới chỉ ở được 4 cái tết thì Vàm Nao đã lạnh lùng lấy đi hết. 

Sau tiếng động thật lớn, chỉ trong tích tắc, đất đá vỡ vụn, sụt xuống rất nhanh. Gia đình ông Bi hoảng hồn chỉ kịp bỏ chạy thoát thân, toàn bộ cơ ngơi, sản nghiệp trị giá hơn 5 tỷ đồng đã hòa vào dòng sông. Với ông Bi, thì dù có hai năm hay nhiều hơn thế thì ngày hôm đó vẫn như ngày hôm qua, lúc nào cũng ám ảnh trong ông.

img

Bà Út thất thần khi biết ngôi nhà hàng trăm năm của gia đình đã bị sông “ăn” mất.

Ngoài ông Bi, nhiều “tỷ phú” miệt sông đã trở về tay trắng, không nhà cửa, không tấc đất cắm dùi. Họ đã lam lũ gần hết cuộc đời, nay chẳng còn đủ sức để làm lại từ đầu nữa. Còn những gia đình trẻ như vợ chồng anh Hai Nhơn thì mang con đi gửi bên nhà ngoại tận Vĩnh Long, hai vợ chồng lên TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. 

Ở Vàm Nao, vợ chồng anh Nhơn buôn bán nhỏ tại khu chợ gần nhà. Khi sông lở, nhà cửa bị mất, toàn bộ khu vực phải sơ tán khiến anh rơi vào cảnh thất nghiệp, không chốn dung thân. Cả xóm “chạy lở” tan tác, bi thương vô cùng. 

Cách đây ít ngày, anh Nhơn gọi điện cho chúng tôi cay đắng thông báo rằng, nhà mẹ vợ ở xã An Bình (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) cũng bị sạt lở, có nguy cơ mất nhà. Hiện tại vườn trái cây là nguồn thu nhập chính đã bị nước tràn vào ngập tới nửa mét, nếu không khắc phục kịp thời sẽ bị ngập úng dẫn đến chết cây, mất đi thu nhập, đời sống càng khó khăn hơn. 

Vợ chồng anh Nhơn dự định làm công nhân ít năm nữa sẽ chuyển về quê vợ lập nghiệp, nhưng nơi này cũng không an toàn vì có dấu chân của “hà bá” lướt qua rồi.    

img

Biển cảnh báo được cắm tại khu vực ven bờ Vàm Nao đoạn ấp Mỹ Hội.

Lời giải nào cho những dòng sông?

Mùa mưa năm nay, tình trạng sạt lở vẫn diễn ra phức tạp, khó lường tại các tỉnh miền Tây. Chính quyền đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn tối đa “hố tử thần” có thể còn xuất hiện nuốt chửng nhà dân. 

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mỗi năm ĐBSCL có 500ha đất bị mất, 265 điểm với 450km chiều dài bờ sông và 200km chiều dài bờ biển bị sạt lở. Chỉ trong khoảng 20 năm, nạn xói lở, sụp đất bờ sông đã gần như xóa sổ những khu dân cư sầm uất bên bờ sông Tiền, thuộc hai khóm Long Thị A và Long Thị C, thị trấn Tân Châu, huyện Tân Châu (nay là thị xã Tân Châu, An Giang).

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhận định, hiện nay khu vực này đang đối diện với 3 thách thức chính về biến đổi khí hậu. Những vấn đề phát triển thiếu bền vững ở ĐBSCL và tác động của thủy điện Mekong là điều đáng lo ngại. 

Mỗi năm, sạt lở và sụt lún đất của đồng bằng đang bị chìm rất nhanh, đến 10 lần so với nước biển dâng. Nguyên nhân số 1 của sụt lún ở ĐBSCL là do khai thác nước ngầm quá mức. Như vậy, để giải quyết vấn đề sụt lún sẽ không có biện pháp công trình nào có thể giải quyết được gốc rễ bằng cách phải giảm sử dụng nước ngầm. Muốn giảm sử dụng nước ngầm thì phải giảm ô nhiễm, phục hồi sông rạch.

Còn vấn đề sạt lở đã diễn ra trong giai đoạn 25 năm gần đây, càng về sau càng dữ dội hơn. Hiện nay, hơn một nửa chiều dài bờ biển ĐBSCL đang bị sạt lở. Tổng sạt lở bờ sông, bờ biển lên đến 891km. Nguyên nhân chính của sự sạt lở là do thiếu phù sa mịn và thiếu cát. 

Ô nhiễm nước do sông ngòi phải gánh nhiều nguồn chất thải không qua xử lý từ nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, thủy sản, công nghiệp và một lượng lớn phân bón thuốc trừ sâu từ nông nghiệp thâm canh ba vụ lúa liên tục trong nhiều năm. Kế tiếp, tác động của thủy điện Mekong. Hiện nay, lượng phù sa mịn đã giảm 50%. 

Dự báo sau khi 11 đập thủy điện ở hạ lưu vực hoàn thành, phù sa mịn sẽ giảm 50% một lần nữa và 100% cát, sỏi sẽ bị chặn lại. Trong ba thách thức nói trên thì tác động của thủy điện là lâu dài, nghiêm trọng và khó khắc phục nhất.