Dân Việt

Trường Sơn - con đường của thống nhất

Gia Tưởng 20/05/2019 19:11 GMT+7
Đa số người Việt đang sống trên đất nước mình, họ không nhớ nhiều được những quốc lộ, tỉnh lộ. Nhưng tất thảy đều biết tới một con đường mang tên huyền thoại Trường Sơn.

Con đường chạy dọc theo dãy núi Trường Sơn, đi theo chiều dài đất nước từ Bắc vào Nam, gọi tên là con đường thống nhất. Tất cả được chúng ta xây dựng bằng những dụng cụ từ thô sơ đến cơ giới, từ đơn giản sức người đến mưu lược, chiến lược, nhằm vận chuyển bộ đội, vũ khí đạn dược, thuốc men vào chiến trường miền Nam. Trong 60 năm qua, người Việt Nam vẫn tự hào đường Trường Sơn là con đường vĩ đại và ý nghĩa, ý chí nhất trong công cuộc thống nhất đất nước.

img

Nói về con đường Trường Sơn, có lẽ rất nhiều người dù hiểu về ý nghĩa của nó, nhưng không biết bắt đầu từ đâu, bởi đường Trường Sơn quá dài, quá nhiều khúc gian khổ và cũng là nhân chứng sống động về sự ác liệt trong chiến tranh thống nhất đất nước. Vì ngày nào trên con đường ra trận đó cũng có những chàng trai, cô gái ngã xuống, có xe cháy, nhà cháy, núi đổ, rừng nghiêng. Bởi bom rơi đạn nổ do quân thù trút xuống, với dã tâm ngăn bước ta ra trận, ngăn bước ta thống nhất non sông.

Để nhớ về những khắc nghiệt của đường Trường Sơn theo dọc dài có Truông Bồn (Mỹ Sơn, Đô Lương, Nghệ An) ngày 31/10/1968, chỉ sau một trận ném bom do không quân Mỹ gây ra, 13 thanh niên xung phong Đại đội 317-N65 Tổng đội Thanh niên xung phong đã hi sinh. Người trẻ nhất 17 tuổi, người lớn tuổi nhất mới 22. Người duy nhất sống sót trong tiểu đội thép đấy là tiểu đội trưởng Trần Thị Thông. Đêm định mệnh trên đường Trường Sơn đi qua đất Nghệ đó đã để lại một huyền thoại Truông Bồn.

Từ Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An) đến Ngã Ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) chỉ vài chục cây số. Ngày 24/7/1968, 10 cô gái - như 10 bông hoa rừng rực rỡ của tiểu đội 4 đại đội 552 đoàn 559, với dưới sự chỉ huy của tiểu đội trưởng - chị cả Võ Thị Tần, đã bị bom Mỹ vùi lấp. Họ ngã xuống để đảm bảo cho huyết mạch vận tải Trường Sơn được lưu thông. Một sự hi sinh điển hình đến đương nhiên trong chiến tranh của những người con gái Hà Tĩnh, đã tạo nên một tượng đài chiến thắng Đồng Lộc hiên ngang trên đường thiên lý Trường Sơn.

img

Chân dung 10 nữ thanh niên xung phong hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc

Ngày 14/11/1972, tại núi rừng xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), 8 thanh niên xung phong của ban giao thông 67 thuộc Bộ Giao thông, tránh bom Mỹ trong hang 8 cô, đã bị một tảng đá rơi xuống bịt cửa hang. 4 người con trai cùng 4 người con gái đã kêu cứu 7 ngày 7 đêm rồi kiệt sức mà hi sinh trong sự bất lực của đồng đội, vì tảng đá quá to không gì có thể lay chuyển nổi. Sự ra đi của các anh, các chị đã tạo ra một câu chuyện bi thương đến nghẹn lòng.

Với chỉ 3 điển hình ngã xuống tập thể trên, ta có thể hình dung sự ác liệt của chiến tranh và sự hi sinh mà những người đi mở đường, xây dựng và bảo vệ đường Trường Sơn phải đương đầu và đối mặt. Tính đến ngày thống nhất đất nước, đường Trường Sơn đã tồn tại gần 6.000 ngày đêm. Các lực lượng công binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Trường Sơn gồm khoảng 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường, với tổng chiều dài gần 2 vạn km đường ô tô, 1.400km đường ống dẫn xǎng dầu, 3.140km "đường kín" cho xe chạy ban ngày và hàng ngàn cầu, cống, ngầm.

Trong các chiến dịch đánh phá từ năm 1965 đến 1972, Mỹ đã huy động khoảng 733.000 chuyến máy bay, đánh phá khoảng 152.000 trận; ném xuống các tuyến đường Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn 30.000 người bị thương, khoảng 14.500 xe - máy các loại, hơn 700 khẩu súng pháo bị hư hỏng; hơn 90.000 tấn hàng hóa bị đánh cháy...

img

Về phía Mỹ, hàng trăm máy bay các loại bị bắn rơi, hàng ngàn lính biệt kích, thám báo được tung vào đây bị thương vong hoặc bị bắt. Quân đội Mỹ đã tiêu tốn nhiều tỷ USD vào các kế hoạch nhằm cắt đứt tuyến đường, song đều bị thất bại.

Trong 16 năm, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn 1 triệu tấn hàng, vũ khí vào cho các chiến trường, bảo đảm chỉ huy hành quân cho hơn 2 triệu lượt người vào chiến trường hoặc từ chiến trường ra Bắc; vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường.

Chỉ nhìn những hi sinh và thành quả mà đường Trường Sơn đã tạo nên, chúng ta chỉ biết nghiêng mình kính nể những gì mà cha anh ta đã làm được trên con đường thống nhất đất nước.

Chiến tranh đã đi qua, cũng đã 60 năm kể từ ngày đơn vị đầu tiên của đoàn 559 đi mở đường Trường Sơn cứu nước. Đất nước đang phát triển sẽ có những con đường cao tốc chạy dọc tuyến bắc nam, những con đường thênh thang rộng mở, đưa kinh tế đất nước cất cánh, đưa nam bắc xích lại gần nhau hơn. Nhưng tôi tin, chẳng có con đường nào đáng nhớ và ý nghĩa hơn đường Trường Sơn huyền thoại. Bởi với Tổ quốc ta, non sông ta, con đường đó là một sự thống nhất kiên định, thể hiện khát vọng của người Việt Nam cùng chung tay, cùng đi tới để xây dựng Bắc – Nam một nhà, trong sự đoàn kết, thống nhất đùm bọc và yêu thương nhau. Ngày 19/5/1959 đã khởi đầu cho tất thảy các điều đó.