Dân Việt

Đột biến: Trung Quốc tăng mua hạt điều, mở nhà máy dọc biên giới VN

Thiên Ngân (T.H) 20/05/2019 20:54 GMT+7
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc trong tháng 4/2019 tăng 92,6% về lượng và tăng 54% về trị giá, đạt trên 4 nghìn tấn, trị giá 31,4 triệu USD. Trong năm 2018, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hạt điều, trong đó Trung Quốc cũng là một trong những thị trường trọng điểm.

Hoa Kỳ nhập khẩu điều Việt lớn nhất, nhưng Trung Quốc mới là thị trường tăng đột biến

Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục hải quan cho biết, xuất khẩu hạt điều trong tháng 4/2019 đạt gần 35,7 nghìn tấn, trị giá 271,18 triệu USD tăng 11,6% về lượng và tăng 8,4% về trị giá so với tháng 3/2019, so với tháng 4/2018 tăng 10,9% về lượng, nhưng giảm 12,6% về trị giá. 

img

Xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 4 tăng về lượng, nhưng giảm về trị giá. Ảnh minh hoạ: I.T

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều đạt 115,1 nghìn tấn, trị giá 910,49 triệu USD, tăng 8,4% về lượng, nhưng giảm 14,4% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2018.

Bộ Công Thương cho biết, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam trong tháng 4 với lượng đạt 11,6 nghìn tấn, trị giá 88,52 triệu USD, giảm 11,2% về lượng và giảm 30,6% về trị giá so với tháng 4/2018. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 37 nghìn tấn, trị giá 294,62 triệu USD, giảm 3,9% về lượng và giảm 24% về trị giá so với 4 tháng đầu năm 2019. 

Tuy nhiên, một điều đáng chú ý là so với cùng kì tháng 4/2018, xuất khẩu hạt điều sang Trung Quốc đã tăng tới 92,6% về lượng và tăng 54% về trị giá, đạt trên 4.000 tấn, trị giá 31,4 triệu USD.

Một số thị trường khác cũng tăng mạnh, như Đức tăng 114,5% về lượng và tăng 65,7% về trị giá; Thái Lan tăng 54,7% về lượng và tăng 17,4% về trị giá; Ý tăng 55,4% về lượng và tăng 21,6% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường tăng trưởng mạnh, như Đức, Thái Lan, Úc, Nga.

Về giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 7.601 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016, giảm 2,9% so với tháng 3/2019 và giảm 21,2% so với tháng 4/2018. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 7.910 USD/tấn, giảm 21% so với 4 tháng đầu năm 2018.

4 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân hạt điều sang Hồng Kông đạt mức 10.634 USD/tấn, giảm 8,4% so với 4 tháng đầu năm 2018; Cô oét giảm 19,6%, đạt 8.923 USD/tấn; Bỉ đạt mức 9.124 USD/tấn, giảm 14,3%; Pháp đạt 9.412 USD/tấn, giảm 15,3%.

Trung Quốc mở cơ sở chế biến hạt điều dọc biên giới

Tại cuộc họp tổng kết hoạt động kinh doanh xuất khẩu điều năm 2018, ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) từng cho biết, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu nhân điều.

img

Dự báo năm 2019 có thể tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành điều nên các nhà sản xuất, chế biến cần thận trọng. Ảnh minh hoạ: I.T

Sản lượng năm 2018 là 391.000 tấn nhân điều, giá trị xuất khẩu hơn 3,5 tỉ USD. Hạt điều Việt Nam xuất khẩu tới hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm tới 60% tổng giá trị nhân điều xuất khẩu thế giới. Xếp sau nước ta là Ấn Độ và Brazil.

Với sức hút của ngành điều, trong năm qua đã có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia thị trường, đầu tư nhà máy chế biến hạt điều tại Việt Nam. Đáng chú ý, một số cơ sở chế biến hạt điều được doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư trong các khu chế xuất dọc biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Một số doanh nghiệp cho biết xu hướng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tiếp tục diễn ra trong năm 2018, đặc biệt một số doanh nghiệp Trung Quốc sang đặt vấn đề hợp tác, mua lại cổ phần các doanh nghiệp hạt điều Việt Nam. Tuy nhiên, vì có nhiều đòi hỏi về quyền lợi, tham gia điều hành nên các đối tác này bị các doanh nghiệp Việt Nam từ chối.

Theo ông Công, dự báo năm 2019 có thể tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành điều nên các nhà sản xuất, chế biến cần thận trọng. Hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp không vội kí hợp đồng khi vụ mùa chưa bắt đầu đầu.

Ông Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch Vinacas cho biết, nhân điều của Việt Nam bán sang thị trường Trung Quốc trong 10 năm qua luôn chiếm 13 – 15% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu hàng năm của Việt Nam. Các cửa khẩu chính mặt hàng điều xuất qua Trung Quốc gồm Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh… Riêng các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn mặt hàng điều chưa xuất qua nhiều.