Anh Hồ Văn Bộ là người Xê Đăng ở thôn 3, xã Trà Linh (Nam Trà My). Năm 2001, anh lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự của người thanh niên, được biên chế về Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam). Sau thời gian huấn luyện và học tập, anh Bộ được đơn vị điều về làm nhiệm vụ sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương tại xã đảo Cù Lao Chàm (TP.Hội An).
Năm 2005 xuất ngũ, anh Bộ về thị trấn Trà My (Bắc Trà My) ở một thời gian, sau đó lập gia đình với người con gái cùng quê Trà Linh. Trong thời gian này anh đã xin việc làm ở nhiều nơi nhưng thu nhập thấp không đủ nuôi sống bản thân và gia đình.
Anh Hồ Văn Bộ tại phiên chợ sâm núi Ngọc Linh lần thứ 7 - 2018. Ảnh: N.Đ.N
Năm 2007, Bộ về quê làm thuê cho các chủ trại sâm, những lúc rảnh rỗi anh vào rừng tìm sâm Ngọc Linh giống mọc tự nhiên mang về trồng. Từ chỗ chỉ có vài chục cây, đến nay vườn sâm của anh đã có hàng ngàn cây, trị giá hàng chục tỷ đồng.
Anh Bộ cho biết, do điểm xuất phát thấp, không có vốn đầu tư nên những năm đầu chỉ trồng được vài chục cây. Những năm tiếp theo, nhờ có nguồn kinh phí dành dụm được anh mua sâm giống, mỗi năm trồng thêm khoảng 500 - 600 cây. Qua nhiều năm tích lũy, đến nay anh đã có hàng ngàn cây sâm Ngọc Linh. Trong số đó có những cây sâm Ngọc Linh trồng từ những năm 2007 - 2012 đã khai thác bán được hàng trăm triệu đồng/năm.
Ngoài ra, từ năm 2009 đến nay anh Bộ còn thu mua sâm Ngọc Linh của các hộ để bán kiếm lời, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/tháng. Riêng 4 năm gần đây, mỗi năm anh bán ra thị trường được hơn 100kg sâm Ngọc Linh tươi tại chợ phiên sâm Ngọc Linh. Có tiền, anh Bộ xây dựng 4 ngôi nhà, trong đó có một ngôi nhà tại khối phố Đồng Trường, thị trấn Trà My (Bắc Trà My).
Tình cờ chúng tôi gặp anh Hồ Văn Bộ tại phiên chợ sâm núi Ngọc Linh lần thứ 7 do huyện Nam Trà My tổ chức. Với tính vui vẻ, hòa nhã, cầm trên tay 3 củ sâm loại 1 (loại 10 củ/kg), anh kể câu chuyện mới nghe tưởng như đùa nhưng rất thâm thúy, ý nghĩa. “Để có được 3 củ sâm này, năm 2009, tôi mua 3 cây sâm giống với giá 1,5 triệu đồng để trồng làm quà cho đứa con trai đầu lòng, lúc đó cháu mới 4 tuổi. Nay cháu đã 12 tuổi, tôi nhổ đem bán thu được hơn 90 triệu đồng. Như vậy bình quân mỗi năm tôi để dành cho cháu được hơn 10 triệu đồng từ 3 cây sâm này. Thu nhập cao nhưng vốn đầu tư không nhiều, chỉ tốn công chăm sóc và bảo vệ...”.
Từ khi cây sâm Ngọc Linh được phát hiện và nhân rộng trên địa bàn xã Trà Linh nói riêng, huyện Nam Trà My nói chung, đã giúp cho hàng trăm hộ dân đổi đời, góp phần cùng địa phương đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều người dân Trà Linh chân đất nay đã trở thành tỷ phú, không chỉ xây dựng được nhà ở kiên cố mà còn mua được ô tô cùng những phương tiện đi lại và phương tiện sinh hoạt có giá trị lớn. Anh Hồ Văn Bộ là một trong những tấm gương điển hình. |