Chính vì vậy, trong chiều 21/5, đoàn kiểm tra của Tổng cục Thủy sản đã có buổi làm việc tại tỉnh Lào Cai về tình hình thẩm lậu, tiêu thụ tôm càng đỏ trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai tại cuộc làm việc cho thấy, tình trạng buôn lậu tôm hùm đỏ đang có xu hướng gia tăng ở những tháng đầu năm 2019. Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh liên tục bắt giữ các lô hàng thực phẩm tôm hùm đất được vận chuyển từ Trung Quốc. Chỉ tính riêng từ ngày 12/5 đến 18/5, các lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai đã bắt giữ 7 vụ, thu giữ 954kg tôm hùm đỏ tại cửa khẩu của tỉnh. Ngay sau đó, số tôm này bị đưa đi tiêu hủy.
Một lô tôm càng đỏ còn sống được lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai thu giữ. Ảnh: Báo Lào Cai.
Điều vô cùng nguy hiểm là, các sinh vật được bắt giữ trong trạng thái còn sống, được ướp lạnh, là động vật thủy sản, thuộc lớp giáp xác. Ngay sau đó, cơ quan chuyên môn đã vào cuộc xác minh và khẳng định đây là tôm càng đỏ, nằm trong danh mục loài ngoại lai xâm hại, gây nguy hại với sinh vật bản địa, có khả năng phát tán mạnh, có xu hướng gây mất cân bằng sinh thái nơi chúng xuất hiện và phá hoại mùa màng, cây cối, hoa màu.
Đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đề nghị, bên cạnh những giải pháp mạnh nhằm ngăn chặn việc thẩm lậu, tiêu thụ, kinh doanh, phát tán loài sinh vật ngoại lai nguy hại này vào trong nước, cần tuyên truyền giúp người dân, người tiêu dùng có thể nhận biết và nắm bắt được mức độ nguy hại của tôm càng đỏ; phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển tôm càng đỏ.
Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn phát triển nguồn lợi thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản), tỉnh Lào Cai cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; các lực lượng liên quan phối hợp kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền mức độ nguy hại của tôm càng đỏ.
Đoàn kiểm tra của Tổng cục Thủy sản làm việc với tỉnh Lào Cai về tình hình buôn lậu tôm hùm đỏ. Ảnh: Báo Lào Cai.
Trước đó, Bộ NNPTNT cũng đã có Công văn hoả tốc số 3438 do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường ký ngày 17/5 yêu cầu các địa phương ngăn chặn ngay việc buôn bán, tiêu thụ loài sinh vật ngoại lai này.
Bộ NNPTNT khẳng định đây là loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm và có sức chống chịu, thích nghi cao. Loài tôm này vừa phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác.
Đây là loài tôm không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là loài ngoại lai xâm hại. Việc kinh doanh, tiêu thụ loài này là vi phạm quy định về đa dạng sinh học và thủy sản.
Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ NNPTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ban ngành có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải tiến hành khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt loài tôm càng đỏ - sinh vật ngoại lai xâm hại này. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm càng đỏ này đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp; ngăn chặn sự phát tán của loài này ra môi trường tự nhiên.
Theo các tài liệu nghiên cứu khoa học, tôm hùm đỏ lớn rất nhanh ngay cả trong điều kiện ít nước. Mùa khô chúng có thể chịu đựng khô hạn đến 4 tháng và vòng đời có thể kéo dài đến 6 năm. Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người. |