Dân Việt

Bất chấp UBND TPHCM "tuýt còi": Ông Tề Trí Dũng vẫn đi nước ngoài như "đi chợ"

Công Quang 22/05/2019 11:20 GMT+7
Từ tổng giám đốc đến dàn "chóp bu" tổ chức nhiều chuyến đi "học tập" ở nước ngoài, thậm chí có cán bộ trong 2 năm đi hơn 100 ngày nhưng tình hình kinh doanh của công ty Tân Thuận vẫn không khả quan, thậm chí, tăng trưởng kiểu... thụt lùi.

img

Bà Hồ Thị Thanh Phúc và ông Tề Trí Dũng

Nhiều người thắc mắc, tiền đâu mà lãnh đạo công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) dùng để "đi nước ngoài như... đi chợ"?  Kết luận thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại IPC của Thanh tra TPHCM đã "hé lộ" nguồn tiền "khủng" từ những chuyến đi.

Tài liệu phóng viên Dân trí có được cho thấy, trong 2 năm 2016, 2017, IPC đã tổ chức các chuyến đi nước ngoài với tổng số tiền IPC chi trả hơn 1,3 tỷ đồng (chưa kể các chuyến đi bằng nguồn kinh phí tự túc, doanh nghiệp tài trợ...).

Đi sớm, về muộn

IPC tổ chức chuyến đi công tác tại Bỉ, Hà Lan và Hoa Kỳ với mục đích "xúc tiến đầu tư" vào  Khu đô thị Cảng Hiệp Phước. Thành phần đi gồm ông Tề Trí Dũng, Tổng Giám đốc IPC, ông Phạm Xuân Trung, Phó Tổng Giám đốc, ông Trần Đăng Linh, Trưởng phòng Quản lý đầu tư dự án, bà Hồ Thị Thanh Trúc, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh.

Ngoài những cán bộ nêu trên, đoàn "xúc tiến đầu tư" của IPC còn có ông Nguyễn Xuân Đức, khi đó là Phó Giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng, người đại diện vốn của công ty IPC và ông Nguyễn Trường Bảo Khánh, Phó Tổng giám đốc Công ty Hiệp Phước, người đại diện vốn của IPC.

Thời gian đi theo quyết định 1093/QĐ-IPC.16 của UBND TPHCM đối với chuyến đi này là 11 ngày, kinh phí chi từ nguồn ngân sách chuẩn bị đầu tư Khu đô thị công nghiệp cảng Hiệp Phước.

Mặc dù được cơ quan chủ quản ấn định thời gian như trên nhưng đoàn "xúc tiến đầu tư" của IPC đã đi vượt quá 5 - 7 ngày.

Chuyến đi xúc tiến đầu tư với tổng kinh phí theo hợp đồng dịch vụ của Công ty CP Dịch vụ Du lịch Bến Thành là 1,145 tỷ đồng.

Sau chuyến đi Bỉ, Hà Lan, Hoa Kỳ, năm 2018, ông Tề Trí Dũng và Trần Đăng Linh tiếp tục đi Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Pháp. Đáng chú ý, ngoài 2 "chóp bu" IPC thì trong đoàn xuất hiện thêm 9 "chân rết" cũng noi gương theo các sếp xin đi theo đoàn để "học tập kinh nghiệm".

Thời gian đi cho phép là 10 ngày nhưng các cá nhân này "chơi chiêu" đi trước 5 ngày và về trễ 3 ngày so với quyết định của UBND TPHCM. Kinh phí chuyến đi này hơn 2,7 tỷ đồng do Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước chi trả.

Đáng buồn thay, cả 2 chuyến đi Châu Âu và Hoa Kỳ của đoàn với chi phí cao, thời gian kéo dài, lực lượng hùng hậu nhưng nội dung báo cáo lại không thể hiện rõ kết quả, kinh nghiệm đúc kết được qua chuyến công tác.

Bất chấp việc UBND TPHCM "tuýt còi"

Dàn lãnh đạo IPC còn tham gia những chuyến công tác với thời gian kéo dài tại Nhật Bản, Hồng Kông... Một mô-tuýp dễ nhận thấy trong các chuyến đi này là "đi sớm, về muộn", kinh phí nếu không trích từ IPC thì cũng do doanh nghiệp tự túc, đài thọ.

img

Lãnh đạo IPC đi nước ngoài như đi chợ

Có những cán bộ "sốt sắng" và "ôm đồm" việc đi công tác nước ngoài, bất chấp việc UBND TPHCM từng "tuýt còi".

Điển hình như ông Phạm Xuân Trung, đang đi công tác ở Nhật Bản từ ngày 6-15/4/2017 nhưng vẫn tiếp tục xin UBND TPHCM cho đi Đài Loan từ ngày 3-6/4/2017. Do đó, khi đi Đài Loan xong, ông Trung mới "tách đoàn" qua Nhật.

"Tại thời điểm đoàn công tác Nhật Bản, ông Trung có lịch công tác ở Đài Loan nên không tham gia đủ ngày theo lịch trình. IPC không phân công người khác có điều kiện công tác phù hợp để tham gia đoàn công tác Nhật Bản, làm ảnh hưởng đến kết quả của chuyến đi và không chấp hành đúng thời gian đi công tác theo quy định", kết luận thanh tra nêu rõ.

Việc đi công tác nước ngoài của dàn lãnh đạo IPC còn "bất ổn" ở việc nâng chi phí chuyến đi. Điển hình, chuyến đi Hồng Kông, IPC đề xuất chi phí 16,45 triệu đồng/người nhưng không hiểu sao sau đó làm tờ trình đội chi phí lên 25,04 triệu/người (tăng thêm 8,595 triệu/người). Xin đi 3 người nhưng thực tế là 4 người với chi phí trọn gói hơn 100 triệu đồng.

Từ vụ việc này, UBND TPHCM đã ra văn bản "tuýt còi" khi đề nghị đích danh Tổng Giám đốc Tề Trí Dũng tăng cường quản lý chặt chẽ các trường hợp cán bộ, lãnh đạo quản lý đi nước ngoài, không để tái diễn trường hợp tương tự như trên.

Bất chấp chỉ đạo của cấp trên, IPC không thực hiện chấn chỉnh mà vẫn để tái diễn một số cán bộ là lãnh đạo, quản lý đi nước ngoài như đi chợ khi chưa có quyết định của UBND TPHCM.

Nhìn vào bảng thống kê các "chóp bu" IPC đi công tác, đi việc riêng, du lịch ở nước ngoài mà không khỏi... giật mình.

Tổng Giám đốc Tề Trí Dũng giữ "kỷ lục" đi nước ngoài nhiều với 106 ngày/2 năm. Đáng lưu ý, qua thống kê cho thấy, nếu đi nước ngoài bằng nguồn tài trợ, số ngày đi nước ngoài của ông Dũng vượt quy định thấp, chỉ 2-3 ngày/chuyến đi.

Noi gương "sếp Tổng", cấp dưới của ông Dũng dù đi công tác hay đi việc riêng, nghỉ mát ở nước ngoài cũng luôn vượt quy định cho phép. Trong đó, ông Phạm Xuân Trung, Phó Tổng giám đốc 2 năm đi 89 ngày; ông Vũ Xuân Đức, Phó Tổng giám đốc đi 84 ngày; ông Trần Đăng Linh, Phó Tổng Giám đốc đi 83 ngày; ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Tổng Giám đốc đi 49 ngày…

Ngoài ra, còn có tới 12 cán bộ cấp quản lý của IPC từ cấp Phó tổng giám đốc đến kiểm soát viên đi nước ngoài nhiều ngày mà không hề có quyết định cử đi của UBND TPHCM theo quy định.

Đi xúc tiến đầu tư, tham quan học tập kinh nghiệm thì nhiều lần, lực lượng hùng hậu, thời gian kéo dài nhưng kết quả hoạt động kinh doanh của IPC thì bê bết.

Theo thanh tra TPHCM, đến nay vẫn chưa thể hiện kết quả đạt được cho hoạt động của Công ty từ các chuyến đi công tác nước ngoài, gây lãng phí tiền của Nhà nước tại IPC và các đơn vị thành viên có vốn góp Nhà nước.

“Thực hiện không đạt kế hoạch và thực hiện năm sau thấp hơn năm trước thể hiện công tác quản lý điều hành IPC không hiệu quả… Vi phạm trong việc đi công tác nước ngoài là nghiêm trọng cần được cấp ủy có thẩm quyền kiểm tra làm rõ dấu hiệu vi phạm với cấp ủy viên, đảng viên, đồng thời có trách nhiệm hoàn trả kinh phí khi đi vượt thời gian cho phép…”, Thanh tra kết luận nêu.