Dân Việt

Lấy xăng dập lửa...

Văn Công Hùng 22/05/2019 15:49 GMT+7
Liên tục mấy ngày vừa qua, có những kiểu... định hướng báo chí rất lạ đời.

Đầu tiên là Bộ Công Thương, sau khi khẳng định việc tăng giá điện là không có gì bất thường, đã bất ngờ kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin Truyền thông "có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội”. Rồi thành phố Hà Nội đã kiến nghị cấp có thẩm quyền "chỉ đạo thông tin chính xác theo cơ quan điều tra Bộ Công an, tránh suy diễn để dư luận hiểu sai về các dự án công nghệ thông tin của thành phố". Và mới nhất, tỉnh Quảng Nam ra thông cáo báo chí đề nghị báo chí không đưa thông tin sâu về vụ đất đai của vợ nguyên bí thư tỉnh ủy.

Nhiều người cho rằng, đây là cách "lấy xăng dập lửa", là cách xử lý khủng hoảng truyền thông lạ đời, ngược ngạo và lạc hậu.

img

Thông cáo báo chí của UBND tỉnh Quảng Nam xung quanh việc hai lô "đất vàng" bán cho vợ nguyên Bí thư Quảng Nam Vũ Ngọc Hoàng.

Ai cũng biết, báo chí hoạt động theo Luật Báo chí, và có kênh riêng để thực hiện nhiệm vụ của mình. Và những ý kiến, vấn đề, những tài liệu mà họ đưa ra đều là do họ điều tra theo nghiệp vụ mà có, và họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì công bố.

Cũng như thế, các thắc mắc của dân là chính đáng, khi những chính sách của các cơ quan ban, ngành có liên quan mật thiết đến đời sống của họ, động chạm trực tiếp đến quyền lợi của họ. Như việc tăng giá điện chẳng hạn, nó liên quan tới từng góc nhà, tới toàn xã hội và từng đứa trẻ mới sinh. Và rõ ràng, hôm qua chính các Đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ "Lộ trình, quy định tăng giá được Chính phủ cho phép nhưng khi thấy tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba thì người dân có quyền phản ánh" - ý kiến ông Nguyễn Quang Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Hôm nay thì Đại biểu Lê Thị Thu Hà - Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, giá điện không tăng 8,36% như ngành điện công bố, mà cao hơn nhiều. Và như thế, chả lẽ những gì người dân phản ánh đúng lại "được" Bộ Công Thương cho rằng họ... cố tình xuyên tạc, trong khi chính Bộ này, có mỗi việc "cỏn con" là xử lý vụ đưa xe công vụ vào tận chân cầu thang máy bay đón người không thuộc tiêu chuẩn mà mãi vẫn không xong.

img

Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà có ý kiến về kiểm toán việc tăng giá điện. Ảnh: Quochoi.vn

Thú thực, vụ đất cát nhà ông nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam khiến tôi bất ngờ. Là bởi, hồi làm Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Hoàng có nhiều phát ngôn rất mạnh về liêm chính, về trong sạch, về đạo đức, tư cách vân vân. Tôi nhiều lần được ngồi nghe ông nói, và hết sức cảm tình với ông. Thời ấy, ông làm đời sống tuyên giáo sôi động hẳn lên mỗi khi đăng đàn. Nó thông minh, sâu sắc, nó dũng cảm, trung thực, nó nói đúng những vấn đề mọi người quan tâm.

Và vì thế mà tôi đã hết sức ngạc nhiên khi nghe vụ lùm xùm đất đai ở Quảng Nam lại liên can trực tiếp đến gia đình ông.

Và cái cách ra thông cáo báo chí của tỉnh Quảng Nam khiến tôi... nghi ngờ. Một là nghi ngờ trình độ, năng lực của những người cho ra văn bản này.

Và thứ 2, hay đây là một cách để "chơi" ông cựu bí thư tỉnh ủy. Ông cứ nói ông trong sạch ông này nọ, thì đây nhé, kiểm toán nói nhé, số liệu cụ thể nhé, và báo chí mới đưa khơi khơi bên ngoài nhé, tôi dấn cú thông báo này thì chả khác gì lấy xăng dập lửa.

Và y như rằng, chưa cần điều tra sâu, nội chuyện báo chí (trừ báo trong tỉnh, chắc thế) đồng loạt "đưa tin trung thực" cái thông báo ấy là đủ để vụ việc “nổi lềnh phềnh” rồi. Bởi nó buồn cười, nó khiến người ta tò mò.

Lâu nay chúng ta hay có việc là lấy cấp trên để dọa báo chí, trong khi nhẽ ra phải minh bạch thông tin thì lại yêu cầu báo chí đưa tin "có định hướng", tức là đưa tin có lợi cho các đương sự liên can vụ việc.

Và cấp trên, Thủ tướng hoặc Bộ Thông tin Truyền thông, chắc không non nớt để suốt ngày đi xử lý những kiến nghị lạ đời như thế.

Như các Đại biểu Quốc hội đề nghị: Cần kiểm toán nhập cuộc vụ tăng giá điện bởi chính các Đại biểu Quốc hội cũng cần sự minh bạch, và những gì họ có mà họ đưa ra trong các phát biểu trên diễn đàn Quốc hội thì tức là họ cũng... không tin báo cáo của ngành điện và của Bộ Công Thương.

"Đứng đằng sau vụ việc của Nhật Cường có lợi ích nhóm hay không? Hay là doanh nghiệp này tham gia đầu tư vào lĩnh vực hành chính công rồi đụng đến ai đó nên người ta dằn mặt nhau? Bây giờ Đại biểu Quốc hội còn chưa biết được nữa thì dân làm sao biết?", Đại biểu Quốc hội của chính thành phố Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Và vụ đất của cựu bí thư Quảng Nam, hiện nay đang là đề tài đàm tiếu của cả báo chí và cư dân mạng. Mà không chỉ mạng, ở các quán cà phê, ở chợ... người ta cũng bàn tán.

Rõ ràng, thay vì tiếp nhận thông tin, rồi trong khả năng có thể và hết mức của mình, thông tin trở lại một cách trung thực, cố gắng gần sự thật nhất, nói thế bởi có những sự thật cũng... khó nói, thì nhiều nơi, nhiều cơ quan lại xử lý khủng hoảng truyền thông bằng cách "mách bố" hoặc dằn mặt.

Một trong những cái yếu của cán bộ ta chính là cách xử lý khủng hoảng truyền thông. Trong các trường học, từ phổ thông tới đại học xưa nay chả ai dạy môn này. Mới đây nghe nói có một trường đại học ở Đà Nẵng có dạy môn này cho sinh viên tất cả các khoa. Nếu đúng thì đây là điều mừng, là sự đi đúng hướng trong giáo dục toàn diện của trường đại học ấy. Từng cá nhân tới từng bộ máy rất cần am hiểu và biết cách xử lý khủng hoảng truyền thông, để vụ việc không tóe loe ra, để thông tin một cách hợp lý nhất, thuyết phục nhất... cho công chúng.

Và nếu công chúng phát ngôn sai trái, nếu báo chí thông tin bịa đặt, chúng ta đều đã có luật để xử lý. Xã hội chỉ nghiêm khi tất cả mọi người trong xã hội ấy đều thượng tôn pháp luật, đều không xử lý vụ việc bằng cách lách luật, "xúi" cấp trên xử lý người nói sự thật về mình. Như thế là kiểu khôn vặt, nó chỉ tồn tại ở thời xã hội còn mông muội...