Những ngày này, khi cái nắng gay gắt của mùa hè có thể nên trên 40 độ khiến nhiều vườn trồng cây rau màu của bà con nông dân héo úa, như chẳng còn sức sống. Nhưng trên mảnh đất gần 3.000m2 nhà kính của anh Mai Chấn Nhâm, những cây dưa lưới vẫn vươn mình xanh tươi mơn mởn và cho nhiều trái.
Anh Nhâm cho biết, nhờ áp dụng trồng dưa trong nhà kính công nghệ cao và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel nên dù thời tiết có khắc nghiệt đến mấy thì vườn dưa lưới của nhà anh vẫn xanh tốt và trái to căng mọng.
Anh Mai Chấn Nhâm ở thôn Bắc Trung, xã Nga Thành, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), bên cạnh vừa dưa trồng trong nhà kính của gia đình mình
Vừa dẫn phóng viên đi thăm quan mô hình, anh Nhâm vui vẻ nói, nếu như ngày xưa hay trồng dưa ở ngoài trời và theo phương pháp trồng bò trên mặt đất thì rất dễ bị rủi ro do thiên tai như nắng nóng hay mưa lớn kéo dài. Ngày nay, cùng với sự phát triển của kỹ thuật, phương pháp trồng dưa công nghệ cao đã tiên tiến hơn khá nhiều.
Phương pháp trồng trọt mà anh đang áp dụng không phải là phương pháp trồng bò trên mặt đất ngoài trời như trước đây mà là phương pháp trồng giàn trong nhà kính, để dưa phát triển leo lên phía trên. Phương pháp trồng này giúp giảm tỷ lệ dưa hỏng do thời tiết cũng như do động vật ăn, sản lượng cũng tăng cao hơn, chất lượng của dưa lưới cũng rất tốt.
Hệ thống nhà kính trồng dưa lưới của anh Nhâm có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng và do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất.
Nhờ áp dụng trồng dưa lưới trong nhà kính và áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ của Israel nên dù thời tiết có khắc nghiệt đến mấy thì vườn dưa của nhà anh Nhâm vẫn xanh tốt và trái to căng mọng.
Đối với hệ thống tưới, anh Nhâm dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Isreal. Nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây dưa. Phân bón cho cây dưa lưới được anh Nhâm nhập khẩu trực tiếp từ Isreal. Phân bón được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây dưa phát triển. Hệ thống tưới tự động tưới chính xác cho mỗi cây với đủ các thành phần dinh dưỡng nên dưa phát triển đồng đều. Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0.
Anh Nhâm cho biết, hiện anh đang trồng 2 loại dưa chính là dưa vàng và dưa lưới, những quả dưa anh trồng đều tương đối lớn, có trọng lượng trung bình lớn hơn 1,8 kg, hương vị rất ngọt và ăn cũng rất giòn. ”Với hơn 3.000m2 nhà kính, trung bình mỗi vụ tôi xuất bán được hơn 8 tấn dưa, giá bình quân mỗi ký dưa có giá gần 20 ngàn đồng. Tính ra mỗi vụ, tôi cũng thu về được hơn 100 triệu, sau khi trừ hết chi phí thì lãi được vài chục triệu đồng”, anh Nhâm vui vẻ nói.
Vườn dưa của anh Nhâm áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, mỗi gốc dưa sẽ có một đường dẫn nước riêng. Mỗi ngày anh đặt chế độ tự động tưới vườn dưa khoảng 10 lần, cách 30 phút tưới 1 lần trong thời gian 2 phút.
Cũng theo anh Nhâm, ở miền Bắc mỗi năm trồng được 3 vụ dưa, một lứa dưa khoảng 65-72 ngày, cứ mỗi 1.000m2 có thể trồng được 2.000 cây. Trung bình mỗi cây dưa để khoảng 2 quả và mỗi quả nặng khoảng 1,8 kg, trời càng nắng nóng bao nhiêu thì cây dưa lưới và dưa vàng càng phát triển tốt, chính vì vậy vào mùa nắng nóng trồng dưa sẽ cho hiệu quả cực cao.
“Một sào lúa (360m2) trong một vụ khoảng 115 ngày, nông dân thu lãi trung bình 400.000 đồng. Cũng trên mảnh đất ấy, khi tích tụ ruộng đất và đưa công nghệ cao vào sản xuất, lợi nhuận có thể gấp 100 lần. Tuy nhiên, đầu tư công nghệ cao rất tốn kém, vì thế, rất cần Nhà nước hỗ trợ về vay vốn ưu đãi lãi xuất...", anh Nhâm chia sẻ.
Nói về đầu ra cho sản phẩm dưa lưới, dưa vàng công nghệ cao, anh Nhâm cho hay, do được trồng đúng quy trình theo công nghệ sạch, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, mà chỉ dùng các chế phẩm sinh học nên vườn dưa cho năng suất cao, đảm bảo an toàn về chất lượng và không lo đầu ra, có bao nhiêu thương lái cũng đến thu mua hết và thậm chí nhiều lúc không có đủ hàng để bán. |