Dân Việt

Tỷ phú đêm đi thụ phấn mãng cầu xiêm, bán hơn 200 tấn trái/năm

Phan Thị Anh Thư 23/05/2019 13:30 GMT+7
"Hai Lúa" miền Tây-ông Nguyễn Hoài Hận, 65 tuổi cứ đêm đêm tầm 21-22 giờ cùng với người làm lọ mọ đi thụ phấn cho vườn mãng cầu xiêm rộng 50 công (5ha). Chính cách thụ phấn độc-lạ này và cách chăm sóc đúng kỹ thuật đã giúp mãng cầu xiêm đậu nhiều trái và toàn trái bự. Bình quân mỗi năm ông Hận bán ra từ 200-220 tấn trái mãng cầu xiêm, lời hơn 1,2 tỷ đồng.

Ông Đặng Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ nói với chúng tôi với sự phấn chấn: “Mãng cầu xiêm đang là thế mạnh của địa phương chúng tôi sau cây xoài. Nhiều hộ trồng mãng cầu xiêm đã trở thành tỷ phú ngon lành, trong đó phải kể đến lão nông Nguyễn Hoài Hận, 65 tuổi, người được xem là thành đạt nhất từ loại cây ăn trái này...”.

img

Ông Nguyễn Hoài Hận giới thiệu những trái mãng cầu xiêm to bự trong vườn nhà.

Rất tất bật khi cùng 6 lao động chăm sóc 50 công (mỗi công 1.000m2) mãng cầu xiêm đang cho trái nhưng ông Hận rất vui vẽ tiếp chuyện cùng chúng tôi mang theo rất nhiều điều thú vị về chuyện đổi đời của gia đình ông.

Ông Hận kể: “Quê tôi ở tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1990 tôi mới vào nông trường Sông Hậu (nay là xã Thới Hưng) thuê đất làm ăn. Do cần cù và tiết kiệm tôi đã có được 50 công đất trồng lúa. Sau đó chuyển đổi sang trồng rất nhiều loại trái cây như chuối, cam, bưởi, chanh, xoài…nhưng kinh tế không phát triển. Năm 2015, sau khi tham khảo ở các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Bến Tre…tôi đã chọn cây mãng cầu xiêm có nguồn gốc ở Bến Tre để trồng trên toàn bộ diện tích đang có”

Theo kinh nghiệm trồng mãng cầu xiêm của ông Hận, cây trồng này tuy dễ trồng nhưng mà khó tính. Dễ là chúng thích nghi rất tốt với nhiều loại thổ nhưỡng khác nhau; cây phát triển nhanh; nhiều trái. Khó nhất là phương pháp cho chúng đậu trái; bảo quản không cho côn trùng đục trái; cây không bị suy kiệt sau thu hoạch…

img

Nhờ cách thụ phấn ban đêm nên vườn mãng cầu xiêm của gia đình ông Hân luôn có tỷ lệ đậu trái cao.

Từ suy nghĩ đó, ông Hận đã đi tìm hiểu các vấn đề có liên quan từ các nhà vườn trồng mãng cầu xiêm; tìm trên các trang mạng, báo điện tử về khoa học kỹ thuật rồi áp dụng thử nghiệm trên một số cây mãng cầu xiêm của vườn nhà để đúc kết thành một giải pháp, cách làm hay.

Ông Hận chia xẻ kỹ thuật trồng sầu riêng: "Muốn cây mãng cầu xiêm có tỷ lệ đậu trái cao thì mình phải cất công thụ phấn cho bông vào ban đêm. Cứ tầm từ 21 đến 22 giờ hàng đêm là tôi và người làm dùng ống chích (xi lanh) để bơm phấn vào từng nhụy bông bên trong. Ngày hôm sau nếu phát hiện những cánh hoa bị gió làm rách thì phải dùng tay ép chặt phấn vào từng nhụy...".

Theo ông Hận, cách làm này khá công phu nhưng tỷ lệ cây mãng cầu xiêm đậu trái đạt trên 90%. Trong khi với cách làm thông thường tỷ lệ cây đậu trái chỉ đạt khoảng 60 đến 70%. Sau khi trái mãng cầu xiêm đã hình thành thì phải dùng bao ni lông bao bên ngoài cho đến lúc thu hoạch.

Ông Hận còn có cách bón phân tổng hợp cân đối giữa phân hữu cơ ( phân heo, bò, gà, dơi…) và phân vô cơ, đặc biệt không sử dụng các loại phân, thuốc tăng trưởng, kích thích độc hại trên vườn mãng cầu xiêm.

Chị Nguyễn Thị Thu Sương, cán bộ khuyến nông xã Thới Hưng nhận xét: “ Trồng mãng cầu là chuyện không mới nhưng trồng theo cách của ông Hận là rất mới và hiệu quả mang lại rất cao. Từ đó có rất nhiều nông dân đến nhờ ông Hận tư vấn cách trồng và chăm sóc”.

Từ năm 2017 đến nay, nhờ cách chăm sóc và làm trái mãng cầu xiêm khá bài bản mà vườn mãng cầu xiêm của ông Hận có trái quanh năm, đạt sản lượng từ 200 đến 220 tấn/năm. Với giá bán bình quân tại vườn từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg mãng cầu xiêm. sau khi trừ hết chi phí đầu tư ông Hận có lờitừ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng. Riêng năm 2019 này theo dự báo, ông Hận sẽ đạt trên 240 tấn trái mãng cầu xiêm.

img

Sơ chế trái mãng cầu xiêm để làm trà mãng cầu xiêm tại gia đình ông Hận.

Ông Hận cho biết, thị trường tiêu thụ mãng cầu xiêm hiện nay là TP.HCM, Đà Nẵng, Đà Lạt, Hà Nội...Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Hận còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 đến 8 lao động có “tay nghề” về chăm sóc mãng cầu xiêm với mức thu nhập từ 4, 5 đến 5 triệu đồng/tháng/người.

Chưa dừng lại ở đó, hiện nay ông Hận đang ấp ủ ước mở xây dựng thương hiệu "Trà mãng cầu xiêm" vừa để khai thác tối đa tiềm lực loại trái cây này vừa tạo điều kiện tiêu thụ mãng cầu xiêm tươi cho hàng chục hộ lân cận đang trồng với tổng diện tích gần 100 ha. Hiện nay ông Hận còn đang thử nghiệm chế biến mứt và rượu mãng cầu xiêm nguyên chất để phục vụ người tiêu dùng.

Ông Hận cho biết: “ Các bước xin giấy phép đầu tư cơ sở chế biến "Trà mãng cầu xiêm" đã cơ bản hoàn thành rồi chỉ trong thời gian ngắn tôi sẽ thực hiện ngay. Với mô hình này  tôi không phải lo nguồn nguyên liệu chế biến tại chỗ; giá bán sẽ tăng cao vì không phải qua trung gian thương lái như trước”.