Dân Việt

Căn bệnh "đội vốn" ngày càng trầm kha

Văn Kiên 23/05/2019 11:05 GMT+7
Một năm trước, cũng tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã “sốc” khi Kiểm toán Nhà nước thông tin: Có dự án “nở vốn” đầu tư đến 36 lần, từ 76 tỷ lên gần 2.600 tỷ. Nhiều đại biểu khi đó đã chua chát nói rằng: “Thế giới khó tìm ra loại “bột nở” nào làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi, mà lại là voi ma mút như vậy. Không biết Chính phủ lấy kinh phí ở đâu bù vào”?

img

Vẫn biết, đội vốn là căn bệnh trầm kha, chưa có thuốc chữa hiệu nghiệm trong đầu tư công nhưng dư luận lúc đó vẫn hy vọng: Kỷ lục buồn về “nở vốn” mà dự án được lấy làm ví dụ nắm giữ sẽ không bị phá vỡ?

Vậy nhưng, chỉ một năm sau, cũng tại nghị trường, các đại biểu lại thêm một lần “sốc” khi Kiểm toán Nhà nước báo cáo: “Dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã 4 lần được điều chỉnh vốn, tăng thêm 268 tỷ đồng. Mức tăng này tương đương tới 3.834% (tăng gần 39 lần) từ 7 tỷ đồng lên 275 tỷ đồng do điều chỉnh quy mô, công năng sử dụng”.

Trên thế giới, dự án đầu tư tăng vốn đến 36 lần đã là quá hiếm nhưng tăng đến hơn 39 lần như dự án của Ngân hàng Phát triển thì đúng là “kỷ lục của kỷ lục”. Tuy nhiên cũng như lần trước, câu hỏi đặt ra lúc này là: Kỷ lục của kỷ lục đội vốn ở Dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam rồi có bị xô đổ không? Không ai dám chắc là không. Bởi đội vốn dường như đã trở thành “chuyện thường” ở các công trình đầu tư công, bất kể đó là các công trình lớn hay nhỏ, cấp bách hay không cấp bách. Thậm chí không cần báo cáo trong tay, nhiều người dân cũng có thể đọc vanh vách các công trình “đội vốn” như Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông; Dự án đường sắt Bến Thành – Suối Tiên; Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên; Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh; Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Cửa Đại …

Những công trình đội vốn cả nghìn tỷ đồng đã và đang gây bức xúc dư luận trong suốt nhiều năm qua. Nguyên nhân chính là do các cơ quan chức năng chưa nghiên cứu kỹ về mục tiêu, phạm vi dự án; không nắm vững công nghệ; chưa tính kỹ hiệu quả nên đưa ra tổng mức đầu tư chiếu lệ, lập dự toán thấp. Bên cạnh đó nó còn đến từ “căn bệnh” vung tay quá trán, không có nguồn nhưng vẫn cố làm to, hoành tráng, thậm chí còn có tư duy tiền chùa, dẫn đến chi tiêu lãng phí, đội vốn.

Mỗi công trình đầu tư công bị đội vốn là thêm một lần tiền thuế của dân bị lãng phí. Do đó, để kỷ lục “nở vốn” của Dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại thành phố Nha Trang không bị phá vỡ, bên cạnh việc sửa đổi Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật khác có liên quan thì việc cần kíp phải làm ngay là xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của những cá nhân, cơ quan, đơn vị có liên quan đến việc đội vốn. Có như vậy thì mới ngăn chặn được những kỷ lục buồn, những loại “bột nở” vốn đầu tư vô tội vạ.