Clip: Cơ sở khai thác, chế biến cát trái phép hoạt động rầm rộ nhưng cả tỉnh, huyện, xã đều... không biết(?)
Từ trung tâm TP.Lạng Sơn, chúng tôi đi theo con đường tỉnh hơn 10km để tới thôn Khuổi Mạ, xã Song Giáp, huyện Cao Lộc. Nhìn từ xa, một đoạn sông Kỳ Cùng bị thu hẹp bởi núi đất đá đổ thải từ công trường chế biến cát sỏi trái phép. Nước sông tại khu vực này cũng trở nên đục ngầu bởi nước thải sàng rửa cát xả xuống. Tiếng gầm gào của máy xúc, máy nghiền, máy sàng tuyển hoạt động từ trên đồi vọng xuống tới đường cái.
Hoạt động khai thác, chế biến cát diễn ra từ lâu, hằng ngày tại đây nhiều máy xúc, ô tô, máy nghiền sỏi... hoạt động liên tục.
Trong vai chủ doanh nghiệp nhỏ đến đặt vấn đề mua cát với số lượng lớn, chúng tôi gặp người đàn ông tên Toàn, người đang điều hành sản xuất tại đây. Dẫn chúng tôi ra bãi cát thương phẩm, ông Toàn giới thiệu: Cát của cơ sở ông đã cung cấp cho nhiều đơn vị xây dựng tại tỉnh Lạng Sơn. Một số đơn vị mua cát tại đây thường xuyên với số lượng lớn.
Ông Toàn cũng tự giới thiệu, cát của ông chủ yếu được chế biến từ nguồn cát, sỏi cuội lấy ở ven sông Kỳ Cùng, cách cơ sở chế biến khoảng 2km. Tuy nhiên, theo quan sát của PV, để tạo ra cát thương phẩm bán cho thị trường, chủ cơ sở này còn cho “xẻ thịt” một số quả đồi trong khu vực chế biến để lấy thêm nguồn cát pha trộn. Ngay tại thời điểm PV có mặt, hoạt động bốc xúc đất đồi cũng đang diễn ra. Một số quả đồi khác có dấu hiệu khai thác từ lâu, với khối lượng lớn đất cát bị đào xới, tạo thành moong sâu.
Tiếng gầm gào của máy xúc, máy nghiền, máy sàng tuyển hoạt động từ trên đồi vọng xuống tới đường cái.
Khi chính thức vào việc mua bán, ông Toàn ra giá: “Bán nhiều anh bán 190.000 đồng, còn bình thường anh bán lẻ là 200.000 đồng/khối. Người chỗ công ty Hợp Thành gọi xuống liên tục nói khi nào có nhiều cát thì gọi họ xuống lấy, nhưng dạo này máy móc, công nhân nghỉ nhiều nên bọn anh có cát đâu. Mỗi lần công ty này xuống lấy cát phải chở từ 2-3 trăm khối một đợt”.
Để mục sở thị khu vực khai thác cát sỏi ven sông của cơ sở này, nhóm PV tiếp tục tới thôn Nà Tậu, xã Song Giáp (cách cơ sở chế biến cát trái phép khoảng 2km). Tại đây, một bạt đất bồi ven sông Kỳ Cùng với chiều dài khoảng 500m đã bị bốc xúc gần hết; một lượng lớn cát, sỏi đã được gạt thành đống, chờ vận chuyển về nơi chế biến ở thôn Khuổi Mạ.
Bãi bồi ven sông rộng lớn ngày nào giờ đã bị khai thác gần hết.
Người dân ở đây cho biết, 6 năm về trước, khu vực này còn là một gò đống cao do nước sông bồi lắng. Từ năm 2013, có đơn vị đến cho máy móc đào xới rồi vận chuyển cát, sỏi đi. Cứ khoảng 2-3 tháng, lại thấy cán bộ thôn chia tiền cho 48 hộ dân thôn Nà Tậu (mỗi hộ khoảng 300 - 400.000 đồng?!
Để xác minh cụ thể việc khai thác tài nguyên cát, sỏi trái phép trên địa bàn, nhóm PV đã liên hệ với lãnh đạo huyện Cao Lộc. Tuy nhiên, cả ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc và ông Hứa Anh Tuấn (Chánh văn phòng UBND huyện) đều nói hiện tại rất bận, hẹn sang tuần làm việc.
Nhìn từ xa, 1 đoạn sông Kỳ Cùng bị thu hẹp bởi núi đất đá đổ thải từ công trường chế biến cát sỏi trái phép
Trao đổi với PV Dân Việt vào sáng 23/5, ông Nguyễn Đình Duyệt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trưởng tỉnh Lạng Sơn, cho hay: “Thời điểm hiện tại tỉnh không cấp phép cho đơn vị nào hoạt động khai thác khoáng sản tại khu vực trên, nếu có thì đấy là khai thác trái phép”.
Ông Duyệt cũng khẳng định trách nhiệm để xảy ra việc khai thác khoáng sản trái phép thuộc về Sở Tài nguyên – Môi trường và chính quyền địa phương, ông sẽ báo cáo Giám đốc Sở, sớm thành lập đoàn kiểm tra và có biện pháp xử lý theo quy định.
Dân Việt tiếp tục thông tin vụ việc.