Dân Việt

Donald Trump và chiến thuật "chiếc gậy- củ cà rốt- pháo hạm"

Đại sứ Trần Đức Mậu 23/05/2019 19:30 GMT+7
Nó pha trộn giữa kiểu ngoại giao "chiếc gậy và củ cà rốt" với ngoại giao pháo hạm trong sự tự tin rằng Mỹ luôn có ưu thế so với mọi đồng minh, đối tác hay đối thủ.

img

Tổng thống Mỹ Trump.

Trong thời gian cầm quyền gần hai năm rưỡi đến nay, chưa có khi nào tổng thống Mỹ Donald Trump bộc lộ nhiều và rõ nét về chính sách đối ngoại của mình như hiện tại. Ở khu vực châu Á có chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và Triều Tiên, ở khu vực châu Âu có chính sách của Mỹ đối với Nga, EU và Nato. Ở khu vực vùng Vịnh có chuyện giữa Mỹ và Iran. Ở vùng Nam Mỹ có quan điểm chính sách của Mỹ đối với Venezuela.

Khi còn vận động tranh cử tổng thống Mỹ cũng như từ sau khi lên cầm quyền, ông Trump chưa lần đề cập đến một chiến lược đối ngoại hoàn chỉnh, càng không công bố nó. Người Mỹ và thế giới bên ngoài nước Mỹ chỉ biết chắc chắn là ông Trump để cho suy nghĩ và hành động của mình chịu chi phối bởi hai tác nhân là chủ nghĩa đơn phương thay thế chủ nghĩa đa phương và khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết".

Đến bây giờ, mọi quyết sách và hành động của ông Trump trên phương diện đối ngoại đều vẫn thể hiện và bị chi phối, dẫn dắt bởi hai nhân tố ấy. Ông Trump vẫn không thấy có chiến lược đối ngoại nhưng có thể nhận diện được cách tiếp cận khá nhất quán của người này về chính sách đối ngoại.

Ở tất cả những người tiền nhiệm của ông Trump, chính sách đối ngoại của Mỹ luôn được hoạch định thành học thuyết và chiến lược, có bài bản và hệ thống, có cơ chế và lộ trình thực hiện, tất cả đều cụ thể và rõ ràng, luôn được suy tính và cân nhắc kỹ lưỡng chứ không quyết định và thực hiện theo ngẫu hứng và bản năng. Ở ông Trump thì nhân tố ngẫu hứng và bản năng xem ra lại rất quyết định đến mức tạo cảm nhận chung là bản thân ông Trump không muốn có chiến lược hoặc tin là không cần đến chiến lược, xử lý chuyện đối ngoại như đàm phán làm ăn kinh tế thương mại.

Cho nên cứ quyết từng bước đi một và cứ như thế đã rồi sẽ tính tiếp. Ở đây cũng còn có lời lý giải vì sao ông Trump thường xuyên thay đổi quyết định. Tính cách cá nhân người này như thế. Nhưng cũng còn cả tình thế sau đấy bắt buộc ông Trump phải như thế. Quyết định của ông Trump rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria là ví dụ. Hay như sự chuyển biến nhanh chóng giữa làm găng và dịu giọng với các đối tác và đối thủ, Trung Quốc cũng như Nga, EU cũng như Canada và Mexico, Iran cũng như Triều Tiên, cũng thế.

Cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông Trump rất nổi bật và đặc thù ở sự kết hợp giữa doạ và sẵn sàng đàm phán, doạ bằng trừng phạt về kinh tế và thương mại hoặc bằng diễu võ giương oai về quân sự, luôn đi cùng với mời chào sẵn sàng đàm phán. Nó pha trộn giữa kiểu ngoại giao "chiếc gậy và củ cà rốt" với ngoại giao pháo hạm trong sự tự tin rằng Mỹ luôn có ưu thế so với mọi đồng minh, đối tác hay đối thủ. Đấy còn chính là gốc rễ của cái gọi là "Chiến lược gia tăng áp lực tối đa" mà ông Trump áp dụng với tất cả các đồng minh, đối tác và đối thủ hiện tại của Mỹ.

Ông Trump coi việc Triều Tiên đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân, Canada và Mexico thoả thuận lại với Mỹ về khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ, các đối tác chịu thoả thuận thương mại mới với Mỹ đều là thành công của chiến lược này. Hiện tại, ông Trump tin rằng rồi cũng sẽ thành công tương tự trong đàm phán thương mại với Trung Quốc và trong chuyện chiến tranh hay hoà bình với Iran.

Một nét khác nữa trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông Trump là sự tin tưởng gần như tuyệt đối vào khả năng thương thảo của chính mình trong xử lý mọi vấn đề. Với Trung Quốc thì đấy là đàm phán trực tiếp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Với Nga là trao đổi trực tiếp với tổng thống Nga Vladimir Putin. Với Triều Tiên cũng như thế. Với Iran hiện tại, ông Trump cũng ngỏ ý đàm phán trực tiếp với lãnh đạo nước này. Đấy là phương thức dùng tiếp xúc cấp cao để định hướng cho giải quyết các vấn đề và đồng thời cũng phục vụ cho sách lược vừa gia tăng áp lực tối đa vừa tỏ ý sẵn sàng đối thoại cấp cao.

Trong thời gian cầm quyền đến nay ở Mỹ, ông Trump rất kiên định cách tiếp cận chính sách đối ngoại như thế. Tuy kết quả đạt được đến nay không nhiều nhặn gì và những vấn đề đối ngoại nổi cộm nhất đối với nước Mỹ đều vẫn chưa được giải quyết, thậm chí ông Trump còn gây thêm một số vấn đề mới cho nước Mỹ, ông Trump không có biểu hiện nào cho thấy đã mất lòng tin vào cách tiếp cận ấy.