Dân Việt

Thời 4.0: Ngỡ ngàng vườn vùng sâu được tưới bằng… smartphone

Nguyễn Thi 28/05/2019 06:06 GMT+7
Nhắc đến Ðạ Huoai, người ta thường hình dung về một huyện thuần nông, trình độ kỹ thuật và khoa học còn kém phát triển ở tỉnh Lâm Đồng. Chính vì vậy, ít ai ngờ, ở nơi xa xôi hẻo lánh ấy lại có mô hình làm nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông minh như của anh Ngô Quang Thực.

Canh tác sầu riêng bằng smartphone

Vườn sầu riêng của Ngô Quang Thực ở một vùng đất khô cằn sỏi đá thuộc vùng sâu của huyện Đạ Huoai nên đã khiến không ít người địa phương đàm tiếu, nghi ngờ về tính hiệu quả của cách làm mà anh áp dụng.

Bỏ qua những lời dèm pha, nghi ngại, nông dân trẻ Ngô Quang Thực sau quá trình học hỏi từ sách vở, internet, khảo sát thực tế tại các vườn cây ăn trái ở miền Tây, đã tự vẽ mô hình theo khung diện tích vườn của mình. Rồi anh gom tiền đi mua ống nước, hệ thống tưới tiêu về tự lắp ráp, cài đặt hệ thống và cho chạy thử nghiệm kỹ thuật mới này tại vườn sầu riêng rộng 7 sào nằm ở ngay bên hông căn nhà của gia đình. 

img

Chỉ cần lướt điện thoại, 10 phút sau, 7 sào sầu riêng của anh Thực đã được tưới với độ ẩm đồng đều.
(ảnh: Nguyên Thi)

Bây giờ thì từ công đoạn tưới nước đến phun thuốc đã được anh Thực số hóa. Chỉ cần lướt nhẹ những đầu ngón tay trên chiếc điện thoại thông minh (smartphone) là sáng sớm anh đã có thể thảnh thơi vừa ăn sáng vừa trò chuyện với vợ con và ngắm vườn sầu riêng. Vườn sầu riêng giống mới được anh trồng theo tiêu chuẩn VietGAP xanh mát căng mình đón những giọt nước sạch trong veo dưới nắng sớm. Một ngày làm nông của thanh niên trẻ vùng nông thôn Đạ Huoai một năm nay bắt đầu đơn giản và nhẹ nhàng như thế!

Theo ông Ngô Duy Lực - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc, gần đây, một số hộ gia đình cũng bắt đầu thử nghiệm cách làm nông nghiệp thông minh này để tiết kiệm sức lao động, dù cho chi phí ban đầu để thiết kế kỹ thuật và đầu tư cũng khá tốn kém. Thực tế, việc di chuyển để tưới nước, phun thuốc, bón phân trên diện tích vài sào cho đến vài ha sầu riêng ở vùng đất lòng chảo của cao nguyên B’Lao vốn nổi tiếng ít gió với cái nắng hanh hao là không hề dễ dàng.

"Những vườn sầu riêng rộng lớn hiện đang đúc rút kinh nghiệm từ mô hình đi trước để tổ chức tốt hơn trên vườn của họ, thay thế cho sức lao động của những người nông dân” - ông Ngô Duy Lực  cho biết.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao

Anh Thực cho hay, với 7 sào sầu riêng VietGAP của gia đình, anh đầu tư khâu tưới thông minh hết khoảng 100 triệu đồng. Bù lại, anh giải phóng được rất nhiều sức lao động mỗi ngày cho việc tưới nước, phun thuốc cho cây. Từ khi áp dụng mô hình kỹ thuật này, năng suất vườn sầu riêng cũng tăng lên khoảng 30%... 

Ước tính năm 2018, cây sầu riêng đã mang lại cho người dân Đạ Huoai nguồn thu hơn 800 tỷ đồng. Trong đó, nhiều hộ dân có nguồn thu nhập từ 2 - 4,5 tỷ đồng/hộ. 

Với ứng dụng tiên tiến, chỉ trong khoảng 10 phút thì công việc vốn mất 2 đến 3 giờ mỗi ngày khi thực hiện bằng tay đã được hoàn thành. Mục tiêu của Ngô Quang Thực là giảm gánh nặng thể chất và cải thiện năng suất vườn cây. 

Vài năm trở lại đây, vượt lên những khắc nghiệt của thời tiết và sự cằn cỗi của đất đai, ngày càng nhiều người ở huyện cửa ngõ Lâm Đồng này biết cách ứng dụng công nghệ vào hoạt động trồng trọt, nhất là đối với các vườn cây ăn trái, đặc biệt là cây sầu riêng.

Đã xuất hiện rất nhiều những mô hình trồng sầu riêng ghép giống mới cho thu hoạch “khủng” đang được ứng dụng công nghệ hiện đại ở một số khâu quan trọng trên ruộng vườn để giảm tối đa sức lực cho người nông dân. Chính nhờ thế mà dù có gặp khó khăn về địa hình và thời tiết khắc nghiệt thì nông nghiệp Đạ Huoai hiện phát triển nhảy vọt. 

Theo số liệu thống kê của huyện, phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây sầu riêng theo hướng khoa học công nghệ cao, bền vững đang cho sản lượng và chất lượng cao đáng kinh ngạc mà vài năm về trước chắc khó có ai dám mơ tới.