Cùng đi với đoàn của Bộ NN&PTNT có lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình và 8 huyện của tỉnh này nhằm học tập kinh nghiệm chăn nuôi bò công nghệ cao theo chuỗi của Hoà Bình.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo tỉnh Hoà Bình thăm trang trại bò thịt của Công ty CP T&T 159. Ảnh: M.H
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra đối với ngành chăn nuôi lợn rất lớn và hiện nay vẫn chưa dừng lại, do virus vẫn đang tiếp tục lây lan, làm ảnh hưởng tới sinh kế của bà con nông dân, nhất là các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ. Do đó, việc thúc đẩy phát triển chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, dê... và gia cầm là một trong những giải pháp quan trọng hiện nay, nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng cho người tiêu dùng và giảm áp lực cho ngành chăn nuôi lợn đang bị tấn công bởi dịch bệnh.
Trang trại Bò giống chất lượng cao và Trại bò nuôi lấy thịt này có quy mô 1.200 con bò giống, 3.800 con bê, bò; trâu nuôi vỗ béo đã đi vào hoạt động ổn định. Trang trại nằm trong dự án Khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và Trại sản xuất Bò giống chất lượng cao, thuộc xã Yên Mông, TP.Hoà Bình.
Tổng mức đầu tư của dự án này là gần 280 tỷ đồng, ngoài ra Công ty CP T&T 159 còn có một loạt dự án có quy mô đầu tư từ vài trăm tỷ đồng tới cả ngàn tỷ đồng khác như Khu Liên hợp trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất thực phẩm theo cơ chế sạch, vốn đầu tư hơn 438 tỷ đồng; Dự án đầu tư trang trại lõi và thực hiện phát triển vùng Liên kết sản xuất bò giống và bò thịt cao sản xã Tâm Mỹ (huyện Lạc Sơn), quy mô đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng...
Đây là những lõi ngô được nghiền nát, ép thành viên dùng để pha trộn làm thức ăn cho trâu bò. Ngoài việc thu mua lõi bắp ngô từ Sơn La, Công ty T&T đã tổ chức thành công hệ thống thu gom công nghiệp phụ phẩm nông nghiệp như thân cây ngô, rơm rạ, vỏ cây keo ở một số huyện của tỉnh Phú Thọ, với tổng diện tích hơn 2.000ha của gần 5.000 hộ dân.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác thăm nhà máy chế biến thức ăn gia súc từ phụ phế phẩm nông nghiệp như bã mía, thân cây ngô, lõi ngô...
Trao đổi với Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Nguyễn Hồng Diên (ngoài cùng bên trái), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, Thái Bình là địa phương rất có tiềm năng để phát triển chăn nuôi trâu, bò tập trung quy mô lớn. Ảnh: Minh Phúc
Được biết, với mong muốn tìm ra sinh kế cho bà con trong cơn bão dịch tả lợn châu Phi, lãnh đạo chủ chốt của Thái Bình đã mời cả 8 huyện để đi tham quan trang trại bò thịt lớn nhất miền Bắc, trên cơ sở đó có kế hoạch tập trung xây dựng một dự án phát triển đại gia súc.
Hiện tỉnh Thái Bình có nhiều điều kiện phát triển chăn nuôi bò, trâu, do có bãi sông Hồng rất rộng, thích hợp để trồng ngô, cỏ làm thức ăn cho trâu bò. Thứ hai, tỉnh cũng là quê hương thâm canh nông nghiệp truyền thống, với diện tích gieo cấy lúa khoảng 180.000ha/năm nên lượng rơm rạ rất nhiều.
Hiện tại, trang trại tại Khu liên hợp của Công ty CP T&T 159 đang nuôi 1.200 con bò, trâu sinh sản và khoảng 2.000 con trâu, bò, bê lấy thịt. Ngoài ra, Công ty này còn liên kết chăn nuôi với khoảng 1.000 nông hộ và những trang trại vệ tinh khác, trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp cung ứng ra thị trường khoảng 800 - 1.000 con trâu, bò, bê thịt.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành năm 2008 cho đến nay tròn 10 năm, phải khẳng định là chiến lược đó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó là từ một đất nước thiếu ăn, thiếu thực phẩm sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi cộng với kết quả thành quả giai đoạn trước chúng ta đã trở thành đất nước dư thừa thực phẩm.
Tuy nhiên nhìn vào cơ cấu thực phẩm vừa rồi chúng ta tạo ra, rõ ràng tới đây chiến lược phải thay đổi. Vì hiện nay cơ cấu thịt lợn chiếm tới 70%, thịt đại gia súc chỉ chiếm 6 - 7%, rất mất cân đối.
Thăm khu vực sản xuất đệm lót sinh học từ vỏ cây keo
"Tháng 10 tới đây, chúng ta sẽ tổng kết chiến lược phát triển chăn nuôi Việt Nam. Nhưng ngay từ bây giờ chúng ta phải chuẩn bị trước, những căn cứ cụ thể về khoa học, kinh nghiệm của thế giới về áp dụng ở Việt Nam, để sau tổng kết những chiến lược có những đề án tổng thể của quốc gia, gắn với đó là sẽ chuyển động từ công tác đào tạo nguồn nhân lực, từ những dự án cụ thể, chính sách, từ phát triển thị trường làm sao đáp ứng được chiến lược chăn nuôi mới" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết. |