Dân Việt

Hỗ trợ, giúp nông dân sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu

Huỳnh Xây 26/05/2019 17:02 GMT+7
Đó là mục tiêu quan trọng phải thực hiện đối với Hội Nông dân các tỉnh, thành phố các tỉnh phía Nam trong thời gian tới. Mục tiêu này được triển khai, quán triệt tại hội nghị “Học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam, Điều lệ Hội Nông dân khoá VII, nhiệm kỳ 2018-2023” do Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại TP.Cần Thơ từ ngày 21 đến ngày 25/5.

Đa dạng hình thức hỗ trợ nông dân

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (BCH T.Ư Hội NDVN) Bùi Thị Thơm cho biết, trong vài năm tới, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng phức tạp đặt ra những thách thức lớn đối với nông nghiệp, nông dân nước ta. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Vì vậy, các cấp Hội phải hướng dẫn người dân ứng phó bằng cách liên kết với nhau theo hình thức hợp tác xã, tổ hợp tác để tập trung ruộng đất, nâng cao quy mô sản xuất, phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn, trang trại tập trung.

Các hợp tác xã, tổ hợp tác này cần được các ngành, các cấp Hội hướng dẫn nhập khẩu trực tiếp các thiết bị công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp, Nhà nước, ngân hàng, nhà khoa học để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0 vào sản xuất. Từ đó, giúp nâng cao trình độ sản xuất, kinh doanh cho hội viên, nông dân, sản phẩm của nông dân làm ra được tiêu thụ nhanh, không xảy ra tình trạng được mùa - mất giá như thời gian qua.

img

 Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Bùi Thị Thơm thăm mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở tỉnh Hậu Giang. ảnh: Huỳnh Xây

“Hội ND các địa phương cần động viên, khuyến khích nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều nông dân khác để phấn đấu, cùng nhau làm giàu. Tổ chức tôn vinh nông dân sản xuất giỏi, tôn vinh doanh nghiệp, nhà khoa học đã đồng hành cùng nông dân. Bên cạnh đó, Hội cũng chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mai, quảng bá, liên kết các hệ thống siêu thị, các chợ đầu mối, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước cho nông dân”- Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm nói.

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Thơm, các cấp Hội cũng phải hỗ trợ hội viên nông dân khởi nghiệp, có mô hình làm ăn hiệu quả. Cụ thể là giúp đỡ trong vay vốn, thông tin chính sách, pháp lý… Tới đây, Hội cần nghiên cứu xây dựng Quỹ Nông dân khởi nghiệp.

Mục tiêu trong thời gian tới, có 100% Hội ND cấp xã chủ trì, phối hợp với các tổ chức có liên quan hỗ trợ xây dựng ít nhất từ 1 tổ hợp tác (hoặc 1 hợp tác xã) trở lên để liên kết, hợp tác phát triển sản xuất có hiệu quả theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập của nông dân...

Nâng cao chất lượng hoạt động

Theo Phó Chủ tịch Thường trực BCH T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn, trong 5 năm qua, Hội ND các địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức trên 300.300 lớp tập huấn cho trên 15 triệu lượt cán bộ, hội viên nông dân. 

Qua 4 ngày hội nghị, các đại biểu đến từ Hội ND 21 tỉnh, thành phố phía Nam đã nghe 6 chuyên đề quan trọng gồm: Những nội dung cơ bản của Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc; vận động nông dân phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn thông minh, hiện đại; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế; xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam trong sạch vững mạnh…

Các cấp Hội đã xây dựng, chuyển giao thành công hơn 14.000 mô hình, dự án ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, Hội đã đưa ra hàng nghìn giải pháp, sáng kiến giúp nông dân tiết kiệm chi phí, giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả lao động trong sản xuất cho nông dân.

Nhiệm vụ đặt ra của Hội ND nhiệm kỳ 2018-2023 là tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng giải quyết tốt lợi ích của hội viên nông dân.

Hội ND các địa phương phải kết hợp chặt chẽ việc vận động với tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân sản xuất kinh doanh (định hướng cho nông dân chọn nghề phù hợp với năng lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật), nâng cao chất lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác. Qua đó, góp phần trí thức hoá nông dân, giúp họ thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Lương Quốc Đoàn cho biết, để làm được những nhiệm vụ trên, trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, các cấp Hội phải không ngừng đổi mới trong công tác tuyên truyền, có trách nhiệm và có tinh thần sáng tạo. Đội ngũ cán bộ Hội phải đủ năng lực, phẩm chất, nhiệt tình, trách nhiệm, hiểu dân và vì dân, giải thích cho nông dân hiểu, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân.

Phó Chủ tịch Thường trực Lương Quốc Đoàn chỉ đạo, hoạt động của các cấp Hội trong thời gian tới phải hướng về cơ sở, kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên nông dân. Ngoài ra, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Hội phải có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở và thường xuyên cùng hội viên tổng kết, rút kinh nghiệm để kịp thời hoàn thiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến.