Từ quy mô sản xuất
Gia đình anh Lê Văn Cát (xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) có trên 10 năm sống bằng nghề nuôi lươn. Lươn anh chọn nuôi là giống lươn đồng, có tên khoa học là Fluta alba, mỗi con có thể cân nặng 1.500gr.
Giống lươn này khác với giống lươn nông dân phía Bắc nuôi (có tên khoa học là Monopterus albus. Loài này nhỏ và trọng lượng chỉ từ 200-400gr/con).
Bể nuôi lươn nhà anh Cát có diện tích bình quân từ 6-8m2, nuôi khoảng 8 tháng là xuất bán cho thương lái. Mật độ nuôi từ 60-250 con/m2 (tùy theo con giống thả vào bể lớn hay nhỏ).
Độ sâu của bể nuôi lươn từ 30-40cm. Nhà anh Cát có 12 bồn lươn, bình quân mỗi tháng anh xuất 1 bồn và luân phiên trong năm. “Hơn 10 năm theo nghề nuôi lươn, cuộc sống gia đình chỉ đủ ăn, chứ chưa giàu được…” - anh Cát khẳng định.
Lươn đồng, có tên khoa học là Fluta alba, mỗi con có thể cân nặng đến 1.500gr
Nguyên nhân của vấn đề trên là quy mô sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ. Đa phần hộ nuôi lươn đều nuôi theo phong trào, năm nào thấy lươn thịt có giá, bà con đổ xô tìm con giống thả nuôi. Khi thu hoạch, lúc thị trường “cung vượt cầu”, lươn thịt rớt xuống còn 135.000 đồng/kg, bà con cùng nhau “bỏ chạy” tìm nuôi đối tượng khác.
Vì vậy hơn 10 năm nay, phong trào nuôi lươn vẫn “giậm chân tại chỗ”, nếu nuôi với quy mô lớn, không có liên kết đầu ra không bà con nào dám nuôi. Thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu tìm mua lươn thịt với số lượng lớn để đóng cho đầy container xuất khẩu thì rất khó tìm.
“Cái khó hiện nay là chúng ta chưa hình thành được chuỗi sản xuất như các ngành hàng khác, từ đó khi có hợp đồng xuất khẩu, chúng tôi phải tiến hành thu gom khắp các tỉnh ĐBSCL, điều này dẫn đến rủi ro rất cao, bởi giá thành xuất khẩu đã ký với nhà nhập khẩu là cố định, trong khi để gom đủ hàng đóng container, người mua buộc phải nâng giá lên, các doanh nghiệp luôn gặp khó, từ đó họ rất ngại xuất khẩu mặt hàng này” - ông Trần Văn Nam (thương lái thu gom lươn xuất khẩu tại TP. Hồ Chí Minh) phân tích.
Đến rào cản kháng sinh
Qua tìm hiểm phong trào nuôi lươn tại An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP. Cần Thơ cho thấy, hiện nay đa phần nông dân tham gia nuôi lươn đều nuôi theo quy mô nhỏ. Nguyên nhân do đầu ra không ổn định, giữa người nuôi và người mua chưa có sự liên kết.
Nông dân nuôi lươn hiện nay đa phần tiêu thụ nội địa, hướng đến xuất khẩu còn rất nhiều việc phải làm.
“Lươn chưa xuất khẩu được nhiều do số lượng không đảm bảo. Quy trình nuôi chưa thật sự an toàn vệ sinh thực phẩm, bà con nuôi theo kinh nghiệm cảm tính. Khi chúng tôi mang lươn đi kiểm nghiệm thì lươn hay bị nhiễm kháng sinh, vi sinh, ký sinh trùng, kể cả kim loại nặng. Đây là vấn đề nan giải, đòi hỏi phải có quy trình “nuôi sạch” đúng nghĩa mới xuất khẩu nhiều được…” - ông Nam phân tích thêm.
Lươn nhiễm kháng sinh, vi sinh, ký sinh trùng, kể cả kim loại nặng là “rào cản” khiến con lươn của nông dân trong và ngoài tỉnh An Giang xuất khẩu rất ít. Để con lươn xuất khẩu nhiều như cá tra, đòi hỏi quy trình nuôi phải được chuẩn hóa.
Cụ thể, nông dân phải nuôi theo quy trình VietGAP nhằm hạn chế các vấn đề vi sinh, kháng sinh và kim loại nặng. Cần xây dựng chuỗi liên kết để nông dân có đầu ra ổn định, doanh nghiệp có nguồn hàng ổn định phục vụ xuất khẩu. Riêng về thị trường, đây là cơ hội rất lớn bởi ngoài các quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… các quốc gia còn lại như: Đức, Hà Lan và nhiều quốc gia phát triển khác, thị trường nhập khẩu lươn là rất lớn.
Nếu con cá tra hàng năm mang về cho đất nước 1,2 tỷ USD thì với lươn, quy trình nuôi được kiểm soát chặt chẽ, mặt hàng lươn sẽ mang về cho đất nước lượng ngoại tệ không kém so với cá tra, đây là điều mà cơ quan chức năng và bà con nông dân cần suy nghĩ.
“Nút thắt” của vấn đề nằm ở chỗ, lươn xuất khẩu phải sạch kháng sinh, vi sinh, ký sinh và không bị nhiễm kim loại nặng, không bị trầy, xước. Trọng lượng thấp nhất mỗi con phải từ 300gr trở lên (nếu xuất vào Hàn Quốc). Tuy nhiên, tập quán nuôi của đa số nông dân hiện nay vẫn “chưa sạch”, vì vậy xuất khẩu gặp nhiều trở ngại”- anh Lê Văn Cát phân tích. |