Khi thủy triều rút xuống, không ít phụ nữ, cụ già dọc ven biển mang gùi đi hái rong biển (rau câu); có 2 loại gồm rau sa và rau đá.
Rau sa thân nhỏ như sợi chỉ, màu nâu tím, mọc thành từng tảng lớn bám vào mặt đá. Tương tự, rau đá cũng bám sát vào bề mặt đá, hốc đá hay rạn san hô; hình dáng giống chân con vịt. Vì thế, người tiêu dùng thường gọi là rau câu chân vịt.
Rau đá được phơi khô (rau câu chân vịt khô). Ảnh: N.Lân
Bà Đặng Thị Nghề, xã Long Hải cho biết: “Rong biển có quanh năm, sản vật quý mà trời đất ban tặng cho dân đảo. Mỗi ngày trung bình thu hái được 5 kg rong tươi, dùng muỗng làm dụng cụ thu hái rong. Cả đời của tôi gần như gắn với việc hái rong, nên tôi thuộc lòng từng bãi đá, nơi nào có rong gì, nhiều hay ít. Đi hái rong tưởng chừng đơn giản nhưng thực ra rất nguy hiểm! Người hái dễ bị trượt chân va đầu vào đá nếu bất cẩn. Tôi thường bị trầy chân chảy máu, do đá quá trơn”.
Người dân đang hái rau đá. Ảnh: dacsanphuquy.
Sau khi khai thác từ biển, rau câu được làm sạch sạn đá, không sử dụng chất bảo quản hay tẩy trắng, phơi khô và bán cho thương lái hoặc bán trực tiếp vào đất liền. Rau sa có màu tím lẫn vàng ngà ngà. Rau câu chân vịt sẽ ngả màu vàng ngà ngà. So với trước đây, người tiêu dùng hiện nay tiêu thụ rau câu chân vịt rất nhiều. Vì vậy, giá cũng tăng cao, khoảng 800.000 đồng/kg rong chân vịt khô và 200.000 đồng/kg rau sa khô.
Theo nhiều người dân đảo, khoảng hơn 10 năm về trước thu hoạch rong biển được nhiều, nhưng giá bán rất thấp, chỉ vài chục nghìn đồng mỗi ký rong khô. Thời gian gần đây, giá cao nhưng số lượng thu hoạch chỉ bằng 1/3 so với trước. Nhờ rong biển mà người già, phụ nữ của những gia đình khó khăn tận dụng thời gian rảnh rỗi để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, 100.000 – 200.000 đồng/lần hái.
Bà Nghề chỉ cách nấu rau sa. Sau khi rửa sạch, rau sa cho vào nồi, ngập nước, thêm ít lá me tươi hoặc nước cốt chanh, nấu sôi khoảng 10 – 15 phút, lọc qua vải thưa và trộn nước đường, để nguội ăn sần sật. Tuy nhiên, rau câu chân vịt khô được ngâm nước sẽ nở trắng như rong tươi trước khi chế biến. Ngoài nấu chè, rau câu này còn được nấu canh, làm gỏi… |