Ngày 28/5, theo thông tin của phóng viên báo Dân Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa là ông Nguyễn Đình Xứng đã có văn bản chỉ đạo đến các sở ban ngành liên quan và UBND các huyện, thị trong tỉnh Thanh Hóa được phép giết mổ lợn có nguồn gốc xuất xứ, có xác nhận của cơ quan Thú y về an toàn dịch bệnh.
Dịch tả lợn châu Phi ở Thanh Hóa đang có chiều hướng tăng lên sau một thời gian tỉnh này kiểm soát tốt.
Cụ thể, trong văn bản chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký có nêu: Giao Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Quản lý Thị trường, Công an tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ, nếu phát hiện lợn không đảm bảo yêu cầu trên phải tiến hành tiêu hủy ngay và không tổng hợp vào danh sách để hỗ trợ và tiêu hủy tất cả lợn đưa ra thị trường mà không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có dấu xác nhận của thú y.
Mới đây nhất, UBND huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cũng đã có đề nghị với UBND tỉnh Thanh Hóa xin được dừng giết mổ lợn, bán thịt lợn tại các chợ ở địa phương. Nhưng UBND tỉnh Thanh Hóa đã không đồng ý, vì ý do nếu dừng giết mổ, bán thịt lợn trong vùng dịch (giết mổ theo quy định) không phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Ngày 16.5, UBND xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã ra thông báo với nội dung “cấm bán thịt lợn”.
Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin, ngày 16/5, UBND xã Dân Lý, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) đã ra thông báo với nội dung “cấm bán thịt lợn”.
Thông báo của UBND xã Dân Lý đã khiến người dân và các tiểu thương buôn bán thịt lợn ở xã này vô cùng hoang mang, bức xúc, làm ảnh hưởng đến sinh kế của bà con. Sau khi báo chí phản ánh, Sở NNPT Thanh Hóa, UBND huyện Triệu Sơn đã kiểm tra và đã chỉ đạo UBND xã Dân Lý phải hủy thông báo trên, đồng thời ra một thông báo khác để các tiểu thương có thể quay lại buôn bán thịt lợn (đảm bảo quy định) bình thường.
Từ ngày 23/02/2019 đến ngày 27/5/2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 1.752 hộ của 562 thôn, 199 xã của 26 huyện Yên Định, Thiệu Hóa, TP.Thanh Hóa, Đông Sơn, Thường Xuân, Lang Chánh, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Ngọc Lặc, Bá Thước, Nông Cống, Mường Lát, Quan Sơn, Triệu Sơn, Thành phố Sầm Sơn, Quan Hóa, Cẩm Thủy, Như Thanh, Nga Sơn, Bỉm Sơn, Hà Trung, Như Xuân và Thạch Thành. Các ban ngành chức năng đã buộc phải tiêu hủy 16.217 con lợn, với trọng lượng 1.033.348,5kg. |