Dân Việt

Ông giám đốc chuyên lội ruộng làm ra loại gạo tím lịm Tây rất thích

Trần Trọng Trung 31/05/2019 13:05 GMT+7
Từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước… đến người dân bình thường khi đến thăm Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp (HTXDVNN) Tân Cường, xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp ai cũng phải thừa nhận: Đây là HTX “điển hình của điển hình”. Người chèo lái, giúp HTX gặt hái được thành quả đó chính là cựu chiến binh, Giám đốc Nguyễn Văn Trãi (Hai Trãi).

Vạn sự khởi đầu nan

Ông Hai Trãi quê ở huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Năm 1975, ông tình nguyện nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Năm 1982, ông xuất ngũ trở về quê nhà và bắt tay vào “cuộc chiến” mới, cải tạo đồng đất nhiễm phèn vùng Đồng Tháp Mười. Sau những năm tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ông quyết định dắt díu vợ con đến xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp sinh cơ, lập nghiệp. 

img

  Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ của HTX Tân Cường. Ảnh: P.V

"Tôi chỉ làm với lương tâm, trách nhiệm và mong muốn góp chút công sức nhỏ bé của mình trong tiến trình phát triển mô hình kinh tế hợp tác và HTX của địa phương, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người nông dân”.

Ông Nguyễn Văn Trãi

Đến miền quê mới, ông Trãi vừa mua vài công đất ruộng để có nơi “cắm dùi” và canh tác lúa, vừa ra sức khai khẩn đất hoang. Nhờ chịu khó, giỏi tính toán trong làm ăn và tích lũy, đến nay, gia đình ông đã sở hữu hàng chục hecta đất ruộng, cùng nhiều máy móc hiện đại phục vụ sản xuất và đời sống. Nhưng cuộc sống của ông bắt đầu sang trang mới khi ông cùng bà con nông dân thành lập HTXDVNN Tân Cường.

HTXDVNN Tân Cường được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2000 trên cơ sở một tập đoàn sản xuất của huyện, vốn điều lệ đăng ký ban đầu là 255 triệu đồng, trong khi 200 xã viên chỉ góp vốn 31 triệu đồng. “Mặc dù HTX Tân Cường ra đời trong thời điểm gặp nhiều khó khăn do dư âm của hàng loạt HTX tín dụng bị đổ bể trước đây, nhưng chúng tôi vẫn đặt quyết tâm xây dựng bằng được HTX kiểu mới” – ông Trãi nói.

Gần 20 năm hoạt động, dưới tài điều hành linh hoạt, quản lý chặt chẽ của Chủ nhiệm Nguyễn Văn Trãi, HTXDVNN Tân Cường đã gặt hái được những thành công nổi bật, được đánh giá là một trong những HTX nông nghiệp nằm trong tốp đầu của tỉnh Đồng Tháp.

“Năm 2009, Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp chọn HTXDVNN Tân Cường để xây dựng cánh đồng hiện đại, với 430ha. Sau khi thực hiện thắng lợi, diện tích sản xuất lúa Jasmine 85 giống nguyên chủng mang lại lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/ha; năm 2010, sở tiếp tục chọn HTX để thực hiện cánh đồng hiện đại, với 860ha, đạt lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/ha” - ông Trãi cho biết.

Hiện nay, tổng diện tích đất của HTX là gần 1.415ha, trong đó có 720ha canh tác lúa 3 vụ/năm, 694ha sản xuất lúa 2 vụ/năm. HTX đã huy động góp vốn được 6,2 tỷ đồng và quyền sử dụng đất hơn 511.707m2. Cơ sở vật chất của HTX hiện có 10 trạm bơm điện, bảo đảm phục vụ nước tưới tiêu cho hơn 1.414ha lúa; hệ thống trạm cấp nước sạch phục vụ hơn 1.600 hộ dân. HTX cũng thực hiện mô hình cánh đồng hiện đại có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp, sản xuất lúa theo quy trình VietGAP; hướng dẫn xã viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng lúa, giảm chi phí sản xuất. Nhờ đó, nông dân thu lãi từ 23 - 25 triệu đồng/ha sản xuất lúa; mỗi lao động có thu nhập bình quân hơn 30 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, trong 5 năm gần đây, HTXDVNN Tân Cường đã phát hiện và mở rộng được hơn 20ha đất canh tác lúa tím than và tổ chức xay xát, đóng gói thành phẩm gạo tím than mang thương hiệu: “Gạo tím than Tân Cường”. Đây là giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn (khoảng 85 ngày), hạt lúa và gạo đều màu tím than. Nhiều đối tác từ Nhật Bản, Mỹ đã đến tham quan và đặt vấn đề thu mua với HTX.

Xây dựng thương hiệu gạo sạch

Từ vụ hè thu năm 2016, HTXDVNN Tân Cường bắt đầu dành 10ha đất sản xuất lúa hữu cơ theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm để cho ra sản phẩm gạo sạch. Hai loại giống lúa chủ lực được HTX chọn là RVT và Thiên Ưu 8. Quá trình canh tác được áp dụng theo quy trình VietGAP từ khâu trang phẳng mặt ruộng, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Sau thu hoạch, năng suất bình quân đạt hơn 6,5 tấn/ha, giảm giá thành sản xuất hơn 2 triệu đồng/ha, tăng lợi nhuận cho bà con hơn 13 triệu đồng/ha.

Ông Trần Văn Hướng - thành viên HTXDVNN Tân Cường - một trong những người thực hiện mô hình này, chia sẻ: “Lúc đầu tham gia mô hình này tôi lo ngại lắm, nhưng khi thực hiện thấy không có khó khăn gì, sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân hóa học góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường, lúa phát triển rất tốt, khi xay xát, gạo đạt chất lượng hơn, ngon hơn, sạch và an toàn hơn, bởi không có dư lượng thuốc trừ sâu…”.

“Tất cả sản phẩm gạo của HTXDVNN Tân Cường đều được bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người tiêu dùng; người sản xuất cũng bảo đảm sức khỏe; vệ sinh môi trường đồng ruộng được tốt hơn. Chúng tôi cũng cam kết thu mua lúa sạch của bà con cao hơn thị trường tại thời điểm 500 đồng/kg để từng bước xây dựng thương hiệu gạo sạch riêng của HTX và nâng cao giá trị hạt gạo” - ông Trãi chia sẻ.

Ông Hồ Văn Lợi - Bí thư Huyện ủy Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong một lần đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về mô hình kinh tế tập thể tại huyện Tam Nông, sau khi tham quan, tìm hiểu thực tế tại HTXDVNN Tân Cường, xã Phú Cường, ông Lợi phải thốt lên: “Chúng tôi ấn tượng sâu sắc với những hoạt động hiệu quả của HTX DVNN Tân Cường. Nổi bật là cách thức điều hành, hoạt động đạt hiệu quả của Giám đốc HTX theo phương châm “vì lợi ích và lợi nhuận” để thu hút các thành viên nhiệt tình tham gia vào HTX. Đây mới là một HTX kiểu mới, điển hình của điển hình!”

Với những kết quả đạt được trong nhiều năm qua, HTXDVNN Tân Cường và Giám đốc Nguyễn Văn Trãi đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương và chính quyền tỉnh, huyện, xã... Mới đây, ông được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn là 1 trong 5 doanh nhân tiêu biểu của tỉnh.

img