Phó Giám đốc Sở TNMT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ thừa nhận, tại vùng nông thôn thành phố đang có một thực tế, nông dân, HTX có nhu cầu rất lớn xây dựng các công trình phụ trợ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp.
Bức bí…
Nhân công sơ chế ớt tại nhà xưởng của HTX Công nghệ cao Mặt Trời Mọc. Ảnh: P.V
"Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách, quy định cụ thể để cơ quan chức năng cấp phép cho người có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ sản xuất trên đất nông nghiệp”. Ông Nguyễn Văn Hây - |
Hiện nhiều HTX đang có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: Nhà lưới, chuồng, trại chăn nuôi, nhà kho để vật tư, nông sản, nhà sơ chế, chế biến sản phẩm… nhưng do vướng quy định chỉ được xây dựng các công trình trên đối với “đất nông nghiệp khác” nên các HTX… bó tay.
Ròng rã nhiều năm cầm đơn đi xin địa phương, sở ngành hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, nhà chứa vật tư trên đất nông nghiệp, nhưng nay, HTX Phước An đã quyết định bỏ cuộc. Trải qua nhiều năm, nhà sơ chế của HTX đã quá cũ, đồng thời diện tích quá nhỏ so với quy mô sản xuất nhưng không thể mở rộng thêm. Trong khi theo quy định chuẩn VietGAP cần phải có nhà kho, nhà sơ chế tại chỗ.
Theo ông Nguyễn Văn Thích -Giám đốc HTX Phước An, vừa qua Sở Xây dựng TP.HCM hướng dẫn nếu muốn xây dựng nhà sơ chế phải chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác. HTX buộc phải tháo dỡ toàn bộ nhà sơ chế cũ, trả lại hiện trạng ban đầu là đất trống mới được chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác nhưng nếu làm vậy lại vướng Luật Đất đai. Ông Thích cho biết thêm, hiện HTX đang muốn xây dựng trụ sở làm việc mới nhưng cũng lại vướng đất đai không đúng quy hoạch.
Theo Giám đốc HTX Phú Lộc - Trần Văn Chánh, muốn chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác thì cơ sở hạ tầng trên đất phải trả nguyên trạng, trong khi hầu hết đất canh tác hiện nay là đất thuê của người dân, càng khiến thủ tục thêm rắc rối.
Bức bí phải xây dựng nhà sơ chế cho HTX, bà Nguyễn Thị Kim Xuân - Giám đốc HTX công nghệ cao Mặt Trời Mọc, đánh liều xây dựng 200m2 nhà sơ chế trên đất nông nghiệp. Mới đây, nhà sơ chế này đã được HTX đưa vào hoạt động. “Mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao của tôi là phải xây dựng nhà sơ chế, nhà kho…, giờ không có làm sao phục vụ sản xuất, phát triển HTX”- bà Xuân thổ lộ.
Lấy Củ Chi làm thí điểm
Tính đến nay, tại 5 huyện của TP.HCM có 44 HTX đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, có 7 HTX tiên tiến. Ngoài ra, thành phố còn có 127 tổ hợp tác nông nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Hây-Trưởng Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, hiện nhiều HTX trên địa bàn huyện đang gặp khó trước việc xây dựng công trình phụ trợ sản xuất vì không thể xây dựng trên đất nông nghiệp. “Nhà nước chưa có cơ chế, chính sách, quy định cụ thể để cơ quan chức năng cấp phép cho người có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ sản xuất trên đất nông nghiệp”- ông Hây chia sẻ.
Cũng theo ông Hây, hiện thủ tục chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất khác để chuyển đổi cơ cấu sản xuất cũng kém hiệu quả do quá rườm rà, thời gian kéo dài… gây khó khăn cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp.
Ông Tống Đức Tiến-Trưởng Phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, cùng với sự chỉ đạo của UBND thành phố và qua ý kiến đóng góp của các sở ngành chức năng, Sở Xây dựng đã làm dự thảo xin ý kiến của Bộ Xây dựng về việc thủ tục, quy định triển khai cấp phép xây dựng các công trình phụ trợ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp. “Sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng, thành phố sẽ chọn một huyện để làm thí điểm trước khi tiến hành đại trà”- ông Tiến thông tin.
Theo Phó Giám đốc Sở TNMT thành phố Nguyễn Thị Thanh Mỹ, huyện Củ Chi sẽ làm thí điểm việc cho xây dựng công trình phụ trợ nông nghiệp trên đất nông nghiệp. “Trước mắt, Sở TNMT đã chuyển văn bản chỉ đạo thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp hay “đất nông nghiệp khác” cho 5 huyện để triển khai, nhằm đẩy nhanh tiến độ giúp bà con nông dân an tâm sản xuất”, bà Mỹ nói.