Dân Việt

Nhà khoa học “chân đất” Trần Ngọc Nam và những kỳ tích

Kiều Thanh 30/05/2019 13:22 GMT+7
Từ một thanh niên làm thuê nhặt cá trên thuyền thành nhà chế tạo máy, đến sản xuất thành công phân bón hữu cơ Obi Ong Biển, chỉ bón phân, tưới nước loại trừ dần phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật ra khỏi đồng ruộng, góp phần nâng tầm thương hiệu gạo Việt. Ông là Trần Ngọc Nam - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam.

Cả đời vì đồng ruộng

Tôi gặp Trần Ngọc Nam khi gió trên những rặng tràm, đước đã nghe ràn rạt, khô ráp, báo hiệu mùa khô miền Tây Nam Bộ vào đỉnh điểm. Ông bắt đầu chuyện về đồng ruộng, nghề sản xuất phân bón hữu cơ của mình khá dài và cũng không kém phần hấp dẫn. Ông vốn gốc gác ở vùng cát bạc “Khoai khoai rành khoai” (Quảng Bình).

Nam mồ côi cha, mẹ từ hồi nhỏ. Học hành dang dở, ông đã phải tha hương mưu sinh, làm thợ hồ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vừa làm vừa học thực tiễn, học trên sách vở nghề cơ khí chế tạo máy, vừa học vừa áp dụng thực tiễn, nhờ vậy, vốn kiến thức được nhen nhóm từ đây.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường tham quan dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ Ong Biển.

Đau đáu với thực tế người nông dân “một nắng hai sương”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng không sao khấm khá nổi bởi quanh năm cứ trong vòng luẩn quẩn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Năm 1996, ông quyết tâm nghiên cứu cho ra đời sản phẩm phân bón hữu cơ khoáng chất, loại bỏ vô cơ, loại bỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật, giúp nông dân thoát nghèo, an toàn sức khỏe, thân thiện môi trường.

Sản phẩm phân bón hữu cơ được thị trường đón nhận. Với bước phát triển vũ bão, tới nay, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Đại Nam đã dần định hình thành “Tập đoàn” với nhiều công ty con và nhà máy trực thuộc trong nhiều lĩnh vực.

Vì nông dân

Nhà máy phân bón hữu cơ khép kín, tự động hoàn toàn từ nguyên liệu, nhào trộn, tách phân loại, đóng gói sản phẩm cho đến bốc xếp hàng hóa vào kho, lên phương tiện đi tiêu thụ.

Ông Nam hào hứng kể: “Tất cả quy trình nhà máy từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến dây chuyền, thiết bị sản xuất đều do tôi tự nghiên cứu, sản xuất, lắp ráp, không hề có một bản vẽ thiết kế hoặc một sự can thiệp từ bên ngoài”.

img

Ông Nam phân tích: Tổng thể dây chuyền thiết bị tự sản xuất lắp ráp này hết trên dưới 700 tỷ đồng. Đặc biệt, dây chuyền không chỉ tiết kiệm về tài chính, không bị thất thoát rơi rớt mà còn tiết kiệm nhân lực, sức lực.

Thành phần phân bón ong Biển cũng do ông mày mò, nghiên cứu mà ra.

img

Toàn cảnh nhà máy phân bón Ong Biển.

Ông Nam nói tiếp: Cả nhà máy sản xuất mỗi ngày hơn 1.000 tấn phân bón đặc hữu mà chỉ có 12 lao động, nghĩa là được tự động hóa gần như hoàn toàn.

Điều ngạc nhiên hơn nữa, nhà máy sản xuất phân bón không hề để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi sinh, môi trường. Từ sân phơi, khu vực sản xuất đến nhà ở, nhà làm việc, tất cả đều sạch sẽ, bóng loáng. Phía trước tòa nhà tiếp khách có một hàng chữ “Bàn tay Việt, Công nghệ Việt” khiến ai đọc được cũng cảm giác tự hào.

Kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Kỹ thuật Đo lường chất lượng 3 (QUATEST 3, TP.HCM) cho thấy, sản phẩm phân bón hữu cơ Ong Biển với 4 chất chính gồm hữu cơ, nitơ tổng (đạm), phốt pho hữu hiệu (lân), kali hữu hiệu đều đạt và vượt so với chỉ tiêu công bố. Sản phẩm được vinh danh tại nhiều triển lãm, hội chợ quốc tế. Ông Trần Ngọc Nam được được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Một số nước như Mỹ, Úc, Thái Lan, Campuchia… mời ông Nam sang chia sẻ kinh nghiệm.

(Còn nữa...)