Dân Việt

Kiên Giang: Mùa khô kéo dài, dưa lê ngọt lừ, cứ 1 công lời 25 triệu

Lê Huy Hải 31/05/2019 15:00 GMT+7
Huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đã xuống giống hơn 512 ha hoa màu, vượt 2,5% kế hoạch với các loại chủ yếu như: dưa gang, dưa hấu, dưa hoàng kim, dưa lê. Mùa khô kéo dài, dưa lê nhiều trái, mã đẹp, ăn ngọt lừ nên hút hàng giá cao. Bình quân cứ 1 công trồng dưa lên nhà nông Kiên Giang lời 25 triệu đồng.

Diện tích này tập trung chủ yếu ở 2 xã Bình Minh và Vĩnh Bình Bắc; trong đó, gần 400 ha đã được thu hoạch với năng suất bình quân 18 - 20 tấn/ha. Địa phương thực hiện trồng dưa theo mô hình sản xuất vụ lúa - vụ màu, lợi nhuận đạt từ 200 triệu đồng/ha trở lên.

Anh Phạm Hùng Em, ấp Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận trồng 4 công (0,4 ha) dưa lê, trừ chi phí lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Phong, ấp Bình Minh thuê 4 công đất trồng dưa lê, trừ chi phí sản xuất, tiền thuê đất lãi khoảng 100 triệu đồng. Đây là 2 nông dân điển hình trong số hàng trăm nông dân trúng mùa dưa lê ở 2 xã Bình Minh và Vĩnh Bình Bắc của huyện Vĩnh Thuận.

Theo anh Hùng Em: “Năm nay, vụ dưa lê trúng mùa nhờ mùa khô kéo dài, không có mưa trái mùa nên dưa phát triển tốt, ít sâu bệnh gây hại, năng suất 35 - 40 tấn/ha. Năm nay, dưa được giá, thương lái mua tại ruộng 5.000 - 8.000 đồng/kg, nông dân phấn khởi”.

Hàng năm vào mùa khô, sau khi thu hoạch lúa Đông Xuân, nông dân tại 2 xã Bình Minh và Vĩnh Bình Bắc chọn đất gò cao, xẻ rãnh để dẫn nước và xuống giống dưa lê theo mô hình sản xuất vụ lúa - vụ màu. Hạt dưa nẩy mầm, bò lan trên mặt đất ruộng và nông dân tập trung chăm sóc, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh gây hại… với vốn đầu tư 7 - 8 triệu/công.

Anh Nguyễn Văn Phong, ấp Bình Minh, xã Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Thuận cho biết: "Vùng đất này trước đây trồng dưa hoàng kim. Nhưng nay, thương lái giới thiệu cung cấp giống dưa lê Đài Loan cho nông dân trồng thử nghiệm, đạt kết quả tốt. Vì vậy, nông dân chuyển sang trồng dưa lê khoảng 5 - 7 năm nay. Giống dưa này thích hợp với thời tiết và điều kiện thổ nhưỡng nơi đây: khí hậu, nguồn nước, đất đai thuận lợi. Vì vậy, trái dưa trồng tại đây có vị ngọt, mùi thơm, giòn, màu sắc bắt mắt được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Dưa lê của địa phương được nhiều thương lái ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác tìm mua."

So với nhiều loại cây trồng khác ở vùng sản xuất U Minh Thượng (Kiên Giang) như: mía, ngô, dưa hấu, dưa gang, dưa hoàng kim, bầu, bí, dưa leo và những loại hoa màu khác, dưa lê được nhiều nông dân tại đây lựa chọn làm loại quả phát triển kinh tế gia đình bởi ưu điểm vượt trội kể trên. Cụ thể, dưa lê thích hợp trên đất ruộng gò cao, dễ trồng, ngắn ngày, ít sâu bệnh, năng suất cao, giá và thị trường tiêu thụ ổn định, giải quyết lao động nông nhàn...

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận, huyện đang quy hoạch, hỗ trợ nông dân trồng dưa lê theo hướng VietGAP để tăng năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm nông sản sạch giá trị kinh tế cao.

Cụ thể, vùng trồng dưa lê được thiết kế, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình canh tác; hỗ trợ vốn giúp nông dân, tạo điều kiện để nông dân học tập kinh nghiệm mô hình trồng dưa theo hướng công nghệ cao, hiệu quả kết hợp với kinh nghiệm sản xuất thực tế trên đồng ruộng; thương hiệu, nhãn hiệu tập thể được xây dựng; từng bước đưa sản phẩm dưa lê vào siêu thị và hướng tới xuất khẩu…