Làm gì đế gỡ khó cho ngành mía đường, để người nông dân trồng mía yên tâm sản xuất, ổn định đời sống? Làm gì để ngành mía đường Việt Nam thoát ra khỏi “bẫy” hội nhập?... Những câu hỏi này sẽ được đặt ra với các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và chính các doanh nghiệp ngành mía đường tại buổi tọa đàm với chủ đề “Làm gì để ngành mía đường vượt “bẫy” hội nhập?”, do Báo NTNN/Dân Việt tổ chức sáng nay 1/6, tại Hà Nội. Sau gần 20 năm ngành mía đường Việt Nam sống chung với định kiến “dù được bảo hộ nhưng mãi không chịu lớn”, đã đến lúc dư luận cần có một cách nhìn khách quan hơn, nhà nước cần có cơ chế, chính sách bài bản hơn để ngành mía đường có thể cạnh tranh, hội nhập công bằng, bình đẳng.
|
Tọa đàm có sự tham dự của đại diện:
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS Nguyễn Đức Kiên; đại diện Bộ Công Thương ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên; đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ông Ngô Quang Tú, Cục chế biến phát triển thị trường nông sản;
Các chuyên gia kinh tế:
TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
TS Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế & Quản lý Trung ương (CIEM)
TS Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp, nông thôn
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp, nông thôn
TS Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp, nông thôn
TS Nguyễn Minh Phong, nhà báo, Phó vụ trưởng Vụ lý luận, báo Nhân dân
Đặc biệt, Tọa đàm có sự tham gia của đại diện Hiệp hội mía đường Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất mía đường:
Đại diện Hiệp Hội mía đường, Doanh nghiệp mía đường:
- Ông Lê Hồng Thái - Phó Chủ tịch HHMĐVN; Trưởng tiểu vùng các NMĐ khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long; Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP MĐ Cần Thơ, TGĐ Công ty CP MĐ Kontum.
- Ông Trần Ngọc Hiếu - Phó chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP MĐ Sơn La; Chủ tịch HĐQT Công ty CP MĐ Sóc Trăng; Chủ tịch HĐQT Công ty CP MĐ Trà Vinh.
- Ông Đặng Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP MĐ Sơn La, Chủ tịch HĐQT Công ty CP MĐ Kontum, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty MĐ Tuy Hòa
- Ông Nguyễn Văn Lộc - Nguyên TGĐ Công ty Đường Biên Hoà; Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP MĐ MK, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn MĐ Lộc Hằng.
Đại diện các đoàn ĐBQH:
- Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng
- Ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Cùng đông đảo các PV các cơ quan báo, đài tham dự và đưa tin.
Ông Phan Huy Hà, Phó Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo NTNN/báo Dân Việt, ông Phan Huy Hà cho biết: Trong bối cảnh ngành mía đường nước ta đang chịu nhiều sức ép từ tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cạnh tranh quyết liệt của cây trồng khác; tình trạng khan hiếm và thiếu lao động trong nông nghiệp; tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường ngày càng gia tăng… thì việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA theo lộ trình từ 01/01/2020 chắc chắn sẽ càng tạo ra những áp lực lớn đối với ngành mía đường.
Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế là phù hợp, là xu thế tất yếu. Tuy nhiên tiến trình hội nhập cần bảo đảm thực hiện có hiệu quả, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch cho các doanh nghiệp. "Buổi tọa đàm với chủ đề: Làm gì để ngành mía đường vượt “bẫy” hội nhập? do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức hôm nay sẽ góp một phần gỡ khó cho ngành mía đường.
TS. Nguyễn Đức Kiên
Với vai trò cùng điều hành buổi Tọa đàm, TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Buổi Tọa đàm ngoài việc đưa ra thực trạng và khó khăn của ngành mía đường trong quá trình hội nhập thì các đại biểu sẽ cùng trao đổi để tìm ra được những nhóm giải pháp hỗ trợ để ngành mía đường vượt qua những khó khăn trong thời gian tới.
Ông Lương Hoàng Thái phát biểu tại buổi Tọa đàm
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Việc bảo hộ cũng phải có chọn lọc và thời gian cho một số ngành mà chúng ta ưu tiên. Một số ngành đã được áp dụng thuế quan, trong đó có đường, muối, trứng gia cầm, thuốc lá được áp dụng thuế quan. Những ngành này đều có tác động tới người nông dân.
Với diêm dân thì thế giới không coi là nông dân, tuy nhiên ở Việt Nam chúng ta thì khác. Chúng ta tham gia ASEAN năm 2016, đúng thời điểm chuẩn bị bỏ hạn ngạch thì có một số vướng mắc. Về chương trình thuế cho mía đường, Bộ đều có báo cáo với Chính phủ, tham vấn với các bộ ngành, các đối tượng có liên quan.
Trong khuôn khổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã vận động từng nước ASEAN, mặc dù bước đầu chưa được đồng ý ngay nhưng chúng ta vừa áp dụng và vừa thực hiện những công tác khác. Cuối cùng, họ đã đồng ý cho chúng ta kéo dài đến 1/1/2020. Mặt hàng đường là mặt hàng cuối cùng được áp dụng hạn ngạch thuế quan cho các nước Asean. Mặt hàng đường là một loại mặt hàng phức tạp.
Đến 1/1/2020, nếu chúng ta tiếp tục vi phạm cam kết, khả năng rất cao sẽ trừng phạt thương mại đối với Việt Nam. Ngoài ra, nếu trong trường hợp vi phạm, vi phạm lại, trong 90 ngày người ta sẽ trả đũa ngay theo quy định ở hiệp định. Từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam chưa bao giờ bị kiện. Chúng ta thực hiện các quy định rất nghiêm túc và đúng pháp luật.
Ông Lê Hồng Thái
Ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho rằng: Trước khi Ký Hiệp định thương mại, chúng ta chưa đánh giá đầy đủ về ngành mía đường, đưa ra thời điểm hội nhập 1/1/2020. Trước hết chúng ta còn ngộ nhận, ngành mía đường hiện nay không phát triển, còn chờ vào chính sách nhà nước.
Thế nhưng, thứ nhất, chương trình 1 triệu tấn đường của Chính phủ, hình thành 44 nhà máy và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước năm 90, chúng ta phải nhập khẩu cả tỷ USD để phục vụ cho tiêu dùng. Nhưng khi có 44 nhà máy này, hơn 1 triệu tấn đường theo chương trình của Chính phủ đã đáp ứng nhu cầu cho xã hội, không phải nhập khẩu, nhập siêu, tiết kiệm được tiền cho Nhà nước.
Thứ hai, ngành mía đường đưa cây mía vào vùng sâu vùng xa, biên giới, không đường giao thông, mở đường cho nông dân trồng mía; đảm bảo giá mía đảm bảo cuộc sống cho nông dân.
Vậy sau hội nhập điều gì xảy ra? Thứ nhất, hàng triệu người nông nhân không có việc làm. Người dân kiến nghị dừng Hội nhập. Mía ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên nhưng ngành mía đường của mình còn manh mún, chi phí cao cho nên người dân chưa thỏa mãn cho nên nông dân cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Thứ hai, nước ta phù hợp với cây lúa và hoa màu; tập tục của người dân mình chịu thương chịu khó… Người nông dân giàu lên bằng cây mía. Đặc thù nước mình là manh mún, chưa đưa máy móc vào, chi phi còn cao, cho nên lợi luận chưa cao.
Do đó, cần có cơ chế chính sách nhà nước hỗ trợ… Khẩn thiết đề nghị Chính phủ phải thận trọng, đánh giá toàn diện làm sao đảm bảo được đời sống nhân dân khi đưa hội nhập vào.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp, nông thôn cho biết: Chương trình hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt trong Hiệp định Atiga và riêng mía đường chấp nhận hội nhập, cạnh tranh, nhưng giá thành sản xuất cao hơn nhiều so với khu vực. Giá thành sản xuất cao là do giá nguyên liệu, giá mía; hạn chế trong sản xuất trong giống, điều kiện quy mô, liên quan đến nhiều vấn đề… Chưa có những doanh nghiệp có những quy mô đủ lớn, hay tận dụng đủ các phế phẩm…
Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp rất chặt chẽ với hiệp hội mía đường, quyết định ngày 18/4/2018, quyết định của Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu rất nhiều đề xuất của Hiệp hội mía đường, một số nội dung chính của quyết định này, hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang có kế hoạch hành động để triển khai quyết định 1369 về Phê duyệt đề án phát triển mía đường Việt Nam đến 2020, hướng đến 2030.
Sau khi có quyết định này, có luôn một kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh ngành mía đường đến 2020. Làm sao để mía đường phát triển tổng thể, khai thác có hiệu quả… Phù hợp với hội nhập quốc tế, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Mục tiêu đến 2020 ổn định diện tích trồng mía, sản lượng mía 20 triệu tấn, đường là 2 triệu tấn… Chủ yếu là tăng năng suất để ổn định chất lượng, tăng sản lượng.
Trong đề án có những công việc rất cụ thể, phân làm 3 loại vùng khác nhau. Từ đó có những áp dụng. Năm 2018, đã ra một loạt 8 Nghị định của Thủ tướng cho riêng ngành mía đường, từ Nghị định 57 khuyến khích doanh nghiệ p đầu tư nông nghiệp nông thôn, đến Nghị định 116 về câu chuyện đổi mới tín dụng ngành nông nghiệp, liên kết hợp tác xã… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng rất đồng ý với đề xuất Hiệp hội mía đường có đề xuất nghiên cứu để chính phủ ban hành nghị định về sản xuất kinh doanh mía đường, tạo hành lang pháp lý điều chỉnh quan hệ sản xuất kinh doanh mía đường có chính sách hỗ trợ ngành đường phát triển.
Quan điểm chung khi chúng ta hội nhập quốc tế phải tận dụng được những lợi thế của mình và thúc đẩy năng lực cạnh tranh… Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rất đồng ý, khuyến khích cho hội mía đường lập quỹ phát triển mía đường để hỗ trợ người trồng mía, phù hợp với cơ chế thị trường. Đây là những ý chính trong đề án phát triển mía đường đến năm 2020
Ông Thạch Phước Bình
Ông Thạch Phước Bình – Phó Trưởng đoàn ĐBQH Trà Vinh Tôi từng làm Chủ tịch huyện Trà Phú nơi tập trung nhiều mía đường ở Trà Vinh nên nắm rất rõ thực trạng mía đường ở địa phương. Hiện tỉnh Trà Vinh có khoảng 4.500 - 5.000 ha diện tích đất trồng mía đường. Thời gian qua, đời sống của người dân và công ty mía đường phát triển rất tốt và là một trong ngành mũi nhọn của tỉnh.
Tuy nhiên, gần đây giá mía giảm sâu khiến đời sống bà con vô cùng khó khăn. Từ 4.500ha giảm xuống còn 3.500ha, điều này khiến nguyên liệu cung cấp cho nhà máy trên địa bàn tỉnh giảm nên phải nhập của các nơi khác.
Hiện chi phí đầu tư của bà con với mỗi 1.000m2 gồm chi phí chăm sóc, phân bón khoảng 7 triệu đồng nhưng với giá bán 800 đồng thì chỉ được khoảng 3-4 triệu nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Hiện bà con nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, nhiều hộ phải cầm cố đất đai. Thậm chí có tình trạng người dân đã bỏ mặc mía đường vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, nhưng việc này không hề đơn giản.
Một số nông dân đã dùng đất trồng mía để đào ao nuôi cá lóc nhưng nuôi cá lóc lại bấp bênh, nhiều rủi ro và không thể quay lại trồng mía được nữa. Cho nên bà con đề xuất Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề này.
Tôi rất quan tâm đến giải pháp trong đề án Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu và đề nghị các anh nên làm ngay để bà con nông dân đỡ khổ. Có thể nói, nghề trồng mía trở thành nghề truyền thống “cha truyền con nối”, bà con nông dân làm giàu từ cây mía nhưng giờ trở thành hộ tái nghèo.
TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế & Quản lý Trung ương (CIEM): Trong quá trình hội nhập, 3 ngành chúng ta vương vấn nhất cả tích cực lẫn tích cực đó là mía đường, thép và ô tô. Riêng với ngành mía đường, chúng ta đừng lật lại mục tiêu 1 triệu tấn đường là đúng hay sai hay 20 năm qua chúng ta đã làm gì? Chúng ta phải hướng tới việc trong vòng 3 - 6 tháng tới chúng ta sẽ phải làm gì?
Tôi cho rằng, thực sự mục tiêu 1 triệu tấn đường như vẫn nói là giải quyết vấn đề của nông dân. Đây là tư tưởng của Việt Nam và các quốc gia. Vấn đề cơ bản đó là hội nhập, mà hội nhập kéo dài đó là vấn đề người nông dân. Câu hỏi lớn nhất, liệu chúng ta có giải quyết vấn đề của người nông dân bằng mía đường không? Nếu từ mía đường thì làm thế nào để người nông dân có thể sống bằng mía đường, phát triển bằng mía đường…? Nếu chúng ta không làm được tất cả những điều đó thì phải điều chỉnh và chuyển hướng. Thứ 2, trong 1 năm hay 6 tháng tới, theo tôi tinh thần chung của mía đường phải tự mình là chính, trước khi tính đến câu chuyện đàm phán lại.
Chúng ta không đổ lỗi 20 năm qua chúng ta chậm hay nhanh mà phải chúng ta phải tự chủ. Có nghĩa rằng, chậm nhất 3 tháng tới các anh phải chỉ ra được khó khăn thực sự của ngành mía đường để cứu ngay lập tức. Nhà máy nào chết và cái chết ấy nằm ở đâu? Chết vì nhập khẩu theo hạn ngạch hay vì nhập lậu? Nếu nhập lậu thì chúng ta có giải pháp hay không? Nghiên cứu này không tỉ mỉ nhưng cần thiết để cứu khó cho ngành mía đường trong bối cảnh hiện nay và cũng là cái để đặt nên bàn nếu phải tiến tới phương án đàm phán lại.
TS Võ Trí Thành: Đồng thời, chúng ta cần phải rà soát lại các quyền hỗ trợ hiện nay của chúng ta dành cho ngành nông nghiệp, dành cho người nông dân. Nghèo đói ta có quyền hỗ trợ, trợ cấp vận tải... Trên cơ sở nghiên cứu này để có những giải pháp ổn định xã hội. Điều này tôi nghĩ chúng ta có thể làm ngay được. Trong trường hợp phải tiến tới đàm phán lại, theo tôi đây không phải là vấn đề mới. Trước đây chúng ta cũng từng có tiền lệ với ngành ô tô. Bộ Công Thương cần nghiên cứu lại để từ đó có những chuẩn bị cho việc đàm phán lại.
Trong đàm phán, luôn có sự đánh đổi được cái này thì chúng ta sẽ phải mất đi những cái khác. Sự chuẩn bị của Bộ Công Thương sẽ rất quan trọng.
TS. Đặng Kim Sơn
TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp, nông thôn: Trước hết, tôi quay lại ý anh Thái nói lúc đầu. Hôm nay, chúng ta nói câu chuyện hội nhập hay không hội nhập thì đã lỗi thời. Việc Việt Nam hội nhập với kinh tế quốc tế là một thành tựu vĩ đại. Tôi tham dự các cuộc đàm phán gia nhập AFTA, WTO. Ở đó, mình là vai người tới sau, còn nhiều nước đã tới trước. Trong đàm phán, nhiều nước bảo vệ nông nghiệp trước, bảo vệ tới cùng, còn Việt Nam thì không, chúng ta bảo vệ công nghiệp.
Tôi cho rằng cái Việt Nam bảo vệ kiên quyết nhất là mía đường. Nhưng kéo dài thời gian bảo vệ thì không hợp lý. Khi trở về từ bàn đàm phán, nhiều nước bảo nông nghiệp Việt Nam sẽ không đứng vững. Nhưng ngược lại, chúng ta đã đứng vững và vươn lên trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu. Trong đó, ngành chăn nuôi và và mía đường đã thay đổi quyết liệt, với sự tham gia của nhiều DN, trong đó có cả DN FDI. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao như Thành Thành Công, mía đường Lam Sơn. Thậm chí sản xuất cả cồn, vi sinh từ mía đường. Đổi mới ngành mía đường là bước tiến rất quan trọng. Nhưng về phía Nhà nước, chính sách đưa ra thì tốt nhưng thực hiện thì chậm. Không có hợp tác xã thì không thể làm được, như nhiều nông dân không có hợp tác xã đã gặp rất nhiều khó khăn.
Các nước trên thế giới thành công dựa nhiều vào hiệp hội ngành hàng, nơi doanh nghiệp, Nhà nước, nông dân cùng tham gia. Còn chúng ta thì chật vật. Tôi cho rằn hạ tầng cơ sở là cơ chế thị trường thì thượng tầng cũng phải là cơ chế thị trường. Hiệp hội phải là hiệp hội thật, có sự tham gia của doanh nghiệp. Về công tác giống, không chỉ riêng ngành mía đường, mà ngành cây ăn quả, rau còn chưa làm chủ được giống. Ngay tới con lợn cũng chông chờ vào DN giữ giống. Ngành an ninh nông nghiệp rõ ràng chúng ta còn nhiều điều chưa làm được.
TS Đặng Kim Sơn cho rằng: Trong quá trình đàm phán hội nhập, chúng ta có một nguyên tắc, định hướng về cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, cái gì yếu thì nhập, cái gì mạnh thì xuất. Vì vậy mà xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt tới con số xuất khẩu 40 tỷ USD. Ngành gạo ngày mới hội nhập cũng lo không cạnh tranh được với Thái Lan, rồi chúng ta vẫn vượt qua.
Với ngành mía đường, phải cơ cấu tập trung, vùng nguyên liệu nào, doanh nghiệp nào mạnh thì tập trung nguồn lực phát triển, ngành nào, vùng nguyên liệu nào cần phải chuyển đổi mô hình phát triển. Giải quyết khó khăn của nông dân, cứu nông dân trước, rồi hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp chết thì ngân hàng chết, ngân hàng chết thì Nhà nước khó khăn. Nếu giờ nói chuyện khởi kiện, đấu tranh về mặt đàm phán như Bộ Công Thương đã nói, chúng ta có nhập khẩu thì mới có tác động bất lợi tới mình. Phải tìm bằng chứng vài năm mới chứng minh được chuyện phá giá, vi phạm luật chơi.
Về dài hạn, Nhà nước phải làm tròn vai trò của mình. Hiện tại, chúng ta đang tái cơ cấu nông nghiệp, giảm tỉ trọng mía, cao su, điều chỉnh lại tỷ trọng chăn nuôi, các ngành hàng đó còn khó khăn hơn mía đường rất nhiều. Nhưng cái giá của chuyển đổi là chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thuỷ lợi, thị trường thì cần có thời gian. Nếu chúng ta làm căn cơ như vậy thì phải có nghiên cứu khoa học cẩn thận, địa bàn nào, đối tượng nào chịu tác động? Phải xử lý bằng biện pháp ngắn hạn thế nào, dài hạn ra sao? Tôi và anh Thành, anh Thiên đã sang Cu Ba, khó khăn của mía đường Cu Ba không phải hội nhập mà cơ chế quản lý cũ kỹ theo cách quản lý nông trường trước khi, nông dân không có động lực sản xuất, phát triển.
Ông Nguyễn Văn Lộc
Ông Nguyễn Văn Lộc, nguyên TGĐ Công ty Đường Biên Hoà, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP MĐ MK, Giám đốc Công ty TNHH tư vấn MĐ Lộc Hằng bày tỏ quan điểm của người gắn bó với người trồng mía đường nên tôi nhận thấy, lịch sử ngành đường đã chứng kiến cái chết lịch sử.
Thứ nhất, từ những năm 1980, 1990 Cuba đã xuất khẩu 8 triệu tấn đường mỗi năm. Ngành công nghiệp mía đường Cuba lúc đó họ nhận được trợ cấp toàn bộ của khối xã hội chủ nghĩa. Trình độ cơ giới hoá, trình độ hợp tác xã, trình độ thực phẩm mía đường họ đã đạt rất cao. Sau khi khối xã hội chủ nghĩa tan rã, ngành mía đường bước vào thế giới, tưởng rằng với những lợi thế mình đang sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Nhưng kết quả sau hội nhập lại bị “chết” tức tưởi. Cuba những năm trước xuất khẩu chiếm 20% lượng đường thế giới nhưng đến nay lại không đủ ăn. Nguyên nhân, do giá đường trên quốc tế thấp hơn giá thành sản xuất. Sau khi trụ được 2 năm thì ngậm ngùi đóng cửa.
Tôi sang Cuba cách đây vài năm thì cái ấn tượng đập vào mắt là các nhà máy bỏ hoang, nông dân không có việc, cánh đồng mía bạt ngàn… Thứ hai, trong ngành đường thế giới, duy nhất có một quốc gia có lợi dám tuyên bố sẽ đứng vững sau hội nhập là Australia. Nhưng đầu tháng 1/2019, ngành mía đường nước này đã phải phát đi một văn bản cầu cứu Chính phủ.
Hiện nay, 3 ông lớn sản xuất mía đường là Thái Lan, Philippin và Indonesia họ hội nhập như thế nào? Đối với Thái Lan, khi Hiệp hội mía đường mía thuê công ty tư nhân điều tra về chính sách thì mới bộc lộ thực chất là gian lận thương mại. Sau 3 năm thu thập mới có đủ bằng chứng rồi đưa cho Brazin kiện song đến nay vẫn chưa giải quyết xong vì nhiều lý do.
Ông Lộc cho biết thêm: Đối với hai nước còn lại, trong báo cáo mới nhất của Hiệp hội mía đường Mỹ không có chuyện đường tự do vào Philippines và Indonesia. Hai nước này sống chết đảm bảo đời sống người dân trồng mía thông qua giá đường.
Theo đó, họ quy định giá đường gắn với giá mía, đồng thời kiểm soát được giá đường và giá mía trong nước. Về kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xét về mặt thực tế hoạt động nông nghiệp trong nước mình ngành mía đường bình quân 0,72 hộ, với cơ chế hiện nay thì chúng ta có làm 10-20 năm nữa số lượng cánh đồng lớn chỉ chiếm nhiều nhất chỉ 5-10%.
Tôi nghĩ rằng, nông dân Việt Nam hiện nay theo báo cáo của thế giới chúng ta đang ở mức sản xuất mía đường đường ngang ngửa với các nước trong khối ASEAN hiện nay chúng ta đang nhập. Nếu nông dân chúng ta có điều kiện như nông dân Philippin và Indonesia thì chúng ta cứ hội nhập. Còn không, ngành mía đường của chúng ta sẽ chết ngay lập tức. Cách đây 1 năm, các DN mía đường đã tuyên án tử với mình. Nghĩa là, giá mía dưới 800.000 đồng thì nông dân lỗ. Thời gian qua, do đường nhập lậu ồ ạt tràn vào nước ta không kiểm soát được nên khiến giá mía đường giảm, chúng ta không kiểm soát được.
PGS.TS. Trần Đình Thiên
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên viện trưởng viện kinh tế Việt Nam cho rằng: Chuyện của chúng ta từ trước đến nay là cứ phải rơi vào “bẫy” rồi mới làm mới bàn để tìm giải pháp. Ngành mía đường cũng tương tự, chỉ còn 6 tháng nữa mới lôi ra mổ xẻ. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không bàn mà chúng ta vẫn phải làm, phải tìm giải pháp.
Chúng ta cần phải nhìn nhận từ năng lực của ngành cho tới đối thủ cạnh tranh hiện nay của ngành mía đường. Thứ nhất, về năng lực của ngành mía đường so với đối thủ. Chúng ta cần xác định được năng lực cạnh tranh của chúng ta đang ở đâu so với đối thủ cạnh tranh. Nếu năng lực của ngành thấp, làm mía đường có hay không? Nếu không mang lại thu nhập cho người nông dân như kỳ vọng thì chúng ta phải rút người nông dân ra. Đi với đó là tái cấu trúc, chuyển đổi cấu trúc… Trước đây, Việt Nam đặt ra mục tiêu 1 triệu tấn đường để mang lại công việc cho ngời nông dân. Nếu bây giờ mở cửa hội nhập thì 1 triệu tấn chúng ta phải tính lại xem trực tiếp là diện tích này là bao nhiêu, cần bao nhiêu? Nhà máy nào sống được, nhà máy nào không làm được? Ngoài ra, chúng ta còn phải tập trung tái cơ cấu theo hướng mở rộng là như thế nào để tăng hiệu quả? Mía thì làm được gì ngoài đường, mình cũng phải tính?
Tôi lấy ví dụ như, Hoàng Anh Gia Lai trồng mía bên Lào có tốt không, có mang về Việt Nam được không? Nếu bên Lào làm được thì sao Việt Nam không làm được. Phải kiểm điểm lại, chứ không phải cái hay mà bỏ qua? Tôi cũng đồng ý với ông Võ Trí Thành, phải sáp nhập các nhà máy, liên kết để phát triển thậm chí là cho phá sản nhiều doanh nghiêp làm không hiệu quả. Với đối thủ cạnh tranh, chúng ta cần phải xác định đối thủ là ai, chiêu thức là gì để nâng cao năng lực của chúng ta. Chiêu thức của đối thủ để ta có chiêu đối lại phù hợp.
Đơn cử như với Thái Lan, ta có thể đàm phán với họ để tạo ra sức mạnh cùng phát triển. Chỉ có điều, khi Thái Lan có chiêu thức mà không thể dùng được nhưng họ vẫn phải tiếp tục dùng, đó là điều kiện để chúng ta thỏa thuận với họ. Đây là sự sống còn của ngành mía được, chúng ta cần phải quyết liệt mới có thể giải được bài toán này.
TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế cho rằng: Mía đường là ngành quan trọng, không chỉ với nông nghiệp,nông dân để từ đó sẽ tạo cơ sở cho chúng ta quyết liệt quy hoạch lại ngành trong bối cảnh hiện nay.
Theo đó, tôi khái quát một số giải pháp như sau: Chúng ta nói Thái Lan có bảo hộ vậy thì sao Việt Nam không làm. Chúng ta cũng áp dụng được những biện pháp không thua kém nước ngoài. Chúng ta đưa ra những giải pháp bảo hộ cần thiết phù hợp và khả thi. Nếu chúng ta không làm được điều đó là lỗi của ngành Công Thương.
Về vấn đề buôn lậu, nếu Quốc hội họ không ra được luật đó là lỗi của Quốc hội. Chúng ta phải có luật xử trách nhiệm cá nhân trong buôn lậu. Đồng thời, phải quy hoạch ổn định ngành mía đường tương đương với quy hoạch an ninh lúa gạo, ngăn chặn tự phát gắn với chính sách, chuỗi công nghiệp chế biến. Cần phải thực hiện hỗ trợ cho ngành mía tất cả các khía cạnh từ giống, tiêu dùng, xuất khẩu…
Ngoài ra, chúng ta phải mở rộng hợp tác quốc tế. Tăng cường hợp tác trong nước để tái cơ cấu ngành mía đường. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các sản phẩm từ mía đường, đặc biệt là về sản phẩm năng lượng.
TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp, nông thôn: Sau này chúng ta chấp nhận Atiga, nếu Thái Lan có hành vi không lành mạnh, chúng ta sẽ có cơ chế để làm việc với họ. Đây là chuyện Bộ Công thương nên lưu ý.
Doanh nghiệp và hiệp hội mía đường có 2 điểm rất cần lưu ý để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lực cạnh tranh, đó là, hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp với người dân chưa rõ nét, chưa mạnh. Một phần là do hợp tác xã của ta còn nhỏ, yếu, do vậy, doanh nghiệp nên tính tới phương án trực tiếp tham gia cùng hợp tác xã. Có nghị định 98 của Chính phủ, hỗ trợ các hình thức hợp tác, liên kết trong nông nghiệp.
Nếu chúng ta sản xuất bài bản, chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp thì chúng ta sẽ có được mức giá cạnh tranh. Thứ 2, thời gian tới có rất nhiều chương trình dự án, nghị định của Chính phủ, doanh nghiệp mía đường hoàn toàn có thể tìm hiểu, có nhiều cơ chế hỗ trợ, kể cả về vốn. Lần đầu tiên có giải ngân quỹ tín dụng thông qua chuỗi giá trị, doanh nghiệp lưu ý cần để vay, không phải vay thế chấp cho khó khăn để làm sao tạo liên kết tốt nhất với người nông dân.
Ông Lương Hoàng Thái, Bộ Công Thương cho rằng: Cái chúng ta đang nhìn vào là biện pháp hạn ngạch thuế quan áp dụng cho các nước ASEAN. Điều kiện ngành đường rất yếu và họ đồng ý năm 2018 chúng ta là nước cuối cùng trong nhóm, ngành đề nghị. Chúng ta vận động rất cao, đàm phán, họ đồng ý 2 năm gia hạn. bây giờ chúng ta tiếp tục nói gia hạn rồi nhưng vẫn yếu, liệu có được không? Đầu tiên đi đàm phán là phải đánh đổi, các mặt hàng khác đưa thuế về 0 rồi, đường là mặt hàng cuối cùng chúng ta bảo hộ. Đổi thì ông Thái Lan có quan tâm xuất mặt hàng này không, doanh nghiệp Thái Lan có đồng ý không?
Thứ 2, chúng ta còn cách để cho họ tăng thuế đối với một mặt hàng nào đó, liệu chúng ta có chấp nhận để họ tăng thuế gạo hay gì đó với chúng ta không? Tại sao họ dùng các biện pháp chơi đánh dưới thắt lưng, không hẳn vậy, tất cả các công cụ trợ cấp các nước được phép. Ta cũng được quyền áp dụng tương tự. Họ áp dụng biện pháp đó mà xuất sang ta gây ảnh hưởng sản xuất trong nước thì ta có thể có những biện pháp phòng ngừa thương mại. Chúng tôi khẳng định là, không bao giờ Chính phủ để một ngành lớn như ngành đường chết.
Ông Đặng Việt Anh
Ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP mía đường Sơn La, Chủ tịch HĐQT Công ty CP MĐ Kontum, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty MĐ Tuy Hòa: Thực tế hiện nay, đường lậu và gian lận thương mại. Nguyên nhân là do giá đường của Việt Nam cao hơn Thái Lan.
Có thể thấy, với ngành mía đường dù nhà máy không lớn nhưng lại có hiệu quả và độ phù hợp. Sơn La khi chúng tôi đến là một nhà máy thua lỗ, vùng đất đồi núi bạc màu, dân không trồng lúa nữa, không thể cơ giới hoá, không sông ngòi, năng suất bình quân là 40 tấn mía/ha. Chúng tôi đã chủ động đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật... đảm bảo năng suất trồng mía, thu nhập cho bà con. Điều này cũng tạo ra sự ổn định cho công ty mía. Trước đây, năng suất trồng mía bình quân là 40 – 45 tấn/ha. Hiện nay, với quy mô sản xuất nông hộ nhưng vẫn có năng suất 70 tấn/ha tại các vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn.
Trong khi đó, so với Thái Lan, điều kiện của họ tốt hơn nhiều, thậm chí còn được nhà nước hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía… nhưng họ mới chỉ đạt được 72-75 tấn/ha. Khi chúng tôi tiếp quản là 1.500 tấn/ ngày, đến nay, nhà máy đường Sơn La hiện nay có công suất 5.000 tấn mía/ ngày. Cũng thời điểm tiếp quản có 2.000 ha đất trồng mía, thì hiện nay đã có hơn 10.000 ha trồng mía và hơn 14.000 hộ gia đình tham gia trồng mía cho nhà máy.
Điều này lần nữa khẳng định việc sản xuất khối lượng đến cánh đồng mía chúng ta không thua kém ai. Nhưng nếu được hội nhập một cách công bằng thì chúng tôi sẽ "đuổi" đường Thái Lan về nước.
Ông Việt Anh, Chủ tịch HĐQT nhà máy đường Sơn La cho biết thêm: Giá đường Việt Nam cao hơn Thái Lan là do ngành mía đường Việt Nam phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng của Thái Lan dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn từ nhiều thập kỷ nay.
Theo tính toán dựa trên báo cáo của Hiệp Hội Mía Đường Mỹ thì Chính phủ Thái Lan trợ giá tối thiểu 1.5 tỉ USD/năm, tương đương 3.000 đồng/kg cho ngành Mía Đường.
Gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng hơn trong 02 năm vừa qua việc buôn lậu gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn, trắng trợn, công khai đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ và nông dân chưa biết trồng cây gì thay thế.
Hội nhập trong hoàn cảnh cạnh tranh bất bình đẳng và gian lận thương mại từ Thái Lan vào thời điểm này sẽ đẩy nông dân và các nhà máy vào “tử địa”. Các hộ nông dân trồng mía, doanh nghiệp chế biến đường chắc chắn sẽ chịu tổn hại to lớn, thậm chí ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ bị "xoá sổ". Thị trường của gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào đường nhập khẩu từ Thái Lan. Câu hỏi đặt ra là nếu Thái Lan khống chế được thị trường đường Việt Nam thì người tiêu dùng và khách hàng chế biến công nghiệp sẽ phải mua đường với giá đắt đỏ hay giá rẻ?
Như vậy, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng nhất thiết phải tính toán, phân tích một cách đầy đủ, sâu sắc hệ lụy của việc thực hiện Hiệp định ATIGA đến lợi ích của quốc gia, người nông dân, đồng bào trồng mía, công nhân lao động và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần xác định một lộ trình thực hiện cam kết ATIGA phù hợp, dựa trên các nguyên tắc công bằng, minh bạch, đảm bảo hài hoà lợi ích hợp pháp của quốc gia, các bên liên quan và ổn định an ninh, kinh tế, chính trị tại các địa phương.
Cụ thể trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn này, các cơ quan chức năng xem xét tạo điều kiện 05 năm cho các nhà máy đường Việt Nam cùng nông dân khôi phục lại vùng nguyên liệu, ổn định sản xuất và an sinh xã hội địa phương, tái cân bằng vị thế với Thái Lan. Và lộ trình sau 05 năm nữa sẽ thực thi Atiga trên cơ sở tái đàm phán với Thái Lan về hạn ngạch và mức thuế nhập khẩu 20-25% như các nước Indonesia và Philipines đã làm (hiện nay cả Indo và Philippines đã thực thi Atiga nhưng đều khống chế hạn ngạch và thuế suất nhập khẩu 5% và 10%). Do vậy 05 năm là khoảng thời gian để khôi phục cây mía, đảm bảo sinh kế cho nông dân đồng thời đánh giá tác động toàn diện của Atiga cũng như tính toán mức thuế và hạn ngạch khi thực thi Atiga
TS. Nguyễn Đức Kiên
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội: Hội nhập kinh tế quốc tế là thành quả vĩ đại của Đảng, Nhà nước. Trong quá trình hội nhập, chúng ta đã thu được nhiều thành công, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Riêng với ngành mía đường, trong quá trình đổi mới đã có những đóng góp đáng ghi nhận cho ngành nông nghiệp, đóng góp cho quá trình xoá đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Nhưng phải đặt bối cảnh ngành mía đường trong năm 2020, chúng ta là Chủ tịch ASEAN, mong muốn trở thành Uỷ viên không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc, cũng là năm của đại hội Đảng các cấp cơ sở. Dù còn nhiều nhận thức khác nhau, nhưng cây mía là cây góp phần xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, vấn đề như hiệp hội mía đường đặt ra, với chương trình hành động của các cơ quan quản lý Nhà nước, song như các chuyên gia nói, từ chương trình tới cuộc sống còn độ trễ. Chúng ta tính toán về mặt con số rất đúng, nhưng áp dụng vào một con người, một địa phương lại rất khác.
Những vấn đề đặt ra với dự phòng về phương án chống hay chống đường lậu thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Cùng với Bộ chuyên ngành, chúng tôi sẽ nắm bắt tình hình, nghiên cứu, căn cứ vào đó khuyến nghị cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Từ 1/1/2020 chỉ là một phần của Hiệp định AGITA, là bỏ hạn ngành với ngành đường. Thay mặt lãnh đạo Báo Nông thôn Ngày nay, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, xin cảm ơn các quý vị đại biểu đã tới tham dự buổi toạ đàm hôm nay.
Sau hơn 3 giờ trao đổi, thảo luận rất sôi nổi giữa các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách cùng đại diện các doanh nghiệp ngành mía đường...kết luận những nội dung quan trọng của buổi Tọa đàm, TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Chúng ta không phản đối chuyện hội nhập, nhưng phải đặt hoàn cảnh nguồn lực kinh tế đất nước để trợ cấp trực tiếp cho người nông dân có hạn. Chúng ta phải phối hợp với nhau, cùng tư vấn của các chuyên gia, cùng hiệp hội đại diện cho các nhà sản xuất mía đường. Chúng tôi hi vọng sự liên kết của các doanh nghiệp, những mô hình như của Sơn La, KonTum hỗ trợ cho cây giống, vật tư, bảo đảm thu mua với giá có lãi là mô hình phải nhân rộng. |