Dân Việt

Ly kỳ Nam Bộ: Cuộc "đụng độ" không cân sức với cả ổ rắn khổng lồ

Hoàng Thám 14/06/2019 05:45 GMT+7
Mới đây, các công nhân và kỹ sư người Ấn Độ khi tham gia lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời dưới chân núi Cấm (thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên- An Giang) đã phát hiện và bắt được cả ổ rắn hổ mây, gồm rắn đực, rắn cái và một số rắn con. Trong đó có 2 con rất to mỗi con nặng khoảng 18kg và dài đến 4m.

img

Sinh thời, ông Ba Lưới từng “đụng độ” rắn hổ mây khủng.

Rắn khổng lồ ở vùng Thất Sơn

Thất Sơn hay Bảy Núi là tên gọi vùng bán sơn địa thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang) ngày nay. Vào những năm 60 trở về trước của thế kỷ XX, Thất Sơn còn rất hoang vu với rừng rậm bạt ngàn, đầy lam sơn chướng khí và có nhiều thú dữ.

Vào năm 2016, chúng tôi đã từng được tiếp xúc với ông Ba Lưới (tên thật là Nguyễn Văn Y). Ông là một đạo sĩ nổi tiếng và cuối cùng còn lại của Thất Sơn lúc ấy (103 tuổi, vừa mới mất năm 2018, thọ 105 tuổi).

Năm ấy, chúng tôi đi bộ lên núi Cấm, luồn rừng, len lách qua những sơn đạo khá hiểm trở, tìm đến nhà ông Ba Lưới ở ấp Thiên Tuế (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên). Nhà ông ở giữa rừng cây u tịch, sầm uất. Ông Ba Lưới dáng người thanh mảnh, nhanh nhẹn, râu tóc bạc phơ, trông rất tiên phong đạo cốt! Tinh thần vẫn còn minh mẫn!

Có thể nói ông Ba Lưới là một huyền thoại sống của Thất Sơn kỳ bí. Ông đã từng đánh hạ nhiều cọp dữ, nhưng ấn tượng nhất là trận đấu với rắn hổ mây khổng lồ.

Theo lời ông kể, năm ấy ông cỡ chừng 30 tuổi, khi hạ sơn, đi qua đầu nguồn con suối Thủy Liêm bây giờ, ông đã gặp con mãng xà lớn nhất từ trước đến giờ!

Đó là con rắn hổ mây dài độ 20m, mình to cỡ khạp 5 cân (khoảng vòng tay ôm), trên lưng có hai sọc đen dài, mình mốc vàng xen kẽ đốm trắng như trái mây, cổ rắn có 3 khoang nâu sậm, bụng vằn màu trắng sữa, da có vẩy bóng, đầu ngất ngưởng vươn cao, có mồng đỏ bầm, miệng ngang, cằm dưới chẻ, lưỡi đỏ hồng, rít the thé như tiếng gà rừng gáy!

Khi di chuyển, săn mồi, đầu hổ mây cất lên cao, đuôi chấm đất làm điểm tựa, phóng rào rào trên đọt cây, lướt nhanh như xé gió…

Hổ mây tấn công địch thủ bằng miếng “võ rắn” dũng mãnh! Nhanh như chớp, ông Ba Lưới tung mình lách ngang, tránh trong gang tấc đòn “Mãnh xà xuất động” vô cùng hiểm hóc, lợi hại của hổ mây chúa! Ông đã dùng thế võ “Bình phong lạc nhạn”, bay vút lên dùng dao quắm chém bay đầu con mãng xà dữ tợn kia!…

Thân hổ mây chúa một nơi, đầu một nẻo, rắn vùng vẫy rạp một vùng cây cỏ, máu nó nhuộm đỏ hồng con suối, mắt rắn trừng trừng không chớp như oán hờn, tức giận! Một trận chiến kinh hoàng, vô tiền khoáng hậu!

Ông Ba Lưới kể thêm chuyện Thầy Tích Thắt Lô- một sải cả cao đạo, được tôn xưng là “Thầy của các thầy thuốc rắn” cùng với các ông: Năm Đài, Tư Viên, Tư Cao... là những người có tiếng tăm và uy tín ở vùng này, cùng một số người khác đã từng gặp rắn hổ mây ở Thất Sơn.

Ở Anh Vũ sơn (núi Két) thuộc thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên), có môt hang động thâm u, hang hóc hiểm trở, tương truyền xưa kia có cặp rắn hổ mây khổng lồ tu luyện ở đó. Chúng tôi tò mò xâm nhập. Động tối lờ mờ, có cặp rắn hổ mây đúc bằng bê tông, sơn phết trông y như thật, mặt mày đầy sát khí!

img

Cặp rắn đá ở núi Két.

Thoáng trông qua ai cũng giật mình kinh hãi! Theo chủ nhân núi Két là ông Sơn Đào thì cặp rắn “thần” này đã “tu” thành và đi theo “Thầy”... Nhưng ông Sơn Đào vẫn xây bịt kín lối thông cuối hang để “đề phòng”. Hang này sâu hầu như không đáy, không biết trổ về đâu!?

Đình Rắn ở Mỏ Cày

Ở gần trung tâm xã Định Thủy (Mỏ Cày- Bến Tre) có một di tích lịch sử, văn hóa độc đáo, gợi sự tò mò, khám phá cho nhiều người, đó là “đình Rắn” với nhiều câu chuyện và huyền thoại bí ẩn! Bà “từ” trông coi đình tên Võ Thị Năm kể cho chúng tôi nghe khá mạch lạc: “Ngôi đình này đã có trên 150 năm.

Các cụ ngày xưa và nhiều người kể lại rằng, nơi đây trước kia có cặp rắn thần mình to như khạp 5 cân, dài trên 20m. Rắn thần đi rạp lúa, ăn thịt những con thú ác như hổ báo, hùm beo và độ hộ cho dân làng. Cặp rắn thần đã về rừng lớn, về núi sau ngày đất nước hòa bình...

Hồi đó, khoảng năm 65 của thế kỷ trước. Lúc này chiến tranh đã đến hồi ác liệt. Dân Định Thủy tản cư gần hết, chỉ còn lại lực lượng vũ trang bám trụ, đánh địch. Đình Rắn là nơi thường xuyên diễn ra những cuộc họp của cán bộ ta… Người ta đồn rằng cặp rắn thần ngày xưa đã trở về!

Nhiều người quả quyết đã trông thấy cặp rắn này, nhưng thường chỉ thấy một mình! Rắn đi rạp lúa, thành lằn lớn, có khi dài hàng cây số! Sự thật, sau này, có người cho biết đó là vết xuồng đẩy của bộ đội ta! Chuyện rắn thần đã trở về ở đình làng Định Thủy đồn râm ran trong dân, trong lính Việt Nam cộng hòa, cả trong bộ đội ta…

Ban đầu người ta cho là chuyện dóc, chuyện “Tề thiên”! Nhưng dần dà rồi người ta lại tin là có thật, với nhiều chuyện ly kỳ! Nào là rắn thần đã nuốt một con bê đi lạc, nào là rắn thần nằm ngang đập, chặn nước bắt cá, nào là chúng phun nọc độc làm mù mắt những con rái cá mò lại khu vực đình bắt trộm cá!

Những năm đó, có những con rái cá bị mù mắt thật! Có người sau này cho là chúng bị chất độc hóa học của máy bay Mỹ thả xuống. Sau giải phóng, tôi về dọn vườn đã từng gặp những con rái cá lông đen tuyền, có cặp mắt trắng đục như nước cơm vo.

Kể cũng lạ! Chuyện có rắn thần trở về đình hay không vẫn là chuyện nửa thật, nửa hư. Nhưng có điều, bọn lính khi bén mảng lại gần khu vực đình là có chết! Chết vì bị mìn trái, chết vì bị bắn tỉa, chết vì bị sụp hố chông.

Mười lần như một. Riết rồi chúng cũng đâm ra tin thật, cho là có chuyện huyền bí ở đây, chúng sợ hãi, cố tình né tránh tiếp cận đình Rắn…

Đình Rắn vào những năm chiến tranh ác liệt sau Đồng khởi và đến ngày 30/4/1975, là nơi hội họp, điểm xuất phát những cuộc tiến công của lực lượng vũ trang cách mạng. Bom đạn của kẻ thù đã dội rất nhiều lần xuống đình Rắn.

Ngày nay, đình Rắn đã được xây dựng, tôn tạo lại trên nền đất cũ ở ấp Định Nhơn, hoành tráng, to đẹp nhưng vẫn theo kiến trúc cổ của những đình chùa Nam Bộ. Vào các ngày 14, 15, 16/5 âm lịch mỗi năm, hàng ngàn người dân địa phương, khách các nơi về thăm viếng, tham quan hội đình Định Thủy. Đình đã được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.

Rắn ở Ma Thiên Lãnh

Đối với cư dân sống dưới chân núi Bà Đen (Tây Ninh) và thung lũng trên núi thì Ma Thiên Lãnh là giang sơn của rắn độc, rắn khổng lồ! Nhưng người và rắn từ bao đời nay vẫn cộng sinh hòa bình. Rắn hầu như rất hiếm hoi tấn công người và người cũng ít khi tìm săn bắt rắn! Đôi khi có những thợ săn bắt rắn ở xa đến. Và không ít trường hợp họ đã phải trả giá đắt!     

Buổi sáng, khi mặt trời lên hơn một nán tay trên đỉnh núi Bà, sương mờ còn lãng đãng vương ngàn cây, nội cỏ. Chúng tôi xuất phát lên Ma Thiên Lãnh từ dưới chân núi Phụng. Đường rừng hiểm trở, hoang vắng với tiếng suối reo róc rách, tiếng chim hót líu lo, đồng vọng. Chúng tôi ghé một chòi giữ rẫy ở lưng chừng núi Hòn Heo.

Đôi vợ chồng nông dân- ông Võ Văn Tám và bà Dương Thị Lành- kể: Ma Thiên Lãnh là “đất địa” của rắn. Rắn ở đây rất nhiều và rất to. Rắn ngụ trong các hốc đá, rắn đeo trên cành cây, rắn bò trên các mái nhà, rắn trườn trên cỏ lá, rắn cuồn cuộn, nhung nhúc… Những lúc đói mồi, chúng hay rình rập bắt gà, vịt, cá nuôi dưới ao! Bọn chó nhà gặp chúng cũng phát hoảng, khiếp sợ!    

Ông Tám cho biết rắn ở Ma Thiên Lãnh dài cỡ 4m, 5m là chuyện thường! Thỉnh thoảng người ta còn gặp mãng xà. Mãng xà gốc là những con rắn hổ mây lớn dài có khi trên 10m rất khôn ngoan, người ta thường đồn chúng thành tinh (!?)

Mãng xà biết quấn đầu và đuôi vào 2 thân cây, mình ép dẹt ra như cái võng để tát nước bắt cá, mãng xà ăn thịt cả bê con lạc rừng! Như nhiều nông dân thật thà, chất phác ở chốn sơn lâm, ông Tám quả quyết đã từng đối mặt với mãng xà tinh vào một đêm trăng sáng ở vườn xoài trên đường lên núi Bà cách đây gần 40 năm, hình như sau tiếp thu 1975 thì phải (!?)...

Cư dân Ma Thiên Lãnh ngày nay- những người sống chung với thiên nhiên và thú dữ từ xưa đến nay- có quan niệm rất rạch ròi: nước sông không xâm phạm nước giếng! Rừng là mái nhà chung, mỗi thành viên đều có cách làm ăn của riêng mình, không ai xâm phạm ai, tôn trọng quyền sống, bảo vệ môi trường là “luật rừng” hiện đại!

Ấy còn là tiêu chí bất thành văn của “dân” miền rừng! Những ai phá hủy, đối xử tàn tệ với rừng sẽ lãnh hậu quả khôn lường. Những trận lụt, lũ quét kinh hoàng xảy ra trong những năm gần đây đã minh chứng điều đó!