Tổng thống Mỹ Trump.
Sau gần hai năm rưỡi cầm quyền, tổng thống Mỹ Donald Trump khuấy động xung khắc thương mại với khá nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ. Cách thức thực hiện của ông Trump đơn giản chỉ là áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hoá của các đồng minh và đối tác xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tức là vận dụng chủ nghĩa bảo hộ thương mại, và chấm dứt những biện pháp chính sách ưu đãi đặc biệt của Mỹ dành cho các đồng minh và đối tác.
Ông Trump viện dẫn nguyên do là các đồng minh và đối tác kia đều xuất siêu nhiều trong quan hệ trao đổi thương mại với Mỹ hoặc đối xử không công bằng với các doanh nghiệp của Mỹ trên thị trường của họ, dù là gì thì cũng đều gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Mỹ và doanh nghiệp Mỹ, kiềm chế tăng trưởng kinh tế Mỹ, huỷ hoại nhiều công ăn việc làm ở Mỹ và cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp của Mỹ. Với cách tiếp cận và suy diễn ấy, ông Trump đã quyết định rút nước Mỹ ra khỏi nhiều thoả thuận hợp tác kinh tế và thương mại đã ký kết và thực hiện với nhiều đồng minh và đối tác, kích hoạt cuộc xung khắc thương mại với các đồng minh và đối tác, buộc những bên này phải đàm phán lại với Mỹ về thoả thuận mới.
EU, Trung Quốc, Canada, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Argentina, Brazil, Ấn Độ.... đứng đầu trong danh sách các đồng minh và đối tác của Mỹ bị ông Trump xung khắc thương mại.
Với tất cả các đối tác khác thì cho tới nay vẫn chỉ là chuyện xung khắc thương mại thuần tuý với Mỹ. Nhưng với Trung Quốc, Mexico và Ấn Độ thì lại có khác biệt mà qua đó lộ diện bản chất chính sách bảo hộ thương mại được ông Trump vận dụng cho đến nay.
Với Trung Quốc, mục tiêu chính và sâu xa của ông Trump là thúc đẩy cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc, ngăn cản Trung Quốc trỗi dậy và hùng mạnh, đặc biệt là không để Trung Quốc vươn lên vị trí hàng đầu thế giới về khoa học kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao ngay trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Để đạt mục tiêu này, xung khắc thương mại được ông Trump sử dụng làm cớ và công cụ.
Cho nên đàm phán hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc đâu chỉ có xử lý cuộc xung khắc thương mại nhằm giảm mức độ nhập siêu của Mỹ trong quan hệ trao đổi thương mại với Trung Quốc mà còn động chạm nhiều đếu chính sách kinh tế vĩ mô của Trung Quốc, đến cải cách thể chế và cơ cấu kinh tế và thương mại của Trung Quốc.
Với Mexico, ông Trump vừa quyết định sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại từ 5% lên dần tới 25% đối với tất cả hàng hoá của Mexico xuất khẩu vào thị trường Mỹ chừng nào nước láng giềng này không hiệu quả và quyết liệt hơn trong việc ngăn chặn dòng người nhập cảnh trái phép vào Mỹ. Điều đáng nói ở đây là Mỹ đã cùng với Mexico và Canada đàm phán và ký kết thoả thuận thương mại tự do mới thay thế cho thoả thuận về Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (Nafta) được ba nước này thực hiện từ năm 1994.
Như thế có nghĩa là thoả thuận mậu dịch tự do vẫn không ngăn cản được ông Trump thực thi các biện pháp chính sách bảo hộ thương mại và ông Trump sử dụng chủ nghĩa bảo hộ thương mại phục vụ cho những mục tiêu chính trị khác. Xung khắc thương mại, trừng phạt thương mại và bảo hộ thương mại được ông Trump sử dụng để xử lý những chuyện dính dáng đến nội bộ ở Mỹ chứ không liên quan gì đến thương mại.
Với Ấn Độ, ông Trump quyết định ngừng dành cho nước này quy chế ưu đãi chung mà Mỹ áp dụng từ năm 1976 cho các nước đang phát triển nhằm mục đích giúp các nước đang phát triển tiếp cận dễ dàng hơn thị trường Mỹ. Cụ thể ở đây là miễn thuế hoàn toàn cho một số lượng nhất định mặt hàng xuất khẩu của các nước đang phát triển khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Lý do được ông Trump đưa ra là phía Ấn Độ gây khó khăn cho doanh nghiệp Mỹ trên thị trường Ấn Độ, vì thế xuất siêu trong quan hệ trao đổi thương mại với Mỹ và gây thiệt hại nhiều cho Mỹ, tức là nguyên do cũng chẳng liên quan gì đến thương mại mà chỉ đến nhu cầu của ông Trump trong đối nội ở Mỹ.
Ở đây bộc lộ rất rõ nội hàm cơ bản của khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" của ông Trump và chủ ý của ông Trump thực hiện nó bằng mọi giá và với mọi hình thức. Bảo hộ thương mại được ông Trump coi là vũ khí công hiệu đa năng trong xử lý quan hệ của Mỹ với tất cả các đồng minh và đối tác. Cho nên dù có được thoả thuận thương mại với Mỹ thì vẫn không có nghĩa là mọi vấn đề về hợp tác kinh tế và thương mại với Mỹ đều đã có được giải pháp lâu bền.