Dân Việt

Vùng đất dân rủ nhau trồng nấm bào ngư, mỗi lứa nấm lời 30-40 triệu

Thanh Hải 03/06/2019 19:15 GMT+7
Mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8-2018, nhưng mô hình trồng nấm bào ngư của HTX nuôi trồng nấm bào ngư Tân Giao (xã Láng Lớn, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mang lại nguồn thu nhập khá và ổn định cho các thành viên. HTX đang tính chuyện mở rộng quy mô sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế của mô hình này.

Chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất nấm bào ngư của gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn (thôn Sông Xoài 3, xã Láng Lớn), thành viên HTX Tân Giao vào một ngày cuối tuần.

Ông Sơn phấn khởi cho biết, trước đây gia đình ông chăn nuôi heo, nhưng do giá heo thất thường và hay xảy ra dịch bệnh nên bị lỗ nặng, phải ngừng nuôi. Năm 2018, ông Sơn tìm hiểu về kỹ thuật trồng nấm bào ngư và tham gia HTX Tân Giao.

img

Ông Phạm Văn Hội, Giám đốc HTX Tân Giao kiểm tra độ ẩm tại trại nấm của gia đình.

Theo ông Sơn, với hơn 10 ngàn bịch phôi (chi phí đầu tư khoảng 30-35 triệu đồng), mỗi lứa phôi cho thu hoạch khoảng 4 lần trong thời gian 4 tháng (mỗi tháng khoảng 2 tạ). Sau khi trừ chi phí, mỗi lứa phôi nấm bào ngư cho thu lãi từ 30-35 triệu đồng.

Biết được mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình ông Sơn mang lại hiệu quả cao, nhiều nông dân trên địa bàn xã Láng Lớn đã tìm đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và đều được ông tận tình hướng dẫn.

Theo kinh nghiệm của ông Sơn, trồng nấm bào ngư chỉ cần tưới nước dạng phun sương xung quanh lớp vỏ bịch. Muốn phôi tăng trưởng tốt, phải giữ vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp, bảo đảm đủ độ ẩm và môi trường không bị nhiễm bệnh.

“So với chăn nuôi heo, trồng nấm khỏe hơn nhiều: chi phí đầu tư thấp hơn, công chăm sóc ít hơn, môi trường làm việc cũng bảo đảm vệ sinh hơn. Ngoài ra, khi trồng nấm, tôi có thể tận dụng được thời gian rảnh rỗi để làm thêm việc khác tạo thu nhập”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Phạm Văn Hội, Giám đốc HTX nuôi trồng nấm bào ngư Tân Giao cho biết, HTX hiện có 7 thành viên với diện tích trồng nấm khoảng 100-200m2/thành viên. Mô hình đã bước đầu đạt hiệu quả, thu nhập của gia đình các thành viên đã được cải thiện hơn trước.

Ông Hội chia sẻ, trồng nấm bào ngư có 2 cách: chất phôi lên kệ và treo bằng dây. Gia đình ông Hội chọn cách chất phôi lên kệ. Kệ được làm bằng gỗ hoặc thép, cao từ 1,8-2m. Nhà trồng nấm bào ngư phải được che chắn kỹ, ngăn được côn trùng, bảo đảm sạch sẽ, tránh xa khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm; nguồn nước tưới phải khử phèn.

“Trồng nấm bào ngư không khó, kỹ thuật trồng nấm bào ngư rất đơn giản, nhẹ công chăm sóc, nhưng cần sự tỉ mỉ, siêng năng. Điều quan trọng nhất là phải nắm vững quy trình kỹ thuật, các yếu tố liên quan đến nhiệt độ, độ ẩm, gió, ánh sáng, môi trường... để chăm sóc tốt các lứa phôi nấm. Hiện tại, các thành viên trồng nấm chủ yếu là mua phôi bên ngoài, nếu HTX tự sản xuất phôi sẽ giảm được chi phí đầu tư ban đầu từ 10-15 triệu đồng/lứa”, ông Hội cho hay.

img

Ông Nguyễn Thanh Sơn, thành viên HTX Tân Giao có thu nhập khá nhờ trồng nấm.

Nấm bào ngư được trồng theo hướng vệ sinh, an toàn, là sản phẩm nông nghiệp sạch nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, nhiều khách hàng đã lên hệ đặt mua nấm của HTX Tân Giao với số lượng lớn.

Tuy nhiên, do không đủ nấm để bán nên HTX chưa dám ký hợp đồng. Việc tiêu thụ nấm của HTX vẫn chủ yếu là giao cho tiểu thương tại các chợ đầu mối. Dự định thời gian tới HTX sẽ mở rộng diện tích trồng nấm và tăng thêm thành viên.

“Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nấm bào ngư Tân Giao; tạo điều kiện cho HTX vay vốn ưu đãi để sản xuất phôi nấm, khép kín quy trình sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho HTX và thành viên”, ông Phạm Văn Hội mong muốn.

Theo nhận định của ông Lê Đình Khởi, Phó Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức, mô hình trồng nấm đang có nhiều triển vọng, mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở vùng nông thôn. “Phòng NN-PTNT huyện cũng đã tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất để phát triển, nhân rộng mô hình trồng nấm cho nông dân địa phương; sẵn sàng hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và thủ tục vay vốn đầu tư sản xuất”, ông Khởi nói.