Dân Việt

Đua nhau làm chủ shop online

05/02/2012 07:13 GMT+7
Chỉ cần lập shop bán dăm ba mặt hàng trên mạng internet, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng... đều có thể trở thành ông bà chủ.

Nhà nhà mở shop

Tận dụng lợi thế của kinh doanh trên mạng như không mất tiền thuê địa điểm, đăng ảnh thoải mái, có thể gửi link quảng bá tới cộng đồng mạng dễ dàng..., nhiều bạn trẻ chỉ sau một đêm đã trở thành ông chủ, bà chủ. Tại trang raovat.com. raovat360.com.vn, enbac.com. muare.vn, vatgia.com... hay mạng xã hội như Facebook, đa số chủ shop là bạn trẻ từ 14 đến 30 tuổi.

img
Một shop online bán đồng hồ, quần áo trên Én bạc

Có tiếng về kinh doanh hàng xách tay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ngân Thương (ĐH Ngoại thương Hà Nội) bắt đầu mở shop online trên vatgia.com, enbac.com đầu năm 2009, đến nay đã tự trang trải cho việc học và mua cả xe máy. Bạn bè du học nước ngoài là kênh duy nhất để Thương liên hệ nhập khẩu hàng. Duy trì shop online 3 năm nay, Ngân Thương đang mở rộng các mặt hàng có giá trị lớn như điện thoại, máy ảnh, đồng hồ?

Lan Anh (sinh viên năm 3, Đại học Thương mại) cho biết, nhiều bạn của cô giàu lên từ kinh doanh trên mạng. Bán hàng xách tay cùng chị gái trên trang Én bạc, Tết vừa rồi Lan Anh không chỉ xông xênh mua sắm quần áo mà còn có tiền biếu bố mẹ.

Dạo qua thị trường online, có thể tìm thấy đủ mặt hàng từ thời trang, mỹ phẩm đến đồ điện tử, gia dụng, thực phẩm, có các sản phẩm phục vụ cho từng đối tượng như bà bầu, trẻ em...

Kinh doanh thời trang không còn hấp dẫn như vài năm trước nên nhiều bạn trẻ chọn các mặt hàng thực phẩm hoặc sản phẩm tiêu dùng độc, lạ. Phạm Huyền Trang (24 tuổi, Hoàng Mai - Hà Nội), sở hữu shop thời trang trên Én bạc, cho hay vừa chuyển sang kinh doanh sản phẩm đặc thù dành cho bà bầu như tai nghe, kem chống rạn da...

Giáp Tết, dân công sở tranh thủ cá kiếm bằng việc cung cấp đặc sản địa phương. Quảng cáo sản phẩm giò bê Nghệ An trên Facebook, Yahoo, Skype, Phạm Minh Thu (nhân viên Cty HiPT- Hà Nội) nhận được nhiều đơn đặt hàng.

Chỉ trong vòng một tuần, Thu bán hết hơn 150kg giò bê, lãi hơn 4 triệu đồng. Ngô Ánh Tuyết (26 tuổi, Kim Mã - Hà Nội) bán thịt bò, thịt trâu Sơn La gác bếp cũng đắt khách bởi đặc sản giá cả phải chăng, giao hàng tận nhà. Đánh vào nỗi lo về chất lượng thực phẩm, Lê Thanh Huyền (Cty Truyền thông An Viên) bán thịt gà sạch.

Lý giải vì sao kinh doanh online ngày càng thu hút giới trẻ, Nguyễn Ngọc Ánh (giảng viên một trường Cao đẳng tại Hà Nội), chủ 3 shop mỹ phẩm, giày dép online, cho rằng: Kinh doanh trên mạng tiết kiệm được nhiều chi phí, lại dễ tiếp thị trong cộng đồng trẻ, phù hợp với người mới khởi nghiệp.

Hơn nữa, khách hàng ngày càng ưa chuộng mua bán trên mạng vì không tốn công đi lại, chỉ cần lướt web lựa chọn mẫu mã, lại được giao hàng tận nhà với giá cả phải chăng, mẫu mã cập nhật.

Tay ngoài dài hơn tay trong

Sau thời gian cắm mặt ở văn phòng từ sáng đến tối vẫn không đủ tiền chi tiêu, Lê Hương Giang (Cty truyền thông tại Hà Nội) quyết định bán hàng qua mạng. Sản phẩm Giang chọn bán là hàng tươi sống cá, cua, ếch, ốc… nhập từ Hải Phòng, Quảng Ninh lên Hà Nội. Nhà ở sâu trong ngõ phố Minh Khai nên Giang thuê người giao hàng đến tận nhà cho những đơn giá trên 500 nghìn đồng.

"Kinh doanh mặt hàng này phức tạp nhất là công đoạn giữ tươi sống mặt hàng nên mình đầu tư hệ thống máy lạnh và máy sục khí", Giang nói. Từ khi mở hàng online, khách hàng tìm đến Giang nhiều đến bất ngờ. Ban đầu, Giang chỉ lấy mỗi ngày 20 kg các loại, đến nay sau hơn 1 năm mở hàng, Giang bán trung bình mỗi ngày 30 - 40 kg hải sản.

"Rảnh việc của Cty, tôi lại lọ mọ lên mạng để cập nhật sản phẩm và trao đổi với khách. Từ khi kinh doanh, tôi không còn cảm thấy bí bức chuyện tiền bạc nữa", Giang chia sẻ.

Trên Enbac.com, Trần Hương Lê (quê Lai Châu) giới thiệu măng tươi, măng ngâm, thịt trâu gác bếp, thịt bò hun khói, lạp xường hun khói, bánh đa vừng đen… Khảo qua các mặt hàng đều có giá rẻ hơn ở siêu thị và chợ từ vài chục nghìn đồng đến cả trăm nghìn. Lê quảng cáo rằng sản phẩm được bạn trực tiếp mang đến từ các miền quê.

Lê cho biết là công chức một cơ quan nhà nước ở Hà Nội nhưng khó sống quá nên mày mò kinh doanh trên mạng. Ban đầu, Lê chỉ bán thử, không ngờ nhiều người quen đặt hàng, giới thiệu bạn bè tới mua và có lãi.

Nỗi lo chất lượng

Mua sản phẩm qua mạng, không ít người ngậm ngùi vì chất lượng, thậm chí bị lừa. Ngồi nhà trùm chăn, Phương Anh (ĐH Hà Nội) lướt qua thị trường bốt và túi xách trên các trang bán hàng online. Mừng vì chọn được túi xách màu cam bắt mắt nhái hàng hiệu giá chỉ 750 nghìn đồng (giá shop trên 2 triệu đồng) và đôi bốt màu nâu da lộn giá 680 nghìn đồng.

Nhân viên bán hàng tên Tuyết nói rằng , do lấy được nguồn hàng giá rẻ, túi cũng chỉ còn chiếc cuối cùng. Phương Anh quyết định chuyển tiền qua tài khoản cho Tuyết. Sau hai ngày hồi hộp chờ đợi, Phương Anh nhận được sản phẩm với chất lượng, mẫu mã hoàn toàn khác. Phương Anh gọi lại yêu cầu trả hoặc đổi đều bị từ chối.

Nhiều người lo ngại về chất lượng thực của sản phẩm vì chỉ chọn hàng qua hình ảnh trên trang web và hoài nghi khi chủ shop là bạn trẻ.

Theo Tiền Phong