Dân Việt

"Ôm" hơn 1.000 tỷ nợ vay của Xi măng Hạ Long, Vicem vẫn lãi lớn

Gia Linh 05/06/2019 08:52 GMT+7
Mặc dù phải ôm dự án Xi măng Hạ Long thua lỗ và nợ vay hơn 1.000 tỷ đồng nhưng năm 2018, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.400 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) công bố mới đây cho thấy, doanh thu và lợi nhuận của Vicem đều tăng trưởng so với thực hiện năm 2017.

Doanh thu và lợi nhuận nghìn “rủ nhau” tăng

Cụ thể, doanh thu thuần đạt 27.867 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm 2017.

Về cơ cấu doanh thu, doanh thu từ bán xi măng chiếm tỷ trọng áp đảo với 85%; kế đến là doanh thu từ bán clinker với tỷ trọng gần 12%; còn lại là doanh thu cung cấp dịch vụ, doanh thu chuyển nhượng bất động sản và doanh thu khác.

Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp của Vicem đạt 4.907 tỷ đồng, tăng 6,3%.

Trong năm, Vicem ghi nhận 161 tỷ đồng doanh thu tài chính (phần lớn là lãi chênh lệch tỷ giá và lãi tiền gửi, tiền cho vay), tăng 67%; trong khi ghi nhận 985 tỷ đồng chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay), giảm 34%.

Tổng công ty này cũng ghi nhận 1.080 tỷ đồng chi phí bán hàng và 1.096 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tương đương năm 2017.

Với những biến động trên, Vicem ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.389 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp 1.492 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là 1.558 tỷ đồng.

img

Tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Vicem 42.674 tỷ đồng, giảm từ mức trên 44.280 tỷ.

Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Vicem tính đến hết ngày 31/12/2018 ở mức 20.554 tỷ đồng, tăng 4,1% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 22.120 tỷ đồng, giảm 9,9%.

Trong đó, vay và nợ thuê tài chính trên 14.700 tỷ đồng, chiếm 71% so với nguồn vốn của doanh nghiệp. Vicem cũng ghi nhận khoản chi phí xây dựng dở dang cơ bản lên tới 2.700 tỷ đồng.

Trong năm 2018, Tổng công ty đã vốn hóa chi phí đi vay với giá trị khoảng 19,8 tỷ đồng (năm 2017 là 41,7 tỷ). Các khoản chi phí đi vay này chủ yếu liên quan đến khoản vay phục vụ cho dự án chuyển đổi công nghệ từ giai đoạn nghiền xi măng đến giai đoạn đóng bao của công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn và dự án đường bộ B.O.T Phú Hữu của công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1.

Gánh nặng từ Xi măng Hạ Long

Tại báo cáo tài chính của Vicem cho thấy, trong năm 2018, công ty ghi nhận khoản phí bảo lãnh và lãi vay phải trả lên tới 252 tỷ đồng. Khoản phái trả này bao gồm các khoản lãi vay và chi phí bảo lãnh đã quá hạn thanh toán tại ngày 31/12/2018 của công ty cổ phần Xi măng Hạ Long với tổng số tiền lần lượt là 85 tỷ và 5,5 tỷ. Tại ngày 31/12/2017, con số này lần lượt là 181,8 tỷ và 76,4 tỷ đồng.

Các khoản vay, lãi và phí bảo lãnh quá hạn chưa thanh toán tại ngày 31.12 của Vicem trên 1.092 tỷ đồng liên quan đến hoạt động của Xi măng Hạ Long.

img

Dự án xi măng Hạ Long vốn hơn 6.400 tỷ từng thua lỗ nặng dưới thời Sông Đà.

Công ty kiểm toán Ernst & Young Việt Nam (E&Y) đã đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ liên quan đến Xi măng Hạ Long.

Cụ thể, trong năm 2017, Xi măng Hạ Long đã ghi giảm trừ chi phí tài chính đối với các khoản phạt chậm trả phí bảo lãnh của hợp đồng vay Ngân hàng Natixis, phạt chậm trả gốc vay và lãi của khoản vay từ Quỹ tích lũy Bộ Tài chính, phạt chậm trả gốc, lãi và phí vay của khoản vay từ Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu.

Xi măng Hạ Long cũng không ghi nhận các khoản phạt chậm trả gốc, lãi và phí vay (nếu có) phát sinh từ các khoản vay nêu trên và chi phí lãi vay cho khoản vay từ Quỹ tích lũy Bộ Tài chính kể từ ngày 1/9/2017.

Đồng thời, Xi măng Hạ Long cũng thực hiện phân loại lại số dư các khoản phí bảo lãnh, lãi vay và phí cho vay của các hợp đồng vay nêu trên từ khoản mục phải trả ngắn hạn khác sang khoản mục phải trả dài hạn khác và số dư gốc vay của các khoản vay từ Ngân hàng Đầu tư Bắc Âu, Ngân hàng Natixis và Quỹ tích lũy Bộ Tài chính từ khoản mục vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn sang khoản mục vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Được biết, cơ sở của các hạch toán nêu trên là dựa trên văn bản số 205/BXD-KHTC ngày 25/12/2017 được Bộ Xây dựng gửi tới Bộ Tài chính và Văn bản số 5336/BTC-QLN ngày 9/5/2018 được Bộ Tài chính bảo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi nhận được đề xuất của Bộ Tài chính tại Văn bản 5336 và ý kiến của các cơ quan hữu quan về việc tái cơ cấu dự án Xi măng Hạ Long, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản 7549/VPCP-KTTH ngày 9/8/2018 đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu và giải trình việc tái cơ cấu dự án Xi măng Hạ Long theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn luật này.

Sau đó, vào ngày 27/11/2018, Bộ Tài chính đã gửi Văn bản số 14812/BTC QLN tới Xi măng Hạ Long đề nghị công ty này cập nhật phương án tái cơ cấu khoản vay Dự án Xi măng Hạ Long theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn luật này, cũng như cập nhật tình hình phương án sản xuất kinh doanh và phương án trả nợ để qua đó, Bộ Tài chính có cơ sở báo cáo lại cho Văn phòng Chính phủ.

"Tại ngày của báo cáo tài chính hợp nhất này, Xi măng Hạ Long đang trong quá trình trao đổi và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện các nội dung nêu trên. Theo đó, chúng tôi không thể xác định được liệu việc xử lý kế toán đối với các nội dung nêu trên có phù hợp hay không, và xác định các ảnh hưởng, nếu có, đối với báo cáo tài chính hợp nhất của Tổng Công ty và các công ty con cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2018", công ty kiểm toán E&Y cho biết.

Một vấn đề khác cũng liên quan đến Xi măng Hạ Long là khoản Vicem vay Tổng công ty Sông Đà với tổng gốc vay quá hạn là 997 tỷ đồng. "Con nợ" của khoản vay này thực chất là Xi măng Hạ Long, khi tiếp quản Xi măng Hạ Long từ Tổng công ty Sông Đà, Vicem cũng phải "ôm" luôn khoản vay này.

Phía Vicem cho biết, theo Hợp đồng tín dụng số 01/2016/HĐTD/TCTSĐ - XMHL, toàn bộ khoản vay này sẽ được hoàn trả vào ngày 31/12/2016.

Căn cứ theo phương án tái cơ cấu Xi măng Hạ Long, Vicem đã gửi văn bản số 1239/Vicem-KTTC&NV ngày 21/6/2016 tới Tổng Công ty Sông Đà đề nghị điều chỉnh Hợp đồng số 01 này theo hướng: không trả nợ gốc năm 2016, từ năm 2017 sẽ trả đều nợ gốc trong vòng 10 năm và điều chỉnh lãi suất của khoản vay trong toàn bộ thời gian trả nợ gốc là 0%/ năm.

Ngày 22/12/2017, Tổng Công ty Sông Đà đã có ý kiến trả lời Bộ Xây dựng tại Văn bản số 2031/TCT-TCKT. Theo đó, Tổng Công ty Sông Đà đã đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính xem xét phê duyệt phương án tái cơ cấu Xi măng Hạ Long và Tổng Công ty Sông Đà sẽ thực hiện cơ cấu khoản nợ này khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.

img

Đến thời điểm lập báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền chưa có ý kiến trả lời chính thức về vấn đề này. Điều này đồng nghĩa với việc, gần 1.000 tỷ mà Vicem đang “ôm” từ Xi măng Hạ Long chưa biết sẽ đi về đâu?

Được biết, dự án xi măng Hạ Long có vốn hơn 6.400 tỷ từng thua lỗ nặng dưới thời Sông Đà, trước khi về tay Vicem. Để "cứu" Xi măng Hạ Long, ngày 1/6/2018, Vicem đã phải chi ra 480 tỷ đồng góp thêm vốn vào công ty này, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 77% lên 82,69%. Hiện Công ty mẹ - Vicem đang phải trích lập dự phòng toàn bộ 1.605 tỷ đồng vốn góp vào Xi măng Hạ Long (bao gồm cả phần vốn mới góp thêm).