Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có thông báo về quyết định thay đổi niêm yết của cổ phiếu Tập đoàn Vingroup (mã VIC).
Vingroup niêm yết bổ sung hơn 154 triệu cổ phiếu
Theo đó, Vingroup đăng ký niêm yết thêm 154,3 triệu cổ phiếu từ ngày hôm nay 5/6 với lý do niêm yết bổ sung cổ phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn SK (Hàn Quốc).
Trước đó, vào giữa tháng 5, Vingroup và Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Theo công bố, SK sẽ đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce, với giá trung bình là 113.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch khoảng 23.300 tỷ đồng, tương ứng 1 tỷ USD.
Số lượng chứng khoán niêm yết thêm có mệnh giá hơn 1.543 tỷ đồng, nâng tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá của VIC sau thay đổi lên hơn 33.459 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 4/6, VIC dừng ở mức 114.600 đồng/cổ phiếu, với số lượng cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa của Vingroup khoảng hơn 383.000 tỷ đồng.
Vingroup có hướng tới một ngân hàng số?
Cũng trong tháng 5 vừa qua, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có nhiều chuyển biến và ghi dấu những bước ngoặt lớn đối với sự phát triển của tập đoàn này.
Đơn cử như việc, Vincommerce (một công ty con của Vingroup) bất ngờ tấn công vào không gian ảo với việc đưa vào hoạt động siêu thị ảo VinMart (Virtual Store) cùng với ứng dụng mua sắm Scan & Go, hay còn được gọi là Vinmart 4.0.
Là mô hình siêu thị ảo đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, VinMart 4.0 mô phỏng hơn 100 nhóm sản phẩm chọn lọc bằng hình ảnh trên những tấm áp phích khổ lớn. Các sản phẩm, thương hiệu này được sắp xếp, bài trí màu sắc tương tự như quầy hàng thực tế trong siêu thị.
Siêu thị ảo được đặt tại các khu vực mật độ dân cư cao, đông người qua lại như khu tập thể, toà nhà văn phòng, trường học, điểm chờ xe bus... Khách mua hàng chỉ cần mở ứng dụng VinID, chọn tính năng Scan&Go, sau đó quét mã QR các sản phẩm muốn mua tại VinMart 4.0 và thanh toán bằng ứng dụng VinID.
Mới đây, CTCP VinID (công ty con của Tập đoàn Vingroup, hoạt động chính trong lĩnh vực trung gian thanh toán) cũng đã hoàn tất việc mua lại CTCP People Care, đơn vị chủ sở hữu ví điện tử MonPay - một trong 29 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép trung gian thanh toán.
Công ty cổ phần People Care, được thành lập tháng 8/2016, là một trong 29 đơn vị đã được cấp phép trung gian thanh toán từ Ngân hàng Nhà nước. Sau 4 tháng nhận được giấp phép trung gian thanh toán, People Care giới thiệu ra thị trường ví điện tử MonPay. Tuy nhiên, cũng như nhiều trung gian thanh toán mới bị mua lại gần đây, MonPay hoạt động không nổi bật trong một thị trường ví điện tử đang cạnh tranh gay gắt.
Trước đó, từ cuối năm 2018, ban lãnh đạo của People Care đã được "thay mới" hoàn toàn với sự xuất hiện của những nhân sự chủ chốt từ VinID. Đầu năm 2019, sau khi thay đổi toàn bộ nhân sự chủ chốt, People Care đã tăng vốn điều lệ lên hơn gấp đôi, từ 68 tỷ lên 138 tỷ đồng.
Công ty cổ phần VinID có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng được thành lập tháng 7/2018, do Vingroup sở hữu 80% cổ phần. VinID được giới thiệu là chương trình chăm sóc khách hàng thân thiết của Vingroup, áp dụng cho các khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thuộc hệ sinh thái của tập đoàn như mua sắm, tiêu dùng, nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục, ẩm thực, vui chơi giải trí...
Mua lại ví điện tử MonPay, phát triển siêu thị ảo và tính năng Scan & Go, triển khai hình thức mua sắm trực tuyến... VinID (thuộc Tập đoàn Vingroup) đang có những nước đi mới trong lãnh hạt trung gian thanh toán.
Nói về VinID, đã từng có ý kiến cho rằng, VinID bản chất là một siêu ứng dụng với một hệ sinh thái rất lớn của Vingroup đằng sau. Hệ sinh thái VinMart +, VinMec, VinHomes... là những dòng thương mại bán lẻ để kích hoạt thanh toán.
Đặc biệt,sau khi mua lại ví điện tử MonPay vốn không có nhiều tiếng tăm trên thị trường, VinID chắc chắn có những chiến lược nhất định để theo đuổi tham vọng phát triển ví điện tử, tận dụng và khai thác từ hệ sinh thái người dùng sẵn có của Vingroup.
Đồng quan điểm, đại diện một ngân hàng thương mại cũng phải thừa nhận, VinID hoạt động tương đối bài bản và việc Vingroup tham gia vào trung gian thanh toán sẽ là mối đe dọa đối với các định chế tài chính nhờ hệ sinh thái “khủng” của Vingroup đã xây dựng được. Đây cũng sẽ là lợi thế cạnh tranh của Vingroup.
Vị lãnh đạo này cũng nói thêm, hiện tại VinID đã phát hành thẻ VinID Card cho toàn bộ khách hàng của Vingroup và số hóa thành các tài khoản VinID của khách hàng trên điện thoại thông minh. Với VinID Card hay VinID Mobile khách hàng được sử dụng chi tiêu trong hệ sinh thái của Vingroup. Nếu nhìn sâu xa có thể hiểu, VinID này bản chất là 1 chiếc ví điện tử.
Trước đây, nếu như VinID được chi tiêu trong hệ sinh thái của Vingroup thì đó là hợp pháp, nhưng khi khách hàng chi tiêu ngoài hệ sinh thái đó sẽ vi phạm phạm luật. Đến nay, khi mua lại Monpay, Vin ID hoàn toàn có thể chuyển đổi những tài khoản này thành ví điện tử thực sự. Khi đó, khách hàng sở hữu ví điện tử của VinID có thể sử dụng như một tài khoản ví điện tử của các ngân hàng hay các trung gian thanh toán hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc, VinID được chi tiêu, thanh toán ngoài hệ sinh thái Vingroup.
“Cũng phải nói thêm rằng, trung gian thanh toán sẽ không thể là 1 ngân hàng được, bởi thiếu nghiệp vụ cho vay và huy động. Do sự ràng buộc vào luật các tổ chức tín dụng nên Vingroup chưa thể là 1 ngân hàng số trừ khi Vingroup phải mua lại 1 ngân hàng. Với Vingroup thì họ hoàn toàn có khả năng mua một ngân hàng”, vị này nhấn mạnh trước hoài nghi về việc có hay không Vingroup trở thành một ngân hàng số trong tương lai?