Dân Việt

Cần Thơ: Tình hình rất lo thiếu người chống dịch tả lợn châu Phi

Huỳnh Xây 05/06/2019 13:25 GMT+7
Một trong những khó khăn lớn nhất của TP.Cần Thơ trong công tác phòng chống dịch tả lợn (heo) châu Phi là không đủ người.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, sáng nay (5/6), UBND TP.Cần Thơ đã tổ chức họp để bàn các giải pháp ứng phó.

img

Ngành chức năng TP.Cần Thơ kiểm tra, xử lý đàn lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Tại đây, ông Phạm Trường Yên – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 50 hộ chăn nuôi lợn thuộc 17 xã, phường của 5 quận, huyện (Cái Răng, Bình Thủy, Ninh Kiều, Phong Điền và Ô Môn), tổng số lợn tiêu hủy là 1.528 con.

Theo đó, một trong những khó khăn lớn nhất của thành phố trong công tác phòng chống dịch là không đủ người. Vì vậy, việc cung cấp trang thiết bị, hoá chất, bảo hộ lao động xuống các địa phương xử lý các ổ dịch cũng như việc lập chốt kiểm soát vận chuyển lợn ra vào vùng dịch gặp nhiều khó khăn.

img

Sáng nay (5/6), UBND TP.Cần Thơ đã tổ chức họp bàn các giải pháp ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

Hiện nay, việc lấy mẫu gửi đi cơ quan chuyên môn chẩn đoán, xét nghiệm rất nhiều lần nhưng ngành thú y "không đủ nhân lực" thực hiện. Trong khi đó, việc thuê người làm thì rất khó do kinh phí hỗ trợ thù lao còn thấp.

Đại diện UBND quận Cái Răng cho biết, đây là địa phương xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên trên địa bàn thành phố. Sau đó, các ổ dịch lây lan nhanh, ngành chức năng phải dồn hết lực lượng để phòng chống. Trước tình hình dịch bệnh diễn phức tạp như hiện nay, quận Cái Răng đề nghị hỗ trợ thêm cán bộ từ các địa phương lân cận.

Nhiều ý kiến cho rằng, diễn biến thời tiết hiện nay rất phù hợp cho dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người chăn nuôi lợn.

Trước tình hình trên, UBND TP.Cần Thơ chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan tiếp tục triển khai khẩn cấp các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi, khuyến cáo người chăn nuôi không sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng bảo vệ đàn lợn.

Người nuôi, đặc biệt là các hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp nuôi với quy mô lớn phải thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện và báo cáo xử lý tiêu hủy theo quy định.