Sáng 5/6, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, trên địa bàn đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Cơ quan chức năng đang triển khai các biện pháp tránh lây nhiễm dịch sang đàn heo khác trên địa bàn.
Theo thông tin ban đầu, ngày 30/5, ngành chức năng tỉnh Bình Định đã phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên tại KV 7, phường Nhơn Phú (TP.Quy Nhơn).
Đàn heo bị dịch của hộ ông Nguyễn Văn Tâm với số lượng 53 con (trong đó có 4 heo nái, 22 con heo thịt và 27 heo con theo mẹ). Toàn bộ số heo này đã được tiêu hủy đúng quy trình kỹ thuật.
Ngành chức năng ở Bình Định vào cuộc thực hiện biện pháp chống dịch tả lợn.
Ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định xác nhận, ngay sau khi phát hiện ổ dịch, ngành nông nghiệp vào cuộc tiêu độc sát trùng hệ thống chuồng heo nhà ông Tâm, tất cả các vật dụng phục vụ nuôi heo và thức ăn thừa trong chuồng cũng được đốt, chôn đúng theo quy trình xử lý tiêu hủy gia súc.
“Hiện, phường Nhơn Phú đã thành lập chốt chặn, cử lực lượng xung kích trực 24/24, phun thuốc tiêu độc sát trùng toàn bộ người và phương tiện ra vào khu vực. Từ đó đến nay tại phường chưa phát hiện thêm ổ dịch nào”, ông Hùng nói.
Sau cuộc họp phòng chống dịch của UBND tỉnh Bình Định vài ngày, dịch tả lợn đã xuất hiện tại địa phương.
Trước đó, tại cuộc họp triển khai công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi (ngày 21/5), lúc này dịch chưa diễn ra tại địa phương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã lên tiếng phê bình nhiều Sở có thái độ ‘im ru’, lơ là chống dịch.
“Sở Công Thương đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều phối, tiêu thụ và khống chế giá mà bữa giờ tôi thấy im ru, bình chân như vại, ngồi rung đùi chơi là sao? Ngay cả Sở Tài nguyên và Môi trường cũng chưa hướng dẫn cho người dân trong việc tiêu hủy như thế nào để đảm bảo môi trường. Tôi khẳng định là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm. Sở Công Thương phải điều tiết thị trường không để lái buôn khống chế giá cả, điều này người dân của mình sẽ bị thiệt”, ông Châu tỏ ra rất sốt ruột tại cuộc họp.
Ông Trần Châu nói rằng, việc phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi là trách nhiệm của tất cả các Sở ngành, đơn vị liên quan chứ không phải của riêng một ai. Nếu dịch bệnh xảy ra ở huyện nào thì trung tâm dịch vụ ở đó phải chịu trách nhiệm chính, rồi đến Phòng Kinh tế và đến Chủ tịch UBND huyện. Đối với tỉnh thì trước mắt là Chi cục Chăn nuôi - Thú y, sau đó đến Giám đốc Sở NNPTNT rồi cuối cùng là đến ông.