Gian lận thương mại đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng hơn trong 2 năm vừa qua việc buôn lậu gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn trắng trợn, công khai khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bị bỏ hoang vì thua lỗ và nông dân chưa biết trồng cây gì.
Nông dân từng làm giàu trên cây mía
Mới đây, báo Nông thông Ngày nay/Dân Việt đã tổ chức Tọa đàm "Làm gì để ngành mía đường Việt Nam thoát ra khỏi "bẫy" hội nhập, rất nhiều ý kiến của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội đề cập đến khó khăn chồng chất khó khăn khi chúng ta chuẩn bị bước vào "thời kì" hội nhập mía đường. Đặc biệt, việc mía đường Thái Lan được trợ giá và việc đường lậu từ Thái Lan ồ ạt tiến vào nước ta một cách công khai đang là rào cản lớn đối với ngành mía đường của Việt Nam hiện nay.
Tại buổi Tọa đàm, ông Thạch Phước Bình– Phó Trưởng đoàn ĐBQH Trà Vinh cho hay, ông từng làm Chủ tịch UBND huyện Trà Phú (thủ phủ mía đường ở Trà Vinh – PV) nên nắm rất rõ thực trạng mía đường ở địa phương.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có khoảng 4.500 - 5.000 ha diện tích đất trồng mía đường. Trước đây, đời sống của người dân và hoạt động của công ty mía đường trên địa bàn phát triển rất tốt và là một trong những ngành mũi nhọn của tỉnh.
Cây mía từng là cây trồng mang lại lợi nhuận và tương lai tươi sáng cho bà con nông dân Việt Nam. (Ảnh: IT)
Tuy nhiên, những năm gần đây giá mía giảm sâu khiến đời sống bà con vô cùng khó khăn. Đặc biệt là vụ năm 2018-2019, diện tích trồng mía từ 4.500ha giảm xuống còn khoảng 3.500ha, điều này khiến nguyên liệu cung cấp cho nhà máy trên địa bàn tỉnh giảm nên các công ty mía đường ở Trà Vinh phải nhập của các nơi khác.
“Theo tính toán của chúng tôi, hiện chi phí đầu tư của bà con với mỗi 1.000m2 gồm chi phí chăm sóc, phân bón khoảng 7 triệu đồng nhưng với giá bán 800 đồng/kg thì chỉ thu về được khoảng 3-4 triệu nên ảnh hưởng rất lớn đến đời sống. Hiện bà con nông dân nợ nhà cung cấp, nợ ngân hàng rất nhiều, nhiều hộ phải cầm cố đất đai. Thậm chí có tình trạng người dân đã bỏ mặc mía đường vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản, nhưng việc này không hề đơn giản. Đơn cử, một số nông dân đã dùng đất trồng mía để đào ao nuôi cá lóc nhưng nuôi cá lóc lại bấp bênh, nhiều rủi ro và không thể quay lại trồng mía được nữa", ông Bình nói.
Trước thực trạng trên, ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải bắt tay vào thực hiện ngay Đề án phát triển mía đường Việt Nam trong thời gian tới để giải quyết những khó khăn, giúp nhân dân bớt khổ.
"Có thể nói, nghề trồng mía đã trở thành nghề truyền thống “cha truyền con nối”, bà con nông dân làm giàu từ cây mía nhưng phần lớn các hộ dân đang trở thành hộ tái nghèo, không biết xoay chuyển như thế nào để khởi sắc. Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, bà con rất tâm tư đề xuất Đảng và Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề này, đặc biệt là có chính sách cụ thể, thiết thực để nông dân mía đường làm giàu trên từng cây mía”, ĐBQH tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh.
Mía đường Việt Nam chuẩn bị tiến vào thời kỳ hội nhập. (Ảnh: IT)
Cần cạnh tranh công bằng
Theo các chuyên gia, thực tế hiện nay, gian lận thương mại đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng hơn trong 2 năm vừa qua việc buôn lậu gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn trắng trợn, công khai khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bị bỏ hoang vì thua lỗ và nông dân chưa biết trồng cây gì.
Đáng chú ý, ông Đặng Việt An- Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Sơn La, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Kontum, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty Mía đường Tuy Hòa khẳng định: “Hiện nay giá đường của Việt Nam cao hơn Thái Lan là do ngành mía đường Việt Nam phải đối mặt trực diện với sự cạnh tranh bất bình đẳng của Thái Lan dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn từ nhiều thập kỷ nay”.
Theo tính toán dựa trên báo cáo của Hiệp Hội Mía Đường Mỹ thì Chính phủ Thái Lan trợ giá tối thiểu 1.5 tỉ USD/năm, tương đương 3.000 đồng/kg cho ngành Mía Đường.
“Hội nhập trong hoàn cảnh cạnh tranh bất bình đẳng và gian lận thương mại từ Thái Lan vào thời điểm này sẽ đẩy nông dân và các nhà máy vào tử địa. Các hộ nông dân trồng mía, doanh nghiệp chế biến đường chắc chắn sẽ chịu tổn hại to lớn, thậm chí ngành mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ bị xoá sổ. Thị trường của gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào đường nhập khẩu từ Thái Lan. Câu hỏi đặt ra là nếu Thái Lan khống chế được thị trường đường Việt Nam thì người tiêu dùng và khách hàng chế biến công nghiệp sẽ phải mua đường với giá đắt đỏ hay giá rẻ?”, ông Việt Anh cho hay.
Quang cảnh buổi Tọa đàm "Làm gì để ngành mía đường Việt Nam thoát ra khỏi "bẫy" hội nhập do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức sáng 1/6. (Ảnh: Đàm Duy)
Theo đó, vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng nhất thiết phải tính toán, phân tích một cách đầy đủ, sâu sắc hệ lụy của việc thực hiện Hiệp định ATIGA đến lợi ích của quốc gia, người nông dân, đồng bào trồng mía, công nhân lao động và doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Việt Nam cần xác định một lộ trình thực hiện cam kết ATIGA phù hợp, dựa trên các nguyên tắc công bằng, minh bạch, đảm bảo hài hoà lợi ích hợp pháp của quốc gia, các bên liên quan và ổn định an ninh, kinh tế, chính trị tại các địa phương.
Cụ thể trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn này, các cơ quan chức năng xem xét tạo điều kiện 5 năm cho các nhà máy đường Việt Nam cùng nông dân khôi phục lại vùng nguyên liệu, ổn định sản xuất và an sinh xã hội địa phương, tái cân bằng vị thế với Thái Lan.
Và lộ trình sau 5 năm nữa sẽ thực thi ATIGA trên cơ sở tái đàm phán với Thái Lan về hạn ngạch và mức thuế nhập khẩu 20-25% như các nước Indonesia và Philipines đã làm (hiện nay cả Indonesia và Philippines đã thực thi ATIGA nhưng đều khống chế hạn ngạch và thuế suất nhập khẩu 5% và 10%).
Do vậy 5 năm là khoảng thời gian để khôi phục cây mía, đảm bảo sinh kế cho nông dân đồng thời đánh giá tác động toàn diện của ATIGA cũng như tính toán mức thuế và hạn ngạch khi thực thi ATIGA.
Đường lậu chủ yếu từ Thái Lan về "Trong báo cáo đã nêu, mảng nhập đường lậu là một trong những nguyên nhân dẫn đến khó khăn rất nghiêm trọng và có nguy cơ hủy diệt ngành mía đường. Giai đoạn 1999- 2008 chúng ta nhập lậu khoảng 100.000 tấn; từ 2009- 2015 là 350.000 tấn; 2015 – 2016 là 800.000 tấn. Điều này cho thấy, việc đường lậu ngày càng tăng tại nước ta. Bên cạnh đó, việc nhập lậu mía đường chủ yếu từ khu vực Đông Nam Bộ, chủ yếu từ Thái Lan về. Theo tôi, đã nói đến hàng lậu thì phải nói đến yếu tố biên giới. Vậy ai phải chịu trách nhiệm? Nếu đi đường chính ngạch, nhập khẩu chính ngạch thì phải các cơ quan ngành Hải quan phải chịu trách nhiệm. Còn đường lậu thì phải qua biên giới, đường mòn lối mở, bí mật lén lút, không công khai. Tôi lấy ví dụ, tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, theo Hiệp hội mía đường nơi này là tích trữ nhập đường lậu. Khi lực lượng chức năng đến, một xe container 25 tấn đang công khai nhập đường của Thái Lan. Thâm nhập vào kho lực lượng chức năng phát hiện 98 tấn. Điều này nói lên việc buông lỏng quản lý. Do đó, bây giờ, để giải quyết vấn đề chống hàng lậu thì quan trọng nhất là chức năng của lực lượng Biên phòng còn Hải quan chịu trách nhiệm cửa khẩu, chính ngạch. Bên cạnh đó cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ và các cơ quan chức năng. Chúng ta hoàn toàn chống được nạn đường lậu", Ông Trần Hùng (Tổng Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương) phát biểu tại buổi tọa đàm do báo NTNN/Dân Việt tổ chức. |
Được hội nhập công bằng sẽ “đuổi” đường Thái Lan về nước "Thực tế hiện nay, đường lậu và gian lận thương mại. Nguyên nhân là do giá đường của Việt Nam cao hơn Thái Lan. Có thể thấy, với ngành mía đường dù nhà máy không lớn nhưng lại có hiệu quả và độ phù hợp. Sơn La khi chúng tôi đến là một nhà máy thua lỗ, vùng đất đồi núi bạc màu, dân không trồng lúa nữa, không thể cơ giới hoá, không sông ngòi, năng suất bình quân là 40 tấn mía/ha. Chúng tôi đã chủ động đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật... đảm bảo năng suất trồng mía, thu nhập cho bà con. Điều này cũng tạo ra sự ổn định cho công ty mía. Trước đây, năng suất trồng mía bình quân là 40 – 45 tấn/ha. Hiện nay, với quy mô sản xuất nông hộ nhưng vẫn có năng suất 70 tấn/ha tại các vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn. Trong khi đó, so với Thái Lan, điều kiện của họ tốt hơn nhiều, thậm chí còn được nhà nước hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía… nhưng họ mới chỉ đạt được 72-75 tấn/ha. Khi chúng tôi tiếp quản là 1.500 tấn/ ngày, đến nay, nhà máy đường Sơn La hiện nay có công suất 5.000 tấn mía/ ngày. Cũng thời điểm tiếp quản có 2.000 ha đất trồng mía, thì hiện nay đã có hơn 10.000 ha trồng mía và hơn 14.000 hộ gia đình tham gia trồng mía cho nhà máy. Điều này lần nữa khẳng định việc sản xuất khối lượng đến cánh đồng mía chúng ta không thua kém ai. Nhưng nếu được hội nhập một cách công bằng thì chúng tôi sẽ "đuổi" đường Thái Lan về nước", Đặng Việt Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Sơn La, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Kontum, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty Mía đường Tuy Hòa. |