Tại phiên chất vấn ngày 5/6, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, ĐBQH Vũ Thị Nguyệt Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đặt câu hỏi: “Việc triển khai thu phí tự động không dừng đến nay vẫn còn ở mức khiêm tốn, điều này ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chủ trương của Chính phủ, vậy Bộ GTVT có giải pháp gì để khắc phục?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Hạn cuối cùng thực hiện thu phí tự động không dừng là 31/12/2019 cho tất cả các trạm thu phí. Bộ GTVT chia làm hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tiên đã thực hiện được 28 trạm, còn 15 trạm đang triển khai. Giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải đấu thầu công khai, hiện các đơn vị tham gia đã khảo sát 33 trạm thu phí, theo cam kết thì nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 12/2019.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Nêu khó khăn trong việc triển khai thu phí tự động không dừng, Bộ trưởng Thể cho rằng: “Nguyên nhân là do hiện nay chúng ta chưa hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống thu phí tự động nên các trạm thu phí vẫn chưa đồng bộ. Mặc dù, có làn thu phí không dừng nhưng vẫn thu phí thủ công”.
Theo Bộ trưởng Thể, hiện nhiều tài xế có tâm lý là thu phí tự động cũng được mà thu phí thủ công cũng được. Lái xe mặc dù là gắn thẻ vẫn có thể là không nộp tiền, đi theo phương thức thủ công. Chúng ta chưa gắn chip toàn bộ các trạm trên toàn quốc nên số lượng doanh thu từ các làn thu phí không dừng không cao.
"Để giải quyết vấn đề này, sắp tới chúng tôi tham mưu cho Chính phủ ban hành một số chỉ thị, chỉ đạo để đến cuối năm 2019 tất cả các phương tiện mà không được gắn thẻ hoặc chưa nộp tiền thì phải đi vào làn thủ công. Mỗi trạm chỉ khoảng 1-2 làn thủ công, phương tiện nào không chấp hành phải xếp hàng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Ông Thể cho biết thêm, Bộ GTVT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước để liên thông thẻ thu phí với tài khoản của thẻ các ngân hàng để người sử dụng thẻ thuận lợi hơn. Sắp tới Bộ sẽ tham mưu ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho công tác gắn thẻ.
Ngoài ra, ĐBQH Hồ Thanh Bình (An Giang) đặt vấn đề: ĐBSCL có địa thế và điều kiện phù hợp để sản xuất, xuất khẩu nhiều sản phẩm. Dù được trung ương và bộ ngành quan tâm nhưng hạ tầng giao thông vẫn là điểm nghẽn. Bộ trưởng suy nghĩ và có giải pháp gì?
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ĐBSCL đang có nhiều tiềm năng như xuất khẩu gạo, trái cây, thuỷ sản với khối lượng lớn. Nhưng hàng hoá này đa số phải vận chuyển lên TP.HCM vì ở đây mới có tàu lớn vận chuyển hàng hóa. ĐBSCL có 21 cảng nhưng cảng lớn nhất là Cái Cui chỉ phục vụ được tàu tới 20.000 tấn. Bất cập là luồng vào chỉ đảm bảo tàu 10 nghìn tấn đầy tải.
Để phát triển khu vực này, rất cần một cảng biển nước sâu đồng thời có hệ thống giao thông kết nối để đáp ứng yêu cầu. Trong kế hoạch, Bộ GTVT chuẩn bị trình Chính phủ quy hoạch cảng Trần Đề ở Sóc Trăng có thể đáp ứng tàu 100 nghìn tấn vào khai thác. Nhà đầu tư đề xuất làm cầu từ bờ ra khoảng 10km rồi mới làm cảng ở ngoài đó. Ở vị trí đó, nước sâu khoảng 15 - 16m, không phải nạo vét luồng.
Trong quy hoạch, Bộ GTVT cũng sẽ xây dựng cao tốc từ Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng ra cảng Trần Đề, kết hợp với cao tốc TP.HCM - Cần Thơ có thể tạo thành hệ thống cao tốc liên hoàn để giúp do ĐBSCL phát triển công nghiệp 2 bên đường cao tốc, đưa hàng hoá ra nước ngoài.