Tỷ phú mất mạng vì cấp dưới muốn lập công
Edmond J. Safra, một tỷ phú trong ngành ngân hàng người Lebanon, qua đời trong một vụ hỏa hoạn ở cơ ngơi tại Monte Carlo, Monaco năm 1999. Khối tài sản của ông ước tính khoảng 2,5 tỷ USD. Safra cũng là một doanh nhân tích cực làm từ thiện.
Tỷ phú Edmond J. Safra qua đời trong một vụ hỏa hoạn. Ảnh: Independent.
Safra trang bị súng cho tất cả vệ sĩ của mình, nhưng phần lớn vệ sĩ không canh gác tại nơi ở của ông Safra vào ngày vụ hỏa hoạn xảy ra hồi tháng 12/1999. Khi đó chỉ có vợ và hai y tá chăm sóc sức khỏe ở cùng ông Safra. Edmon Safra rất tự tin vào sự an toàn của hệ thống an ninh trong ngôi nhà nên ông không cần bảo vệ, theo báo New York Times.
Sau vụ hỏa hoạn, ông Safra và một y tá đã chết ngạt trong phòng tắm khi ngọn lửa nhấn chìm tòa nhà. Bà vợ của ông Safra, Lily, thoát khỏi đám cháy mà không bị thương nghiêm trọng. Cảnh sát sau đó đã tạm giữ người y tá còn sống, Ted Maher, để thẩm vấn. Ban đầu, Maher khai rằng hai người đàn ông lạ mặt đã đột nhập vào tòa nhà và gây ra đám cháy.
Tuy nhiên, cảnh sát đánh giá lời khai của Maher không thuyết phục, vì người lạ không dễ dàng xâm nhập tòa nhà có hệ thống an ninh hiện đại. Sau một thời gian, Maher cuối cùng thừa nhận chính y là thủ phạm. Mục đích hành động của Maher không được xem là cố ý giết người vì y nghĩ rằng hành động cứu ông chủ khỏi đám cháy có thể giúp y ghi điểm đối với Safra. "Ông ta muốn trở thành anh hùng", công tố viên Daniel Serdet nói.
3 năm sau, tòa án ở Monaco đã chính thức kết tội Maher và xử 8 năm tù. Tuy nhiên, vì ông Safra là một nhân vật rất nổi tiếng nên những tin đồn về cái chết của ông nhanh chóng lan truyền. Nhiều người nói ông bị bắn chết, số khác lại nói chính mafia Nga mới là thủ phạm.
Vụ ám sát cựu Thủ tướng Lebanon
Vụ ám sát tỷ phú Rafic al-Hariri, cựu Thủ tướng Lebanon, vào tháng 2/2005 là một trong những sự việc vẫn còn nhiều bí ẩn đang điều tra.
Vụ ám sát tỷ phú Rafic al-Hariri được cho là toan tính chính trị. Ảnh: CBC
Ông al-Hariri gây dựng sự nghiệp kinh doanh khổng lồ ở Saudi Arabia từ một công ty xây dựng nhỏ lúc mới khởi nghiệp. Danh sách khách hàng cao cấp của ông al-Hariri gồm có những người trong hoàng tộc. Ông tham gia chính trường và trở thành Thủ tướng Lebanon trong giai đoạn 1992 - 1998 và 2000 - 10/2004. Tạp chí Forbes từng đánh giá tài sản của ông khoảng 4,3 tỷ USD.
Ngày 14/2/2005, đoàn xe chở ông al-Hariri khi đi ngang một bệnh viện ở thủ đô Beirut đã bất ngờ nổ tung vì khối thuốc nổ tương đương 1.800 kg TNT. Cuộc điều tra quốc tế về vụ ám sát đến nay vẫn diễn ra. Theo tờ Daily Star (Lebanon), một số bằng chứng cho thấy Tổng thống Bashar al-Assad của Syria có thể liên quan đến vụ việc. Nhiều thay đổi chính trị quan trọng ở Lebanon đã diễn ra sau cái chết của ông al-Hariri, trong đó có việc Syria rút quân đội khỏi Lebanon.
Tỷ phú bị ám sát vì làm gián điệp “hai mang”?
Việc tỷ phú Ashraf Marwan người Ai Cập nhảy lầu từ tầng 5 một căn hộ ở London vào ngày 27/6/2007 để lại câu hỏi lớn: ông tự vẫn hay bị ám hại?
Tỷ phú Ashraf Marwan có thể bị ám sát sau khi để lộ thân phận gián điệp. Ảnh: Standard.
Ông Marwan nổi tiếng trong vai trò một doanh nhân thành đạt, chính trị gia nổi tiếng và là con rể của cựu Tổng thống Ai Cập, Gamal Abdel Nasser. Tuy nhiên, vào năm 2002, ông Marwan bị phanh phui thân phận là một gián điệp. Vụ việc nhanh chóng trở thành sự kiện lịch sử chấn động ở Trung Đông thời đó. Theo BBC, ông Marwan đóng vai một điệp viên "hai mang" khi cố gắng cảnh báo với chính phủ Israel về một cuộc tấn công bất ngờ của quân đội Ai Cập, sau này là cuộc chiến Yom Kippur (năm 1973).
Theo tờ Haaretz (Israel), rào chắn ban công ở ngôi nhà của Marwan đến 1,5 mét nên ông khó có thể vô tình ngã. William Dolman, thành viên đội cảnh sát điều tra ở Westminster, xác nhận Marwan không có dấu hiệu rối loạn tâm lý dẫn đến tự tử vì ông "bình thường và vui vẻ" trong những ngày trước đó. Một người bạn của Marwan, Ahron Bregman, nói ông đã dự cảm về khả năng bị ám sát sau khi để lộ thân phận gián điệp. "Ông ấy đã nói về chuyện này với tôi ít nhất hai lần, thậm chí nói rõ là ông lo ngại Mossad (cơ quan tình báo Israel)".
Gia đình của ông Marwan cũng khẳng định ông đã bị ám sát. "Tôi không có mặt tại hiện trường khi đó, nhưng tôi chắc chắn đã có kẻ ném chồng tôi xuống đất. Ông ấy rất yếu và thủ phạm sẽ không quá khó khăn để ra tay", người vợ Mona Gamal Abdel Nasser nói trên BBC.
Rất nhiều đại diện cấp cao tham dự đám tang của ông Marwan tổ chức ở Ai Cập năm 2007, như các vị lãnh đạo tôn giáo, con trai của Tổng thống Ai Cập khi đó là ông Hosni Mubarak, giám đốc cơ quan tình báo...