Giống xoài đặc sản nơi núi rừng miền tây xứ Nghệ
Được biết, đặc sản xoài Tương Dương có đặc điểm là quả nhỏ gọn, vỏ khá sần sùi, không trơn bóng nhưng các loại xoài khác, có vị ngọt thanh và mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt, giống xoài này có thể thu hoạch đem bán khi quả còn xanh, do ở thời kỳ này quả ăn rất dòn, không chua, có khả năng vận chuyển đi xa mà không sợ bị hư hỏng.
Giống xoài đặc sản Tương Dương có nhiều cây rất to, muốn hái cần phải trèo cao để đảm bảo xoài không bị rớt. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với Dân Việt bà Lô Thị Tâm, trú tại bản Thạch Dương, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An) chủ vườn xoài cổ thụ chia sẻ: “Không giống như mùa xoài các năm trước, xoài năm nay gia đình tôi không hiểu sao bị mất mùa. Đây là những cây xoài cổ thụ, được gia đình tôi trồng rất lâu rồi, tất cả có 60 gốc. Năm nay đang vào vụ thu hoạch sớm, nhưng xoài có rất ít quả. Có nhiều người đặt mua, nhưng không có xoài để bán”.
“Tuy mất mùa, nhưng năm nay xoài rất được giá, mọi năm 20 ngàn/kg thì năm gia đình tôi bán 50 ngàn/kg mà không có để bán. Mùa xoài năm nay theo ước tính cũng thu hoạch được hơn 1 tấn quả gia đình thu về hơn 50 triệu đồng” bà Tâm cho biết thêm.
Xoài sau khi được hái xuống được bảo quản trong hộp xốp. Ảnh: Cảnh Thắng
Được biết, hiện nay xoài Tương Dương được trồng tập trung tại các xã: Xá Lượng, Thạch Giám, Tam Quang, Tam Thái, Lưu Kiền và thị trấn Hòa Bình với diên tích gần 50 ha; nhiều nhất là ở thị trấn Hoà Bình và xã Thạch Giám, riêng thị trấn có 14 ha đươc trồng tập trung chủ yếu ở 38 hộ gia đình. Trên thực tế, cũng chỉ ở những nơi này, cây xoài Tương Dương mới cho chất lượng quả tốt nhất. Năng suất trung bình của giống xoài này trong mấy năm gần đây đạt 9 tạ/ha với mật độ mỗi ha/200 cây.
Người dân tranh thủ trời nắng, hái xoài để bán cho những người đặt hàng từ trước. Ảnh: Cảnh Thắng
Trao đổi với Dân Việt, ông Lô Khăm Kha – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương (Nghệ An) cho hay: “Chúng tôi đang rình đề tài khoa học để bảo tồn và nhân giống xoài Tương Dương. Đây là giống xoài tốt, chất lượng cao; tuy chưa có cơ chế và quy trình chăm sóc một cách cụ thể; nhưng sắp tới khi được tỉnh cho phép chúng tôi sẽ phát triển và chuyên canh giống xoài này...".
Khó khăn là diện tích đất có thể trồng được giống xoài Tương Dương còn hạn chế, chưa có những hộ gia đình chuyên canh trồng xoài. Mặt khác, do điều kiện kinh tế của đại đa số các hộ trồng xoài còn nhiều khó khăn nên đã ảnh hưởng đến khả năng đầu tư thâm canh và phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình.
Bảo tồn và phát triển giống xoài quý hiểm
Cũng theo ông Lô Khăm Kha, việc tìm hướng đi để đem quả xoài Tương Dương thành hàng hóa cũng chưa được nhiều hộ trồng xoài nơi đây quan tâm. Phần lớn hiện nay các hộ trồng xoài cũng chỉ mới tính đến việc đem ra chợ bán hoặc bán cho những người nào đặt mua chứ không chú trọng đến việc kinh doanh theo thế mạnh của giống xoài này. Chính vì thế năng suất, sản lượng, cũng như giá trị kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nó.
Bà Lô Thị Tâm, trú tại bản Thạch Dương, xã Thạch Giám, huyện Tương Dương (Nghệ An) đang phụ chồng hái xoài. Ảnh: Cảnh Thắng
Từ thực tế đó, Phòng NNPTNT huyện đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông đã có những động thái tích cực nhằm nâng tầm giá trị kinh tế của cây xoài Tương Dương, trong đó đề án nghiên cứu "Bảo tồn và phát triển giống xoài Tương Dương" đang được triển khai, bước đầu đã cho hiệu quả tích cực. Hiện nay, tỷ lệ mất mùa xoài do sâu bệnh, thiên tai những năm qua đã giảm hẳn. Đồng thời, các vùng thích hợp cho sự phát triển, đem lại năng suất, chất lượng quả cao cũng được xác định.
Tuy nhiên, để quả xoài có được một chổ đứng vững chắc trên thị trường và phát huy được giá trị kinh tế, ngoài việc phải bảo tồn nguồn gen, tăng năng suất, chất lượng quả, thì việc xây dựng thương hiệu là điều hết sức quan trọng.
Một buổi hái xoài xủa bà bà Lô Thị Tâm. Ảnh: Cảnh Thắng
Cứ đến dịp này, Phòng NNPTNT huyện đã đứng ra tổ chức hội thi xoài, với sự tham gia của hơn 20 chủ vườn. Với tiêu chí: trọng lượng quả, màu sắc, mùi vị, ban tổ chức đã lựa chọn trao giải cho những vườn xoài có chất lượng cao. Đây chưa phải là một cuộc thi có quy mô, nhưng thực sự là một biện pháp hay, có ý nghĩa giúp người dân hiểu rõ hơn giá trị của đặc sản xoài Tương Dương, đồng thời giúp tìm ra được nguồn gen quý, phục vụ cho công tác bảo tồn và phát triển.
Tuy nhiên, để quả xoài Tương Dương có được một vị trí xứng đáng trên thị trường thiết nghĩ, trước hết UBND huyện cần có một định hướng bảo tồn và phát triển giống xoài Tương Dương một cách cụ thể. Cần có quy hoạch vùng trồng một cách chi tiết, đi sâu tìm hiểu, xác định thêm những vùng đất mới có thể giúp cây xoài Tương Dương phát triển và cho chất lượng cao như những vùng đã có.
Đặc biệt giống xoài này có thể hái lúc quả còn xanh và có thể vận chuyển đi xa. Ảnh: Cảnh Thắng
Đồng thời, huyện cần có chính sách hỗ trợ về vốn, hỗ trợ về kỹ thuật trồng, bảo quản quả xoài Tương Dương... cho người dân, để giúp họ chăm sóc và nâng cao hiệu quả của những vườn xoài. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống vườn ươm nhằm cung ứng giống xoài Tương Dương cho nhân dân trên địa bàn, bởi hầu hết các vườn xoài hiện nay đều đã có tuổi thọ khá cao (từ 10 đến 30 năm).
Về vấn đề tiêu thụ và đưa sản phẩm xoài ra bên ngoài, cần xây dựng nhãn hiệu, có sự bảo hộ về pháp lý và những chỉ dẫn địa lý cụ thể để khách hàng mọi nơi có thể biết đến.
Những quả xoài đặc sản Tương Dương chuẩn bị đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Cảnh Thắng
Nếu làm được điều đó, tin rằng, một ngày không xa, sản phẩm xoài mang thương hiệu Tương Dương sẽ được rất nhiều người biết đến và thưởng thức, và cây xoài sẽ là cây góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân huyện nhà.