Dân Việt

Lợn nặng 1 tạ khi bị tiêu hủy sẽ được hỗ trợ bao nhiêu tiền?

Thiên Hương 06/06/2019 09:30 GMT+7
Mới đây, Bộ NNPTNT đã thống nhất với Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ phương án hỗ trợ lợn phải tiêu hủy bằng tối thiểu 80% giá thị trường và cân từng con. Như vậy, với giá lợn hơi bình quân 35.000 đồng/kg thì 1 con lợn nặng 100kg khi phải tiêu hủy sẽ được hỗ trợ cao nhất là 2.800.000 đồng.

Tuy nhiên cũng có ý kiến băn khoăn, lợn của doanh nghiệp, hoặc lực lượng vũ trang có được hỗ trợ hay không? 

Đề xuất 2 phương án hỗ trợ

Tại hội nghị quán triệt các biện pháp kỹ thuật và bàn về chính sách hỗ trợ phòng, chống bệnh DTLCP, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi đưa ra hai phương án: Phương án 1 (đang thực hiện theo Nghị quyết 16), hỗ trợ phân theo đối tượng lợn con, lợn thịt các loại; lợn nái, lợn đực đang khai thác các loại hỗ trợ bằng 80% giá thị trường và hỗ trợ bằng cân.

img

Lực lượng cán bộ thú y Hà Nội tiến hành cân lợn trước khi đưa đi tiêu hủy theo quy định. Ảnh: D.T

Ông Dương cũng nêu đề xuất phương án hỗ trợ đối với các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh tối thiểu bằng 30% giá thị trường.

Phương án 2, hỗ trợ theo nhóm lợn phân ra 5 nhóm lợn: lợn đang theo mẹ, mức hỗ trợ: 250.000 đồng/con; lợn con cai sữa dưới 2 tháng tuổi: mức hỗ trợ 500.000 đồng/con; lợn thịt từ 2 đến 4 tháng tuổi (từ 30 - 80kg) hỗ trợ 1.500.000 đồng/con; lợn thịt từ 4 tháng tuổi trở lên: 2.500.000 đồng/con; lợn nái đang khai thác: 3.500.000 - 4.000.000 đồng.

Theo ông Dương, với cách tính bằng cân “là công bằng, chính xác nhất”. Trong khi đó, hầu hết các đại biểu cũng thống nhất với phương án đưa ra tại Nghị quyết số 16 của Chính phủ, đó là hỗ trợ bằng cân với tối thiểu 80% giá thị trường. Các địa phương căn cứ vào giá thực tế tại địa phương vào thời điểm hỗ trợ để xác nhận mức hỗ trợ cụ thể.

Theo cách tính này, với giá lợn hơi hôm nay tại khu vực Hà Nội đạt trung bình là 32.000 đồng/kg thì khi con lợn nặng 1 tạ phải tiêu hủy, bà con nông dân sẽ được hỗ trợ bằng 80% giá thị trường, tức được 2.560.000 đồng.

Trong khi đó, cũng con lợn nặng 1 tạ, nhưng giá lợn hơi trên thị trường tỉnh Thái Bình chỉ đạt 30.000 đồng/kg, thì mức tính giá hỗ trợ sẽ là: 100kg x 30.000 đồng = 3.000.000 x 80% = 2.400.000 đồng. 

Tại Đồng Nai, đến nay tỉnh này đã thực hiện được đợt hỗ trợ đầu tiên với tổng số tiền giải ngân hơn 1,5 tỉ đồng cho các hộ chăn nuôi có lợn bị nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy; trong đó, hỗ trợ 300.000 đồng/con đối với lợn con theo mẹ; 500.000 đồng/con đối với lợn con dưới 2 tháng tuổi; 2 triệu đồng/con đối với lợn thịt 2 - 4 tháng tuổi.

Đối với lợn thịt, lợn giống, hậu bị trên 4 tháng tuổi, Đồng Nai thực hiện hỗ trợ 3 triệu đồng/con; lợn nái, lợn đực giống đang khai thác được hỗ trợ tối đa với mức 4,5 triệu đồng/con.

Lợn thuộc lực lượng vũ trang nuôi có được hỗ trợ không?

Một bạn đọc có hỏi, khi lợn của đơn vị lực lượng vũ trang nuôi để tăng gia sản xuất nhưng bị nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy, thì có thuộc diện được nhà nước hỗ trợ thiệt hại hay không? 

img

Tiêu hủy lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại huyện Vũ Thư (Thái Bình). Ảnh: T.L

Về vấn đề này, đại diện Cục Thú y cho biết, việc hỗ trợ giống cây trồng và vật nuôi thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh hiện nay căn cứ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ; Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 7/3/2019 kết luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019, trong đó, mục 7 quy định về việc sửa đổi Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Đối tượng áp dụng trong Nghị định 02 là hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và sản xuất muối (sau đây gọi là hộ sản xuất) bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh theo quy định tại Điều 1 Nghị định này.

Còn tại Nghị quyết 16 của Chính phủ, thống nhất cho phép: UBND cấp tỉnh sử dụng dự phòng ngân sách của địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác hỗ trợ cho chủ vật nuôi có lợn mắc bệnh, lợn nghi mắc bệnh lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh động vật lây lan, kể cả khi xuất hiện dịch bệnh nhưng chưa được công bố dịch theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, đối với lợn con, lợn thịt các loại, hỗ trợ với mức tối thiểu 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra. Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 1,5 - 2,0 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh.

Như vậy, có thể hiểu là doanh nghiệp, lực lượng vũ trang không nằm trong diện được hỗ trợ khi tiêu hủy lợn do nhiễm dịch tả châu Phi.