Trang trại lợn quy mô lớn hơn 5.000 con của ông N.V.V ở xã Việt Long tan hoang sau "bão" dịch.
Hỗ trợ không đủ trả nợ
Là hộ được nhận số tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch cao nhất xã Việt Long trong đợt 1 vừa qua nhưng hai vợ chồng anh Đào Văn Hòa ở thôn Tiên Tảo vẫn không đủ trả nợ lãi vay, tiền thức ăn chăn nuôi... Bây giờ, vợ chồng anh phải chuyển đi buôn cá ở chợ xã để có thêm thu nhập trả nợ và nuôi 4 đứa con của mình.
Vào những ngày này, dù tiết trời nắng nóng như đổ lửa nhưng vợ chồng anh Hòa và chị Hoa vẫn phải ngược xuôi tìm đầu mối mua cá đưa về chợ để bán. "Hôm chích điện, đưa lợn về với đất, vợ con kêu khóc thảm thiết hơn nhà có tang, tôi cũng gục luôn, nhưng nghĩ các cháu nheo nhóc đang tuổi ăn, tuổi học nên vợ chồng đành vực nhau gượng dậy tìm đường khác mưu sinh", anh Hòa kể.
Sau khi đàn lợn gần 80 con của gia đình bị nhiễm dịch bệnh phải tiêu hủy khoảng 1 tháng trước, ngày 30/5 vừa rồi vợ chồng anh Hòa nhận được thông báo lên xã để nhận tiền hỗ trợ. Cũng đúng hôm đó, các chủ nợ gọi điện đòi, thành ra toàn bộ số tiền anh Hòa nhận được khoảng 145 triệu đồng chưa về tới nhà đã "bốc hơi" hết.
Chuồng trại của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa hoang tàn sau khi dịch tả lợn châu Phi "càn quét" qua.
"Có tiền trả nợ sớm chúng tôi cũng mừng, nhưng về lâu về dài vợ chồng tôi chưa biết bấu víu vào đâu để mưu sinh và lo cho các cháu ăn học", anh Hòa ngậm ngùi chia sẻ.
Đang bán cá cho khách ở chợ, thấy có người nhắc đến chuyện tiêu hủy lợn dịch, chị Nguyễn Thị Hoa (vợ anh Hòa) lại ứa nước mắt bảo: "Chuyện qua rồi, mọi người đứng nhắc lại nữa, chúng tôi đã đủ đau xót rồi, không chịu đựng thêm được nữa đâu".
Cùng trong tình cảnh với gia đình anh Hòa, 53 hộ mới nhận tiền hỗ trợ ở xã Việt Long cũng đang chật vật với cuộc sống mưu sinh. Bà Nguyễn Thị Tình ở thôn Tiên Tảo cho biết, dù may mắn nhận được tiền hỗ trợ sớm hơn các hộ khác trong xã nhưng bà con ở đây vẫn bị mất nghề, mất nguồn thu nhập chính vì chưa ai dám chăn nuôi lợn trở lại.
"Bán rau, bán cá... cũng chỉ là giải pháp tạm thời trước mắt để cầm cự qua ngày thôi. Còn về lâu về dài ở nông thôn không nuôi lợn, làm ruộng thì không có nghề nào để làm nữa, bà con hết tuổi lao động lại khổ cực, bơ vơ, nghèo đói quay lại...", bà Tình nói.
Vào thời gian này, ông N.V.V, chủ trang trại có đàn lợn hơn 5.000 con mới bị tiêu hủy vì dính dịch tả lợn châu Phi ở xã Việt Long phải tìm đến nhà bạn bè để chơi cờ cho khuây khỏa tinh thần.
"Tưởng rằng đầu tư chăn nuôi hiện đại, máy móc công nghệ cao sẽ thắng dịch nhưng không ngờ tôi vẫn bị nó hạ gục, giờ vợ chồng tôi thực sự mất niềm tin vào chăn nuôi rồi, khả năng sắp tới chúng tôi phải bán trại, bỏ nghề thôi", ông nói.
Theo ông V, do đàn lợn của gia đình ông quá lớn và khi bị bị dịch đúng vào thời điểm giá lợn xuống thấp nên dù nhà nước có chính sách hỗ trợ nhưng cũng không bù đắp nổi, ước tính gia đình ông bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Mất nghề nuôi lợn, hiện vợ chồng anh Đào Văn Hòa đang phải buôn cá tại chợ xã để kiếm tiền mưu sinh, nuôi con.
Tỷ lệ tiêu hủy lợn dịch lên đến trên 80%
Là "thủ phủ" chăn nuôi lợn ở Hà Nội và cũng là địa phương bị dịch cuối cùng nhưng số lượng đàn lợn phải tiêu hủy ở xã Việt Long lại nhiều nhất thành phố. Tính đến ngày 31/5, tổng số lượng lợn bị tiêu hủy của xã lên đến gần 8.000 con/9.500 con (chiếm trên 80% tổng đàn của xã) với số hộ thiệt hại là 321 hộ/557 hộ nuôi lợn của xã này.
"Dù công bố dịch cuối cùng của huyện nhưng đến giờ hậu quả mà chúng tôi và bà con đang gánh chịu là quá lớn, ngoài sức tưởng tượng", ông Nguyễn Ngọc Chuyền - Chủ tịch UBND xã Việt Long nói.
Anh Nguyễn Văn Hồi, một hộ dân có lợn bị dịch ở xã Việt Long phải tìm cách bán đồ nhậu để kiếm sống, nuôi gia đình.
Ông Chuyền cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, riêng số tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch của xã đã lên đến trên 10 tỷ đồng, vượt giới hạn chi trả của địa phương hàng chục lần.
"Hiện, dịch vẫn đang lây lan mạnh và khả năng đàn lợn khoảng trên dưới 1.000 con còn lại của bà con cũng khó cầm cự được lâu", ông Chuyền nhận định.
"Chúng tôi đã làm mọi cách, mọi phương pháp nhưng cũng không cải thiện được tình hình. Thứ duy nhất mà xã có thể làm giúp bà con lúc này là kiểm đếm và hoàn thiện hồ sơ gửi lên cấp trên để sớm có tiền hỗ trợ, mong bà con vơi bớt được thiệt hại và sớm ổn định cuộc sống, sản xuất", ông Chuyền cho hay.
Điều mà ông Chuyền lo ngại hơn cả là tiêu chí thu nhập của xã sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau "bão" dịch. Ông Chuyền cho hay: Dù Việt Long đã cán đích nông thôn mới vào cuối năm 2018 và theo kế hoạch sắp tới xã sẽ đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn NTM, nhưng đến giờ ngành chăn nuôi lợn của địa phương lại bị dịch bệnh nguy hiểm tàn phá, cả trăm hộ mất nghề, mất nguồn thu nhập, chúng tôi đang rất lo lắng tìm hướng khắc phục tình hình trên.
Bà Nguyễn Thị Tình ở xã Việt Long đang chật vật lo cuộc sống sau khi mất nghề nuôi lợn.