Những người ủng hộ quan điểm cấm tuyệt đối bia rượu khi điều khiển phương tiện giao thông còn quy chụp cho các đại biểu không thông qua là những người “lợi ích nhóm”, hưởng lợi từ bia rượu hoặc thậm chí là “ăn tiền” để phát biểu, để ngăn chặn việc thông qua quy định này.
Vâng, nếu chỉ nhìn vấn đề bó hẹp trong phạm vi một quy định cụ thể, cộng với cách thông tin của các trang mạng, kể cả báo chính thống khi đưa tin về sự việc này thì việc người dân phản ứng như vậy là hoàn toàn có căn cứ.
Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ rộng ra, đây là hoạt động xây dựng Luật của Quốc hội, việc xây dựng một chế định pháp luật có hiệu lực điều chỉnh trên phạm vi cả nước, với tất cả các đối tượng và phù hợp với toàn bộ hệ thống pháp luật khác hiện đang tồn tại, chúng ta sẽ thấy việc không thông qua quy định này hay chưa thông qua Luật này tại thời điểm hiện nay cũng là điều hoàn toàn bình thường.
Bình thường thứ nhất, đó là không chờ đến lúc ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia thì rượu bia mới bị cấm sử dụng khi lái xe. Bởi đơn giản, quy định này đã có và đang được thực thi trên thực tế.
Pháp luật hiện tại cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện là ô tô và các xe tương tự xe ô tô sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác tương đương rượu, bia khi lái xe. Các nhà làm luật nhận thức rằng, ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ, người điều khiển nó dù sử dụng một giọt rượu, bia vào cũng có thể gây ra những tai nạn thương tâm, thế nên cần thiết phải cấm tuyệt đối.
Trong trường hợp người điều khiển phương tiện cố tình vi phạm thì có thể bị xử phạt tiền từ 16 đến 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 3 đến 5 tháng. Trong trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung tăng nặng là sử dụng rượu, bia khi lái xe.
Ảnh minh họa. I.T
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy cũng không ngoại lệ, họ cũng bị cấm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi trong hơi thở của họ có nồng độ cồn từ 0,25miligam/1 lít khí thở hoặc 50 miligam/100 mililit máu. Trong trường hợp những người này cố tình vi phạm thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và nếu gây ra tai nạn nghiêm trọng cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như những người điều khiển ô tô nêu trên.
Vậy, điều này chứng minh là pháp luật chúng ta đã có quy định cấm, đã có phương án xử phạt và thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự rồi đấy chứ, đâu phải chờ đến lúc Luật phòng chống tác hại của rượu bia được thông qua hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe mới bị cấm?
Có chăng, nếu quy định “cấm tuyệt đối những người điều khiển phương tiện không được sử dụng rượu bia” hôm nọ được bấm nút thông qua thì chúng ta cũng chỉ bổ sung được đối tượng là người đi xe đạp và những người sử dụng rượu, bia dưới 0,25miligam/1 lít khí thở hoặc 50 miligam/100 mililit máu vào mà thôi. Đây là một điều không cần thiết và không hợp lý với thực tiễn thi hành pháp luật ở Việt Nam.
Bình thường thứ hai, đó là mọi hành vi sử dụng bia rượu trái phép gây hậu quả nghiêm trọng, quảng cáo bia rượu trái phép, bán bia rượu trái phép …… thì Nhà nước Việt Nam và các Cơ quan quản lý đã nhận diện được từ lâu và đánh giá được tác hại của nó đến con người cũng như sự phát triển chung của toàn xã hội.
Vậy nên đã có những quy phạm điều chỉnh ví dụ như: Yêu cầu các cơ sở bán rượu phải có giấy phép bán buôn, bán lẻ rượu; cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15% trở lên; Cấm quảng cáo rượu ở các địa điểm công cộng; Sản xuất rượu phải có giấy phép do các cơ quan chức năng cấp; Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao đối với rượu nhằm hạn chế tiêu dùng…. chứ không phải chờ đến lúc Luật phòng chống tác hại của rượu bia được ban hành thì những hành vi này mới bị cấm, bị hạn chế và bị xử phạt.
Vậy nên, các đại biểu khi thông qua bất kỳ một quy định luật nào, cần phải có sự cân nhắc kỹ càng trên mọi mặt tác động, từ đó tạo ra tính ổn định trong nội tại các Luật, tránh việc phải sửa đi, sửa lại hoặc phản ứng tiêu cực khi một quy phạm pháp luật đi vào cuộc sống cũng là điều dễ hiểu.
Vậy, nếu các quy định về cấm, hạn chế tác hại của bia rượu đã có thì ban hành Luật này là thừa?
Xin thưa, không phải vậy, có rồi, nhưng vẫn phải có! Đó mới là pháp luật.
Trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là ban hành một “Luật mới” thì công tác “pháp điển hóa” sẽ được ưu tiên đầu tiên, pháp điển hóa là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đó không những tập hợp những văn bản đã có theo một trình tự nhất định, loại bỏ những quy phạm lỗi thời, mâu thuẫn mà còn chế định thêm những quy phạm mới nhằm thay thế cho những quy định bị loại bỏ và khắc phục những chỗ trống được thực hiện trong quá trình tập hợp văn bản, sửa đổi các quy phạm hiện hành, nâng cao hiệu lực pháp lý của chúng.
Luật phòng chống tác hại của rượu bia cũng đang được xây dựng chủ yếu theo phương pháp pháp điển hóa pháp luật này, tức là các nhà làm luật đang nâng hiệu lực pháp lý của các quy định vốn trước đây đang được thể hiện dưới dạng Nghị định, Thông tư, Nghị quyết … lên thành luật một cách có chọn lọc.
Sau khi pháp điển hóa các quy định liên quan đến phòng chống tác hại của rượu bia và nâng lên thành luật, Luật này cũng không làm “vô hiệu hóa” các quy định hiện hành đang có về giấy phép bán rượu, về xử phạt vi phạm hành chính khi sử dụng rượu bia không kiểm soát, về trách nhiệm hình sự khi uống rượu bia gây tai nạn…. mà Luật này sẽ như bộ khung, mang tính chất quy định định hướng nhiều hơn là các quy phạm cụ thể để soi chiếu sự vi phạm.
Luật này sẽ là hành lang pháp lý để Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật cụ thể trong việc phòng chống tác hại của rượu bia đến từng người dân và đến sự phát triển chung của toàn xã hội, ngoài ra, cũng là để các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương xây dựng các kế hoạch, chiến lược phù hợp với định hướng phát triển ngành công nghiệp bia rượu và quan trọng hơn.
Đây sẽ là hành lang pháp lý để bản thân mỗi cá nhân, công dân có hành vi sử dụng rượu bia một cách có trách nhiệm, an toàn đối với chính bản thân mình và cho xã hội.