Dân Việt

CLIP: Giá heo hơi hôm nay tăng đột biến, nhiều nơi sạch bóng lợn

Trần Quang 07/06/2019 06:00 GMT+7
Hiện giá lợn hơi (heo hơi) đang tăng nhanh trở lại nhưng cũng là lúc người nông dân, những nông hộ nhỏ lẻ và nhiều trang trại đã sạch bóng lợn. Sau khi dịch tả lợn châu Phi càn quét, mọi thứ đều tan hoang. Những người nông dân từng sống, làm giàu từ lợn nay đã gục ngã ngay tại chính chuồng trại của mình.

CLIP: Người nông dân đã gục ngã ngay trên chính mảnh đất đã nuôi sống họ.

Là xã nuôi lợn nhiều ở huyện Nho Quan (Ninh Bình), thời gian trước khi có dịch tả lợn châu Phi, hàng ngày ở các thôn, xóm ở xã Văn Phú luôn tấp nập xe ra vào mua lợn, tiếng vật nuôi kêu réo đòi ăn suốt đêm ngày, giờ đến các làng của xã này đâu đâu cũng thấy vôi bột trắng xóa, chuồng trại tan hoang xơ xác như vừa bị bão quật. 

Đua xót nhất là trường hợp hộ gia đình bà Nguyễn Thị Bình, chủ trang trại ở xã Văn Phú. Hôm chúng tôi đến bà Bình vẫn nằm bẹp trên giường, nước mắt không ngừng rơi, thỉnh thoảng bà lại kêu lên thảm thiết như người điên. Thấy vậy, mấy người hàng xóm lại chạy đến động viên, an ủi...

"Từ hôm mất lợn đến giờ cả tháng rồi, ngày nào bà ấy cũng kêu khóc thảm thiết lắm, chúng tôi sống bên cạnh cũng không cầm được nước mắt", bà Thương, một người dân ở xã Văn Phú, huyện Nho Quan nói.

img

Ông Tề khóc bên trang trại tan hoang sau "bão" dịch.

"Tôi đã mất chồng hơn 10 năm trước, giờ lại mất thêm cả đàn vật nuôi sinh kế nữa, đúng là chúng tôi bị ông trời chặn đường sống thật rồi", bà Bình nói trong nước mắt.

Trang trại của bà Bình là một trong những trang trại lớn nhất nhì ở huyện Nho Quan mới bị dịch tả lợn châu Phi tấn công. Chỉ tính riêng đàn lợn nái hàng chục con và lợn giống, gia đình bà đã thiệt hại tiền tỷ.

"Trước còn lợn, còn nghề thì còn bạn, còn vay mượn được tiền, giờ mất hết chả ai chơi, cho vay nữa. Các chủ nợ, ngân hàng cùng tìm đến đòi cấp tập khiến chúng tôi càng túng quẫn hơn", bà Bình chia sẻ.

img

Thiệt hại chăn nuôi quá lớn đã khiến bà Bình gục ngã, không còn sức đứng dậy.

Cùng hoàn cảnh với bà Bình, vào những ngày này gia đình ông Nguyễn Văn Tề (hơn 70 tuổi) ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) cũng đang "chết dở, sống dở" vì mất lợn. Dù giá lợn hơi đang tăng lên cao, đạt 38.000 - 40.000 đồng/kg nhưng toàn bộ trang trại của ông giờ đã trống không, các con của ông phải ngược xuôi khắp nơi tìm việc mưu sinh, kiếm sống.

"Cả khoản tiền tỷ đầu tư vào trang trại giờ mất hết, chúng tôi gặp đại hạn thật rồi", ông Tề nói.

img

img

Trang trại lợn của ông Đinh Văn Quyết hoang tàn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi quét qua.