Dân Việt

“Giữ chân” lao động sau tết: Không đơn giản

04/02/2012 06:28 GMT+7
(Dân Việt) - Sau tết, nhiều lao động ở các khu công nghiệp tính chuyện ở lại quê hoặc nhảy việc. Để “giữ chân” họ, các doanh nghiệp đã đưa ra đủ các chính sách khác nhau.

Dệt may, da giày căng thẳng

Vào dịp đầu năm mới, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Tình ở xã Yên Tiến, Ý Yên (Nam Định) tay xách, nách mang ngay cổng Bến xe Mỹ Đình. Chị chia sẻ: “Tôi đã đi làm may được hơn 10 năm, chuyển đến 5 công ty khác nhau rồi mà mức lương vẫn không đủ sống. Gần tết vừa rồi tôi nghỉ sinh đứa thứ hai nên cũng chẳng có thưởng tết, đi làm trở lại thì lương thấp nên sau tết tôi quyết định đi tìm việc ở một công ty khác”.

img
Lao động Khu công nghiệp Thăng Long tìm kiếm thông tin tuyển dụng trong năm 2012.

Trao đổi với Dân Việt, ông Bùi Quang Vinh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Dệt 19.5 Hà Nội thừa nhận, ngành dệt may và da giày là những ngành sử dụng nhiều lao động nên việc công nhân bỏ việc sau tết luôn căng thẳng nhất. “Mặc dù chúng tôi có hơn 1.000 công nhân nhưng để “giữ chân” người lao động sau tết, công ty cố gắng tối đa để thực hiện tăng lương theo quy định trước thời hạn, chăm lo tết cho người lao động bằng tháng lương thứ 13 và cả lì xì đầu năm mới” - ông Vinh nói.

Ông Katsuyoshi Soma - Tổng Giám đốc Công ty Canon VN (Khu công nghiệp Thăng Long) cho biết: “Để người lao động gắn bó lâu dài, Công ty không chỉ quan tâm đến các chính sách về lương, thưởng mà còn áp dụng nhiều chính sách và các hoạt động phúc lợi khác. Như trả 100% lương cơ bản trong thời gian thử việc; tiền trợ cấp đời sống, trợ cấp cho công nhân lành nghề, hỗ trợ tiền tàu xe về quê ăn tết...

Theo bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, sau tết việc thiếu lao động sẽ vẫn xảy ra, nhất là với ngành dệt may sử dụng lực lượng lao động lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhiều biện pháp về lương, thưởng, phụ cấp… kể cả cho xe đưa, đón công nhân về quê ăn tết nên hy vọng năm nay lao động ngành dệt may không có nhiều biến động lớn.

Ngoài dệt may, các lĩnh vực khác cũng vẫn còn “dư âm” của tết nên công nhân vẫn vắng vẻ. Chị Vi Thị Hồng ở xã Tú Nang (Yên Châu, Sơn La) đang làm việc tại Công ty Chioa (Khu công nghiệp Yên Nghĩa, Hà Nội) cho biết: “Hiện làm đầy đủ các ngày trong tháng, tính cả tăng ca, thu nhập của em cũng chỉ được khoảng 3,3 triệu đồng, tạm đủ ăn, chưa có tích lũy nên hiện tại vẫn còn nhiều người vắng mặt, không biết có bỏ việc hay không”.

Lương, thưởng là yếu tố quyết định

Theo ông Nguyễn Xuân Chính – Trưởng ban Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, tính đến ngày 8 Tết, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đã hoạt động trở lại với khoảng 120 nghìn lao động đã đến làm việc. Khác với nhiều năm trước, do doanh nghiệp đã có chính sách “giữ chân” lâu dài người lao động nên theo báo cáo nhanh, hầu hết người lao động đều trở lại làm việc đầy đủ, chỉ khoảng 5% vắng mặt.

Ông Vũ Quang Thành – Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động (Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội) cho biết, ngay đầu năm mới, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp cũng đã khá lớn. Ngày 2.2, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội đã tổ chức phiên giao dịch việc làm đầu tiên của tháng 2 nhằm đáp ứng nhu cầu này. Với lao động nông thôn, UBND TP.Hà Nội cũng có chính sách tổ chức dạy nghề, tạo việc làm và mở các sàn giao dịch việc làm ngay tại địa phương (trung tâm huyện). Đây là đội ngũ lao động sẽ bổ sung cho các doanh nghiệp trên địa bàn.

Trao đổi với Dân Việt, TS Đặng Quang Điều – Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) cho biết: Dịp Tết người lao động có thể tìm được cơ hội mới với những đãi ngộ hấp dẫn hơn nên đã quyết định bỏ nơi làm việc cũ. “Theo tôi, các doanh nghiệp muốn “giữ chân” người lao động cần xây dựng các chính sách tiền lương, thưởng thật xứng đáng và có chính sách tạo điều kiện cho người tài thăng tiến. Mặt khác, cần có các chính sách phúc lợi về nhà ở và nhà trẻ… thì chắc chắn người lao động sẽ gắn bó lâu dài” - ông Điều nói.

Thừa Thiên - Huế: Đầu năm tuyển hơn 2.200 lao động

Ngày 3.2, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, những ngày đầu năm mới, gần 30 doanh nghiệp nội tỉnh và TP.Đà Nẵng thông báo cần tuyển hơn 2.200 lao động trên địa bàn. Trong đó, nhu cầu tuyển lao động có bằng đại học là 257 người; trung cấp, cao đẳng nghề 155 người; sơ cấp nghề 981 người; lao động phổ thông 847 người. Từ ngày mùng 5 Tết đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh phối hợp với Phòng LĐTBXH các huyện tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm theo nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua các phiên giao dịch, doanh nghiệp phần lớn chỉ tuyển được lao động phổ thông, số lượng lao động có trình độ cao rất ít.