Trong thư bà Lân cho biết, doang nghiệp của bà còn đang tồn 600 con heo nái hậu bị và heo thịt. Có 150 con heo thịt trên 100kg/con không dám xuất chuồng vì sợ thương lái mang dịch tả vào trại.
Cách đây 4 tháng, bà Lân mua giống 2,1 triệu đồng/con, cộng với tiền cám, vac-xin, công nuôi, điện nước, lãi ngân hàng… giờ lỗ 1,5 triệu đồng/con. Trong khi, vẫn phải mua cám giữ đàn qua nạn DTHCP nên rất khó khăn về vốn.
Bà Lân (đứng) trong một lần "kể khổ" với chính quyền về việc doanh nghiệp gồng mình giữ đàn heo trước DTHCP.
“Doanh nghiệp đang gồng mình để giữ đàn heo. Cứ mỗi lần có tin nhạy cảm và nạn dịch, các chủ trại heo thường bị thương lái ép giá. Chủ trại chúng tôi không biết kêu đến ai. Tôi có nguyện vọng được vay vốn ưu đãi tín chấp của địa phương để đàn heo được tồn tại. Chính quyền hãy làm cầu nối cho tôi bán đúng giá số heo trên 100kg/con còn tồn trong trại”, bà Lân khẩn cầu.
Bà Lân tiếp: "Chúng tôi là những nông dân đam mê chăn nuôi, vay vốn xây trại, mua giống, cám về nuôi coi như là một nghề kinh doanh. Không nói ai cũng biết, năm 2016-2017, do bão giá khiến các hộ chăn nuôi phải treo chuồng, nợ vay chưa trả được, giờ lại đến DTHCP.
Tôi nghe thông tin tới đây chính quyền sẽ cho giảm đàn heo để làm sạch môi trường, sẽ có phương án nhập khẩu thịt heo đông lạnh. Nếu giảm đàn heo thì những doanh nghiệp chăn nuôi như chúng tôi sẽ ra sao? Ai sẽ hỗ trợ chúng tôi chuyển hướng kinh doanh khác không phải chăn nuôi heo nữa?".
Bà Lân kêu gọi chính quyền bảo vệ những trang trại trực tiếp sản xuất chăn nuôi trên địa bàn như bà bằng cách hỗ trợ thuốc sát trùng, vôi; hỗ trợ giá nếu trại bị dịch. Cho người chăn nuôi vay lãi suất ưu đãi để duy trì và tái đàn.
"Xử lý thiệt nặng bằng tiền, thu hồi giấy phép hành nghề, kể cả truy cứu hình sự đối với chủ trại, thương lái, lò mỗ, phương tiện vận chuyển cố tình mua bán heo có mầm bệnh rồi tuồn ra ngoài. Chính quyền hãy làm cầu nối cho các chủ trang trại heo được bán heo sạch trong vùng", bà Lân tha thiết đề nghị.
Cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước xử lý một ổ DTHCP.
Theo bà Lân, nếu lãnh đạo tỉnh và các ban ngành chức năng không có biện pháp kết hợp đồng bộ nhịp nhàng để xử lý DTHCP thì rất nhiều thiệt hại cho những trang trại nuôi heo. Cụ thể chủ trang trại sẽ mất vốn, mất trại, mất đất đai tài sản trở thành hộ nghèo phải nhờ đến hỗ trợ ngân sách của địa phương; ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và địa phương…
Tính đến hết ngày 5/6, tỉnh Bình Phước đã xuất hiện 96 ổ dịch tại 18 xã, phường thuộc 4 địa phương, là: Đồng Phú, Đồng Xoài, Phú Riềng và Phước Long. Số lượng heo tiêu hủy toàn tỉnh hiện 1.194 con với trọng lượng hơn 63,5 tấn.
Bình Phước hiện có 251 trang trại heo với 665.000 con. Trong đó, trang trại công nghệ cao chiếm 80%, còn lại là các hộ chăn nuôi bán công nghiệp.