Anh Nguyễn Văn Th, một người dân xã Vĩnh Trung trên đảo Vĩnh Thực, TP.Móng Cái, đưa chúng tôi đi một vòng quanh đảo và thâm nhập vào những cánh rừng thông nằm trên những quả đồi cao. Anh Th cho biết, rừng thông trên đảo do một số hộ dân và Bộ đội Biên phòng trồng theo chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc từ những năm 1990.
Khoảng 4 năm trở lại đây xuất hiện tình trạng nhiều người được thuê vào rừng lấy nhựa trái phép rồi bán cho một chủ thu mua. Việc làm này khiến hầu hết những thân cây thông có đường kính từ 20 - 30cm bị cạo nhựa triệt để, có những cây đã chết hoặc không thể phát triển được nữa.
Những thân cây thông bị cạo nham nhở.
“Thông bị cạo nhựa ai cũng biết nhưng chẳng thấy chính quyền ngăn chặn. Có những lúc, chủ thu gom nhựa thông tổ chức cả trăm người dân cùng vào khai thác nhựa, lượng nhựa bị khai thác trái phép rất lớn”, anh Th cho biết.
Một người dân thôn 4, xã Vĩnh Trung, TP.Móng Cái (xin được giấu tên) đang đi cạo nhựa thông thuê tiết lộ, hằng ngày, một người có thể cạo vỏ tới vài trăm cây.
“Chúng tôi được người quen giới thiệu đi cạo nhựa rồi thu gom bán cho người thu mua. Mỗi ngày cạo như thế này cũng kiếm được 200.000 - 300.000 đồng tiền công, không bị ai ngăn cản nên chúng tôi chẳng biết rừng thông này có được phép cạo nhựa hay không…”, người này cho biết.
Người dân được thuê đi cạo nhựa thông kiếm mỗi ngày 200.000 - 300.000 đồng.
Theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm Móng Cái, rừng thông trên đảo Vĩnh Thực, TP.Móng Cái được trồng từ dự án trồng rừng 661 do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh thực hiện từ năm 2001 đến 2006 trên diện tích 1.366,5ha. Diện tích rừng thông thuộc quy hoạch rừng sản xuất tại xã Vĩnh Trung là 259,4ha và xã Vĩnh Thực là 421,4ha; diện tích rừng thông thuộc quy hoạch rừng phòng hộ do Ban quản lý Rừng phòng hộ TP.Móng Cái quản lý là 685,7ha.
Ông Nguyễn Danh Đức, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Móng Cái cho biết, việc khai thác nhựa thông đã diễn ra từ trước, nhưng diện tích rừng sản xuất này đã được giao cho dân (có sổ). Năm ngoái khi có ý kiến về việc khai thác nhựa trái phép, TP.Móng Cái đã cho kiểm tra nhưng đây là rừng đã giao cho dân.
Trong khi đó, ông Lê Đức Tâm - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Vinh Trung lại thừa nhận: Vẫn còn hiện tượng người dân được thuê vào khai thác nhựa thông trái phép. Xã và các đơn vị liên quan đã nhiều lần ra quân kiểm tra, xử lý người thu mua, khai thác trái phép, nhưng hiện tượng này chưa thể ngăn chặn triệt để do rừng của địa phương quản lý và rừng giao cho dân còn chồng chéo, chưa xác định rõ ràng.
“Năm 2018, chúng tôi ngăn chặn và xử lý khoảng 5 tấn nhựa khai thác trái phép giao cho Kiểm lâm. Hiện trên địa bàn, thời điểm này chưa có hộ dân nào được cấp phép khai thác nhựa. Do vậy, chúng tôi quyết tâm kết thúc năm 2019 sẽ hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho toàn bộ người dân quản lý” – ông Lê Đức Tâm nói.
Rừng của địa phương quản lý và rừng giao cho dân còn chồng chéo, chưa xác định rõ ràng nên mới xảy ra tình trạng này.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một người đàn ông D người ở huyện Hải Hà, Quảng Ninh thuê người dân khai thác nhựa thông. Ông D đứng sau các hoạt động khai thác, thu mua trái phép nhựa thông trên toàn đảo Vĩnh Thực là 2 xã Vĩnh Trung và Vĩnh Thực với diện tích lên đến cả nghìn hecta rừng thông.
Việc khai thác nhựa thông diễn ra công khai nhưng ít khi bị cơ quan chức năng ngăn chặn.
Theo lời một số người dân, hiện tượng khai thác vào lúc cao điểm khá công khai, nhưng ít khi bị cơ quan chức năng ngăn chặn.