Dân Việt

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Ủy ban Chứng khoán thuộc Bộ Tài chính vẫn phù hợp

P.V 07/06/2019 11:51 GMT+7
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, việc tổ chức mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) thuộc Bộ Tài chính hiện nay vẫn phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Chính phủ đã thống nhất rất cao với tinh thần, UBCK vẫn thuộc Bộ Tài chính.

img

Theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, chiều 6/6, Quốc hội tiền hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).

UBCK thuộc Bộ Tài chính đã phát huy tác dụng rõ rệt

Về vị trí quyền hạn, nhiệm vụ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), đa số ý kiến từ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần xác lập để UBCKNN có đủ thẩm quyền, trực tiếp tổ chức quản lý toàn diện hoạt động chứng khoán.

Ở khía cạnh tổ chức, có ý kiến cho rằng UBCKNN cần độc lập, trực thuộc Chính phủ. Trong khi có ý kiến đề nghị giữ nguyên như hiện nay. Đa số thành viên Uỷ ban Kinh tế cho rằng UBCKNN độc lập, trực thuộc Chính phủ là cần thiết. Tuy nhiên Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cần nghiên cứu, rà soát, làm rõ vị trí, vai trò của mô hình tổ chức của UBCK, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trong quản lý đối với hoạt động chứng khoán.

Phát biểu tại buổi họp tổ, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, thông lệ quốc tế chứng minh có nhiều mô hình khác nhau về quản lý, giám sát thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, có 3 mô hình chủ yếu: mô hình thuộc Bộ Tài chính (Malaysia, Bangladet, Bồ Đào Nha, Argentina…); mô hình thuộc Ngân hàng trung ương (Singapore, Nga, Sec, Hunggari…); mô hình thuộc cơ quan giám sát tài chính thuộc Chính phủ (Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Austraylia…).

“Dù được tổ chức dưới mô hình nào thì cơ quan quản lý giám sát TTCK các nước (UBCK) đều phải tuân thủ đáp ứng các nguyên tắc về cơ quan quản lý của Tổ chức quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO), có nguyên tắc độc lập theo đó cơ quan quản lý phải độc lập trong hoạt động và chịu trách nhiệm trong thực thi các chức năng cà có đủ thẩm quyền, nguồn lực, năng lực để thực thi chức năng nhiệm vụ đó”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thực tiễn Việt Nam, công tác quản lý giám sát hoạt động chứng khoán và TTCK trong thời gian qua cho thấy mô hình UBCKNN thuộc Bộ Tài chính đã và đang phát huy tác dụng tốt, hỗ trợ gắn kết với cổ phần hóa DNNN với niêm yết, với đăng ký giao dịch trên TTCK, huy động vốn. Ngoài ra, còn hỗ trợ tài chính, ngân sách, đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát trên TTCK.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay: “TTCK lúc đầu thành lập tách riêng, sau một hồi khó khăn quá, đưa về Bộ Tài chính, suốt từ đó đến nay có thời điểm tưởng là sập sàn, nhưng Bộ và Chính phủ kiên quyết giữ, dần dần từng bước ổn định, mấy năm qua đã phát triển vượt bậc”.

Do đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Việc tổ chức mô hình UBCK thuộc Bộ Tài chính hiện nay vẫn phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tổ chức thẩm quyền của UBCK, các sở GDCK, TTLKCK quy định cụ thể tại luật cơ bản phù hợp với nguyên tắc của IOSCO và thông lệ quốc tế, đảm bảo mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản đầu mối, tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương 6. Với mô hình hiện nay, Chính phủ đã thống nhất rất cao với tinh thần, UBCK vẫn thuộc Bộ Tài chính”.

Tăng mức vốn điều lệ không tác động lớn đến TTCK

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, về nâng điều kiện mức vốn điều lệ của công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng để phù hợp với quy mô TTCK hiện tại và nâng cao chất lượng của các công ty đại chúng, Ủy ban Kinh tế cơ bản đa số tán thành, tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng có thể ảnh hưởng huy động vốn của DN.

“Quy định từ 10 tỷ đồng trở lên đã có từ năm 2006 đến nay đã 12 năm. Trong số liệu doanh nghiệp (DN) theo thống kê của Nhà xuất bản thống kê, trong 15 năm từ năm 2000 - 2014 quy mô bình quân vốn của DN tăng 16 lần. Hiện nay trong 1.940 công ty đại chúng, có 81% là có mức vốn điều lệ từ 30 tỷ đồng trở lên. Số còn lại cũng có có khăn trong quá trình trang trải nghĩa vụ nộp phí quản lý công ty, đăng ký chứng khoán, đăng ký giao dịch trên TTCK… Tuy nhiên, việc quy định mức vốn cho công ty đại chúng quá nhỏ sẽ dẫn đến tình trạng nhiều công ty đăng ký ưu tiên nhưng sau một thời gian nộp hồ sơ đăng ký hủy tư cách công ty đại chúng do không đáp ứng tiêu chuẩn, gây khó khăn trong công tác quản lý, theo dõi việc thực  hiện nghĩa vụ của công ty đó”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Do đó, theo Bộ trưởng, để thúc đẩy việc chào bán chứng khoán ra công chúng gắn với việc niêm yết trên TTCK, đề nghị nâng lên tối thiểu 30 tỷ đồng là phù hợp với đăng ký niêm yết tối thiểu trên TTCK hiện nay. “Mức vốn đó không gây xáo trộn lớn. Nếu chọn phương án vốn điều lên 30 tỷ đồng trở lên thì số DN bị ảnh hưởng chỉ là 18,3%, thấp hơn so với tỷ lệ 30,9%, chọn mức điều lệ 50 tỷ đồng. Cho nên quy định này không có tác động lớn đến TTCK khi luật ban hành”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Về chào bán chứng khoán riêng lẻ của DN khởi nghiệp sáng tạo, đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế tán thành cần xây dựng hành lang pháp lý để DN khởi nghiệp sáng tạo, nhất là DN khởi nghiệp sáng tạo trên lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tiếp cận vốn trên TTCK, tuy nhiên Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị dự thảo chỉ quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về điều kiện và tổ chức vận hành. Bộ trưởng cho biết, theo thông lệ, các DN này thường không huy động vốn trên TTCK do độ rủi ro cao, mà thường khởi nghiệp bằng vốn tự có và từ các quỹ. Các nước đủ điều kiện vẫn có thể xây dựng thị trường cho DN khởi nghiệp sáng tạo, nhưng không quy định điều này trong Luật Chứng khoán.

“Tuy nhiên để phản ánh xu thế mới của quốc tế và Việt Nam, tạo điều kiện huy động vốn từ ý tưởng và tạo điều kiện giao dịch vốn của DN khởi nghiệp sáng tạo, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố bình đẳng giữa các DN, tại dự thảo luật, chúng tôi có quy định cơ sở pháp lý cho hoạt động chào bán chứng khoán của DN khởi nghiệp sáng tạo”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói thêm.