Dân Việt

Vùng quê nghèo thay đổi diện mạo nhờ nông thôn mới

P.V 07/06/2019 14:36 GMT+7
Tân Kim vài năm trở về trước vẫn được nhắc đến là một trong 4 xã miền núi thuộc diện 135 còn nhiều khó khăn của huyện Phú Bình (Thái Nguyên). Tuy nhiên, vùng đất này hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày với diện mạo ngày càng khởi sắc, khiến cả một vùng quê nghèo trước đây trở nên bừng sáng.

Về xóm Xuân Lai, một trong những xóm nghèo của xã Tân Kim những ngày này trở nên đông vui nhộn nhịp. Gần chục năm trở về trước, người dân nơi đây chủ yếu sống với nghề trồng lúa, trồng ngô, bám với cái cày, cái cuốc và con trâu. Theo lời kể của một vài người dân, Xuân Lai trước kia vốn là một vùng đất hoang sơ, xung quanh chủ yếu là núi đồi, bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước người dân từ các tỉnh miền xuôi như Hưng Yên, Hà Tây đã di cư đến đây khai hoang, sinh sống.

img

Ngày đó, xóm chỉ có khoảng chục nóc nhà, người dân trong xóm hầu hết đều di cư từ các tỉnh khác đến chứ ở xóm không có người bản địa. Khi đó, đường vào xóm chỉ là những con đường dân sinh nhỏ, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào rừng núi, quanh năm đi lấy măng rừng, đi lấy củi và mót sắn, mót khoai để sinh sống qua ngày. Vì thế mà cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi.

Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân trong xóm đã từng bước được cải thiện đáng kể. Đặc biệt là từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, tốc độ phát triển kinh tế ở nơi đây nhanh vượt bậc. Để minh chứng cho sự đổi thay ở nơi đây, Trưởng xóm Nguyễn Văn Hùng dẫn chúng tôi đi thăm một vòng qua những cánh đồng lúa, những ngôi nhà khang trang, nhà văn hóa, các công trình kênh mương thủy lợi, đường bê tông hóa được đầu tư đồng bộ.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Trưởng xóm Xuân Lai chia sẻ: “Chỉ khoảng 6 -7 năm trở lại đây, diện mạo xóm Xuân Lai đã thay đổi rõ rệt. Người dân có xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang thương mại - dịch vụ với đa dạng các ngành nghề như: buôn bán hàng hóa, vật liệu xây dựng, đồ gỗ mỹ nghệ, sản xuất gỗ bóc… Hiện tại cả thôn có khoảng trên 20 hộ kinh doanh buôn bán cá thể trên tổng số 127 hộ với 548 nhân khẩu”.

Cũng theo ông Hùng đến thời điểm này, toàn xóm đã bê tông hóa được trên 2400m đường nông thôn, ngoài ra hệ thống kênh mương nội đồng cũng cơ bản được hoàn thiện, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đến nay, thu nhập bình quân trên đầu người đã đạt mức 35 triệu đồng/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 14% năm 2015 xuống chỉ còn 0,8% năm 2018. Đặc biệt từ khi tuyến đường vào trung tâm xã có chiều dài 5km được đầu tư nâng cấp cải tạo năm 2018 đã giúp cho diện mạo nông thôn mới của xóm càng trở nên khang trang rõ rệt, đời sống của bà con nhân dân ngày càng được nâng lên đáng kể.

Chia sẻ với PV, Ông Đồng Văn Dũng, một người dân trong xóm hồ hởi cho biết: “Từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân chúng tôi vô cùng phấn khởi. Bởi vậy chúng tôi luôn đồng thuận cùng các cấp chính quyền địa phương chung sức, chung tay xây dựng nông thôn mới, vì chúng tôi nhận thấy rằng xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của toàn dân, chỉ có xây nông thôn mới cuộc sống của người dân mới hết đói nghèo và trở nên khấm khá hơn”.

Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang lĩnh vực thương mại – dịch vụ đã làm cho đời sống của người dân giàu lên trông thấy. Người dân giờ đây không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn biết kết hợp các mô hình kinh tế khác nhau để tạo ra những sản phẩm giá trị mang lại thu nhập kinh tế cao cho gia đình. Với việc tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ sẵn có từ việc trồng rừng của gia đình mình, hộ gia đình ông Kiều Xuân Phúc ở xóm Xuân Lai đã mở xưởng gỗ bóc ván từ vài năm nay mang về thu nhập cho gia đình mỗi năm lên tới 250 triệu đồng, đồng thời còn giải quyết công ăn việc làm cho gần chục lao động tại địa phương với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhiều hộ gia đình tại địa phương còn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu như trước kia, đời sống kinh tế của bà con chủ yếu dựa vào cây trồng truyền thống cho năng suất thấp thì nay những loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao như: Lúa lai, ngô lai và các loại cây ăn quả… được người dân đưa vào gieo, trồng ngày càng phổ biến, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

img

Vài năm trở lại đây, các loại vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương như: Bò, lợn, gà, vịt, chim bồ câu… cũng được bà con đưa vào chăn nuôi ngày càng nhiều. Trong xóm hiện có nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn vay hỗ trợ như mô hình nuôi chim bồ câu pháp và lai pháp của gia đình anh Kiều Văn Nam nhờ nguồn vốn vay ban đầu 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giúp gia đình anh vươn lên thoát nghèo với thu nhập ổn định từ 100 – 120 triệu đồng/năm.

Xóm Xuân Lai hôm nay không còn những hộ đói nghèo như trước, từ những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp ngày nào nay mọc lên những ngôi nhà khang trang với những vật dụng giá trị trong nhà như tivi, xe máy thậm chí nhiều gia đình đã có ô tô để đi lại. Chất lượng cuộc sống của người dân ngày được nâng lên, do đó bà con ngày càng quan tâm hơn đến đời sống văn hóa tinh thần. Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” của xóm có nhiều chuyển biến tích cực, xóm nhiều năm đều đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến. Hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa của xóm đều đạt trên 95%; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học đều được cắp sách đến trường.

Từ mảnh đất nghèo khó năm nào, xóm Xuân Lai giờ đây đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ với khắp các đường làng ngõ xóm cơ bản đều được trải bê tông, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát tạo nên một khu dân cư đông đúc, người dân có cuộc sống ấm no, thôn xóm trở nên văn minh, hiện đại.